"Thưởng thức nghệ thuật khi đi du lịch sẽ để lại ấn tượng sâu sắc"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Với người nước ngoài, khi thưởng thức loại hình nghệ thuật truyền thống trong quá trình du lịch sẽ như được khám phá, tìm hiểu về bản sắc Việt”, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ.

"Thưởng thức nghệ thuật khi đi du lịch sẽ để lại ấn tượng sâu sắc" - 1

Thưa ông, thời gian qua chúng ta đã chứng kiến những “cái bắt tay” hiệu quả giữa du lịch và âm nhạc, vậy đây có phải là hướng truyền thông mới của ngành Du lịch sau giai đoạn dịch COVID-19? 

Âm nhạc và du lịch, hai phạm trù khác biệt nhưng lại có mối quan hệ khăng khít với nhau. Việc “bắt tay” giữa du lịch với âm nhạc truyền thống không còn quá xa lạ. Điều đó đã được nhiều địa phương, công ty du lịch áp dụng hiệu quả. Đặc biệt với những những địa phương đang sở hữu các di sản văn hóa phi vật thể như Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; hát Xoan, Đờn ca tài tử; Nhã nhạc cung đình Huế. 

Và có thể khẳng định đây là hướng đi đúng bởi sự kết hợp này không chỉ mang đến bước đột phá, sự phong phú, sáng tạo, bước phát triển bền vững cho du lịch mà bản thân âm nhạc truyền thống cũng có thêm nhiều điều kiện để tiếp cận công chúng nhiều hơn chứ không nhất thiết chỉ được biết tới trong khuôn khổ các chương trình quảng bá lễ hội hoặc tuyên truyền.

Rất nhiều du khách trong và ngoài nước ngoài khi nghe quan họ Bắc Ninh trên thuyền; nghe ca Huế trên sông Hương; nghe Đờn ca tài tử trong những miệt vườn đã phải thốt lên lời ấn tượng khó quên. Với người nước ngoài, khi thưởng thức loại hình nghệ thuật truyền thống trong quá trình du lịch sẽ như được khám phá, tìm hiểu về bản sắc, truyền thống Việt. Và từ đó, âm nhạc truyền thống đọng lại sâu hơn, lâu hơn trong cảm nhận của khách du lịch.

Du lịch và âm nhạc truyền thống khi được kết hợp khéo léo, hiệu quả không chỉ giúp ngành Du lịch có thêm nhiều tour du lịch phong phú phục vụ du khách mà còn thực sự góp phần đưa ngành Du lịch phát triển bền vững hơn, mang thêm nhiều giá trị kinh tế.

"Thưởng thức nghệ thuật khi đi du lịch sẽ để lại ấn tượng sâu sắc" - 2"Thưởng thức nghệ thuật khi đi du lịch sẽ để lại ấn tượng sâu sắc" - 3

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, với sự bùng nổ của mạng xã hội, việc quảng bá du lịch trên mạng xã hội cụ thể là nền tảng Tiktok có phải là hướng đi ưu tiên của Tổng cục Du lịch, thưa ông?

Ngay từ khi Tiktok chính thức ra mắt thị trường Việt Nam năm 2019, Tạp chí Du lịch (Tổng cục Du lịch) và TikTok đã ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác quảng bá cho Du lịch Việt Nam, khởi động chương trình quảng bá du lịch Việt Nam bằng công cụ video, chương trình #HelloVietnam. Mặc dù bị ảnh hưởng của COVID-19, nhưng qua 2 năm các bên đã thực hiện được 4 chiến dịch truyền thông cho các địa phương là #HelloVietnam, #HelloDanang, #HelloNinhbinh và #HelloQuangNam nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hoá, ẩm thực, phong cách sống của Việt Nam và chia sẻ trên nền tảng TikTok; đồng thời, triển khai chương trình #ancungtiktok, quảng bá cho ẩm thực Việt Nam.

Mới đây, chiến dịch “Ngân nga Việt Nam” nhằm kêu gọi người dùng cùng tìm về vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống, tôn vinh văn hóa và chia sẻ niềm tự hào dân tộc, từ đó góp phần quảng bá du lịch quốc gia. Những clip lồng ghép nhạc cổ truyền trên nền tảng này còn giúp quảng bá nét đẹp văn hoá dân tộc, và giúp người dùng được khám phá thêm về phong cảnh, con người địa phương gắn liền với các giai điệu đó.

Tính đến nay, sau hơn 1 tuần ra mắt, MV "Ngân nga Việt Nam" đã đạt hơn 36 triệu lượt xem trên TikTok. Đây là thành công đáng kể trong việc quảng bá nét đẹp văn hoá dân tộc thông qua những làn điệu cổ truyền, giúp người dùng được khám phá thêm về phong cảnh, con người địa phương gắn liền với các giai điệu truyền thống.

Tổng cục Du lịch cũng đã có buổi làm việc với đại diện TikTok Đông Nam Á và Discovery Châu Á - Thái Bình Dương về kế hoạch hợp tác truyền thông quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng hơn 12 triệu người dùng hoạt động hằng tháng trên TikTok; do đó, ưu thế của TikTok là điều kiện thuận lợi để bổ sung một công cụ, giải pháp trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, lan tỏa hình ảnh Việt Nam.

"Thưởng thức nghệ thuật khi đi du lịch sẽ để lại ấn tượng sâu sắc" - 4

Theo ông, vai trò của Ngân Nga Việt Nam trong việc quảng bá, thúc đẩy du lịch Việt Nam trong thời gian tới là gì? 

Phát triển và thúc đẩy ngành Du lịch trong bối cảnh hội nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc luôn là kim chỉ nam của những người làm công tác du lịch. 

Trong khuôn khổ chiến dịch #NganNgaVietNam, âm nhạc truyền thống đóng vai trò là cầu nối kết nối các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam. Đồng thời, với sự đồng hành của TikTok trong việc triển khai chiến dịch #NganNgaVietNam, việc người dùng tham gia sáng tạo các nội dung về du lịch địa phương lấy cảm hứng từ âm nhạc truyền thống thông qua công cụ video ngắn sẽ góp phần quảng bá du lịch dưới hình thức mới mẻ, dễ dàng tiếp cận, nhưng vẫn giữ trọn tinh thần văn hóa Việt Nam.

"Thưởng thức nghệ thuật khi đi du lịch sẽ để lại ấn tượng sâu sắc" - 5

Tôi hi vọng chiến dịch “Ngân nga Việt Nam” sẽ mang âm nhạc truyền thống đến gần hơn với người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bằng sự dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong cách thể hiện video chủ đạo của chiến dịch, âm nhạc truyền thống sẽ tiếp tục được thưởng thức và trân quý bởi các thế hệ trẻ, góp phần thúc đẩy du lịch trong thời gian tới.

"Thưởng thức nghệ thuật khi đi du lịch sẽ để lại ấn tượng sâu sắc" - 6

Nhìn tổng thể, ngành Du lịch đã tận dụng cơ hội nắm bắt thời cơ chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin và đã đạt những kết quả chính như thế nào, thưa ông?

Để hướng tới sự phát triển du lịch sau dịch COVID-19, chuyển đổi số giữ vai trò rất quan trọng và là xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch. Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng công nghệ góp phần bảo đảm du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có, để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.

Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, ngành Du lịch cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và doanh nghiệp có thể cùng sử dụng được. Trên thực tế, thời gian qua, những tập đoàn công nghệ lớn như: VNPT, Mobifone, FPT… cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch để thực hiện công tác chuyển đổi số tại các điểm du lịch, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch.

"Thưởng thức nghệ thuật khi đi du lịch sẽ để lại ấn tượng sâu sắc" - 7

Tôi tin tưởng những nền tảng số này sẽ hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong ngành Du lịch hoạt động trong môi trường số. Các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp công nghệ đứng trước cơ hội khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số, cần nắm bắt được xu hướng du lịch để có giải pháp thích ứng, ứng dụng nhiều ý tưởng tiên phong, tạo ra những sản phẩm du lịch số độc đáo, hiệu quả.

Xin cảm ơn ông Nguyễn Lê Phúc!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thanh Huyền (Báo Lao Động)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!