Bộ trưởng: 'Ngành giáo dục có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể'

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đứng trước gần 1 triệu nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự rất hồi hộp, căng thẳng. Trải lòng trước buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ông hồi hộp vì "chưa làm điều này bao giờ".

Bộ trưởng: 'Ngành giáo dục có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể' - 1

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải đáp chia sẻ của giáo viên.

Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục". Sự kiện được tổ chức trực tuyến, có hơn 700.000 nhà giáo trên cả nước tham gia tại các điểm cẩu.

Việc càng khó, càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm

Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục đang có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể. Để  làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực, việc càng khó càng lớn thì  càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được.

Phát biểu mở đầu cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự rất hồi hộp, căng thẳng. Trải lòng trước buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ông hồi hộp vì "chưa làm điều này bao giờ" - đứng trước gần 1 triệu nhà giáo.

Bộ trưởng chia sẻ: "Có người khuyên tôi không nên tổ chức sự kiện này vì nhỡ không trả lời được hết ý kiến, mọi người sẽ thất vọng thì sao, hay "nhỡ miệng" thì sao. Nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá. Và tôi vẫn quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ này".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cuộc gặp không phải là việc đối thoại giữa cấp quản lý với người lao động, "mà gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung”.

Cuộc gặp không thể trả lời hết các ý kiến trao đổi nhưng Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các cục, vụ phân tích các ý kiến gửi đến để có cách trả lời theo các nhóm vấn đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc tới vinh dự cũng như áp lực khi đảm nhận trọng trách Bộ trưởng và thuận lợi quan trọng khi có hơn 1 triệu đồng nghiệp, những nhà giáo bên cạnh.

“Từ khi nhận nhiệm vụ vào đầu năm 2021, tôi đã mong muốn một ngày có thể gặp mặt rộng rãi toàn thể giáo viên trong ngành để cùng nhau chia sẻ, trao đổi về công việc của chúng ta. Vì tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo, nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo. Chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ quyết định chất lượng đổi mới của ngành giáo dục”, Bộ trưởng bày tỏ.

Thu nhập không đủ sống

Tại buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến liên quan đến chính sách nhà giáo được đề cập như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường…

Bộ trưởng: 'Ngành giáo dục có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể' - 2

Giáo viên nêu lên thực tế khó khăn trong công tác.

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, tỉnh Tiền Giang mong Bộ trưởng có giải pháp về thu nhập, vì với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường. 

Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm công tác trong giáo dục mầm non tại tỉnh Hậu Giang, cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên chia sẻ: "So với mặt bằng chung của các ngành nghề, thu nhập của giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non. Trong khi đó, lao động giáo viên mầm non mang nhiều tính chất đặc thù như thời gian lao động kéo dài, trung bình ngày làm việc từ 10-12 giờ. Công việc giáo viên mầm non là vừa nuôi, vừa dạy trẻ, chú ý, chăm sóc quan tâm từng trẻ, áp lực nặng nề". 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, giáo viên mầm non làm công việc nặng nhọc, chịu nhiều áp lực, tuy nhiên mức lương hiện nay chưa tương xứng. Bộ GDĐT cũng đã có những đề xuất Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành về việc tăng lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó, lưu ý nhất đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, với số lượng giáo viên chiếm 70% công chức, viên chức thì chính sách điều chỉnh cần có tính toán nguồn lực, có những giải pháp căn cơ để thực hiện sớm điều này vì đây cũng là một trong những bù đắp cho đội ngũ giáo viên hiện nay. 

“Những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới”

Gửi tới giáo viên cả nước những mong mỏi, Bộ trưởng nhắc tới đầu tiên là “Chúng ta cần thực hiện thật tốt chương trình giáo dục 2018. Cần coi đây là cơ hội, là phương thức để chúng ta đổi mới toàn diện. Thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất”.

Nhấn mạnh “những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới”, Bộ trưởng cho rằng: Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. “Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”.

Đề cập tới đội ngũ hiệu trưởng với vai trò là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới ở cơ sở giáo dục, Bộ trưởng cho rằng: Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. “Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp. Cho nên mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới. Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng: 'Ngành giáo dục có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể' - 3

Sự kiện là dịp để đội ngũ nhà giáo cả nước trao đổi tâm tư, nguyện vọng.

Từ góc độ truyền thông để phụ huynh, xã hội chia sẻ,  thấu hiểu với ngành, Bộ trưởng mong rằng, 1,6 triệu nhà giáo cần nói được công việc mà mình đang làm, cần thể hiện được những gì đã cố gắng, nói thật rõ những gì đang vướng, những gì cần chia sẻ. “Với các xấu trong nội bộ chúng ta có thể lên tiếng để chống, với các tốt, cái được trong ngành chúng ta cần nói rõ. 1,6 triệu người nói sẽ có hiệu quả hơn là riêng Bộ trưởng nói”.

Bộ trưởng chia sẻ: "Có một người nổi tiếng đã từng nói “thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, hiện giờ chúng ta đang muốn thay đổi thế giới, điều trước tiên là phải làm cho các thầy cô giáo hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trước hết từ ta, do chúng ta. Chúng ta cần bước ngay vào hành trình cùng làm cho chúng ta hạnh phúc; trường học với các học trò thân yêu và hạnh phúc của chúng ta đang chờ ở nơi đó”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Ngọc

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!