Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM: Khơi thông nguồn lực

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sáng nay, 26/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM: Khơi thông nguồn lực - 1

TP.HCM cần cơ chế để phát triển. Ảnh: Hải An.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, các cơ chế, chính sách đề xuất trong nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM lần này gói gọn trong bốn chữ: "Khơi thông nguồn lực".

Nếu được Quốc hội thông qua và làm tốt các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư, TP.HCM sẽ có nguồn thu hút cả trăm nghìn tỉ đồng vốn đầu tư, đó là động lực phát triển dành cho cả nước.

“Chiếc áo” cơ chế, chính sách cho TP.HCM giờ đã chật

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và cả nước.

Trong đó, có Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đây là quyết sách kịp thời, tạo không gian cho TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, nhiều nội dung còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự tạo sự bứt phá cho thành phố.

Cách đây hơn 1 năm, khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý, sau 5 năm, TP.HCM cần tổng kết việc thực hiện nghị quyết, nghiên cứu đề xuất xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, không phải đến năm 2021 mà trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, “dường như các động lực tăng trưởng của TP.HCM đã bị bào mòn”, “chiếc áo” cơ chế, chính sách cho TP. HCM bây giờ đã chật.

Là một địa phương luôn khẳng định vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, điều tiết số thu về ngân sách Trung ương cao nhất, nhưng chính sách hiện hành lại “cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù”, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá.

Do đó, việc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tạo lập khung pháp lý về chính sách vượt trội, tạo bước đột phá cho TP.HCM theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương là điều rất cần thiết.

Chính sách đột phá này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng TP.HCM mà còn có ý nghĩa với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Với vị thế đặc biệt của thành phố, Nghị quyết mới này phải bảo đảm một khung pháp lý mang tính đột phá mạnh mẽ và phải “vượt trội về chính sách” để thành phố đi trước, hành động trước, tiếp tục khẳng định được vị thế đầu tàu về kinh tế của cả nước.

Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này có 2 nhóm chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể. Trong đó, có các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác, hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội.

Ngoài ra, có các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo Nghị quyết với 4 nhóm vấn đề gồm: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Một trong số chính sách được coi là đột phá trong dự thảo nghị quyết, đó là đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Chính sách mới này được nhiều ý kiến cho rằng rất cần thiết, góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án phát triển đô thị. Cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách cho thành phố.

TP.HCM không xin "đặc lợi" cho riêng mình

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nếu mục tiêu của cơ chế, chính sách ở nghị quyết 54 tập trung tạo nguồn thu, thì nghị quyết mới lại tập trung nhiều cho thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới.

Như vậy, lần này TP.HCM đề xuất thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, từ đó đóng góp thực tiễn, nguồn lực cho cả nước, chứ không xin "đặc lợi" cho riêng mình.

Với bốn nhóm cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội vừa giúp TP tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục, dự án đã làm trước đây để dòng vốn đầu tư chạy nhanh hơn, đồng thời kiến tạo động lực phát triển mới lớn hơn, mạnh hơn để TP.HCM phát triển, thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế.

Cùng với đó, nghị quyết mới giúp thành phố phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, có được chiếc áo cơ chế vừa vặn để TP Thủ Đức phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, TP.HCM có rất nhiều tiềm năng về nguồn lực ở nhiều lĩnh vực cần được khơi thông, tạo động lực phát triển mới để từ đó giữ vững vị trí đầu tàu, đóng góp cho kinh tế cả nước.

Nguồn lực đó bao gồm con người, đất đai, tài chính, khả năng tập trung tích lũy cơ sở hạ tầng, tài sản nông nghiệp, nghiên cứu, dịch vụ và thúc đẩy hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước.

Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM: Khơi thông nguồn lực - 2

Tiềm năng, lợi thế về nguồn lực rất lớn của TP.HCM chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Hải An.

Nếu có những cơ chế vượt trội, đột phá để gỡ vướng về thể chế, tạo động lực mới để TP.HCM tổ chức bộ máy, tập trung triển khai các dự án hạ tầng, chương trình chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… thì sức hấp thụ vốn của TP.HCM sẽ tăng lên. Động lực phát triển mới chắc chắn được tạo lập.

Theo chương trình, dự thảo Nghị quyết sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường vào chiều 8/6 và sẽ xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 24/6. Với những chính sách mới, mang tính đột phá, Nghị quyết này nếu được các đại biểu đồng thuận và bấm nút thông qua, sẽ tạo cú huých lớn cho thành phố phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nêu 3 cơ chế mới trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54: Thứ nhất là cho phép hộ gia đình, các tổ chức thuê đất hằng năm được áp dụng hệ số theo bảng giá đất; thứ 2 là đa dạng hóa phương thức bồi thường để tạo quỹ đất (bồi thường bằng tiền, bằng đất theo cùng loại đất bị thu hồi, và bằng đất khác theo tỷ lệ quy đổi); thứ 3 là xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để quyết định tính liên thông, công khai, minh bạch và giải quyết nhanh các hồ sơ.

Về vấn đề đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện Luật PPP không cho phép áp dụng đối với 2 lĩnh vực văn hóa, thể thao. Quá trình lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội và nhiều bộ, ngành thì nhận được sự đồng tình. Do đó, dự thảo nghị quyết đã mở rộng hình thức PPP đối với lĩnh vực này.

Về cơ chế, chính sách đặc thù cho các nhà khoa học, nhân tài, nhân lực chất lượng cao, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Kim Huệ thông tin thêm, trong nghị quyết mới sẽ mở rộng  hơn nữa không gian pháp lý, tạo tiền đề, sức phát triển mới cho Thành phố tiếp tục phát huy các chính sách đột phá về vấn đề này. TP.HCM đưa ra 3 nhóm chính sách gồm: miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với yêu cầu làm việc ở các trung tâm ưu tiên của Thành phố; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt vào vị trí lãnh đạo các tổ chức khoa học - công nghệ đầu ngành; chính sách thù lao để thực hiện các nhiệm vụ…

Về cơ chế đột phá cho TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng khẳng định, nghị quyết mới có nội dung phân cấp, ủy quyền để tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho TP Thủ Đức trong thời gian qua. Việc phân cấp được thực hiện ở 2 cấp: TPHCM phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức và TP Thủ Đức phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị trực thuộc. Khi việc này được thực hiện thì sẽ giải quyết đáng kể về mặt thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đất đai.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.Nguyệt