Tết kéo dài triền miên và lãng phí “toàn tập”?
Khi những tranh luận về chuyện “ăn Tết” của ta theo âm lịch hay dương lịch vẫn đang ở hồi “không phân thắng bại”, tại sao biến Tết Nguyên đán - Tết ta - Tết Việt thành “Di sản” văn hóa phi vật thể?
Tết Nguyên đán với biểu tượng linh vật là con Cọp đang rộn ràng khắp ba miền Nam - Trung - Bắc, dù cả nước vừa trải qua một năm đầy thương khó vì dịch bệnh Covid-19. Những dự định “sắm Tết”, “ăn Tết”, “chơi Tết… cũng đang là những “cuộc chiến” trong từng người, từng nhà và rộng ra trong cộng đồng xã hội… Sắm gì? Ăn gì? Chơi gì? Truyền thống hay hiện đại? Pha trộn nửa Đông - nửa Tây?
Tết ta thành một phong tục lãng phí toàn tập
Theo phong tục truyền thống, đúng ra chỉ có “3 ngày Tết”, nhưng rồi có thể do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan mang tính lịch sử, tín ngưỡng tâm linh, xã hội…, mà Tết ta- Tết Nguyên Đán ở Việt Nam ta cứ ngày một kéo dài thêm những “mùng” và “mền”- theo lối nói trào phúng của người Nam Bộ.
Hết “mùng” thì hạ nêu, xong lại “vớt” thêm rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu, rồi kế tiếp là những lễ hội khắp các nơi suốt tháng Giêng âm lịch, tháng “ăn chơi” theo như các cụ xưa đã “phán”, (còn kéo dài sang tháng 2, 3 cho hết tiết xuân). Không đi thì không yên tâm, bồn chồn, lo lắng, chưa kể thấy thiên hạ rùng rùng kéo đi, mình ở nhà coi bộ không ổn, mà đi thì phải tiêu tốn thời gian và nhiều thứ khác để hoàn thành những cuộc du xuân, hành hương, cầu cúng lễ bái…
Ảnh minh họa
Trong nhiều thứ lãng phí, có thể nêu ba thứ quan trọng nhất, để lại nhiều hệ lụy nhất, kéo theo bao nhiêu lãng phí khác mà không thể đong- đo- cân- đếm được: Thực phẩm - Thời gian và Sức khỏe
Để chuẩn bị phần “thực”- ăn, cho “3 ngày Tết” thì riêng khối lượng thực phẩm dồn vào mấy ngày này đã là một khối lượng khổng lồ, có thể nói là gần như bằng số lượng dành cho cả năm. Để rồi sau Tết, nhiều hệ lụy phần “hậu” của chuyện ăn uống xảy ra. Một sự lãng phí quá lớn khó tính thành con số cụ thể. Mà chuyện này thì Tết nào cũng được nhắc đi nhắc lại đến thành chuyên mục phải có trong truyền thông dịp Tết. Đố có tờ báo Xuân nào không nhắc đến chuyên ăn uống và thực phẩm “3 ngày Tết”.
Ảnh minh họa
Thời gian thì quả thực là sự lãng phí khổng lồ, cộng tất cả những thời gian mọi người tiêu tốn vào những cuộc “du xuân” hết chỗ nọ đến chỗ kia, quả thực chẳng có con số thống kê nào tính đủ. Kéo theo công việc bê trễ, mọi việc bị đình trệ, hiệu quả công việc thấp, thậm chí gây thiệt hại nghiêm trọng.
Và sức khỏe con người, vốn quý vô giá, nhưng trong những cuộc “du xuân” được hào phóng tung ra như cuộc “ăn chơi” dốc sức cuối cùng của đời người. Kết quả sau Tết, tất cả các “cơ quan, đoàn thể” trong người ọp ẹp, rã rời…, chẳng thể nào có tâm thế mà làm việc một cách hiệu quả.
Để sau Tết ta, muốn hồi phục lại “nguyên khí” thì cũng phải tốn hao thêm thời gian, tiền bạc và nhiều nhiều thứ khác.
Tết “ta” hay Tết “Tây”?
Nhiều người rất quyết liệt phản đối gay gắt khi có ý kiến bỏ Tết “ta”, cho rằng như thế là quay lưng lại văn hóa truyền thống, là phi văn hóa tổ tiên… Nhưng cũng không ít người đồng tình bỏ Tết “ta”, giống một số quốc gia trong châu lục đã lấy Tết “tây” chung với toàn cầu. Cũng có rất nhiều người muốn dung hòa “tây”- “ta” sao cho đồng điệu, hợp lý, “dân tộc, hiện đại”. “Phe” nào cũng có cái lý rất chính đáng. Nhưng cũng phải nên nhìn thực tế, sát thực tế hiện tại. Tết “ta”, có thực là còn giữ nguyên tính “nguyên gốc” truyền thống hay không, hay đã biến tướng theo sự phát triển của xã hội đương đại.
Nếu nói Tết ta là một dịp để khơi lại những truyền thống văn hóa xưa của tổ tiên đã bị cuộc sống hiện dại với nhiều thứ du nhập ngoại lai làm cho mai một, thất truyền dần. Đúng. Nhưng không phải thế. Tết “ta” giờ cũng “hội nhập” và “toàn cầu hóa” ít nhiều.
Ảnh minh họa
Nếu nói rằng phong tục Tết ta có “bánh chưng xanh”- bánh tét (miền Nam), bánh mứt, giò chả, có hoa mai, hoa đào… Nhưng ngoài hoa ra (vì thiên nhiên có quy luật riêng, con người khó can thiệp), thì tất cả những gì gọi là món ăn của ngày Tết hiện tại đã có quanh năm suốt tháng, chẳng thiếu thức gì, ngay cả mùa hè nóng rực vẫn còn có cả món thịt nấu đông truyền thống của Tết.
Những món ăn trong mâm cỗ “3 ngày Tết” cũng có những biến tấu vui mắt, không chỉ thịt mỡ (nay ít ai còn có món này trong mâm cỗ), dưa hành, các loại giò, chả, măng, miến, gà, cá, bánh chưng, bánh tét… truyền thống, mà trên mâm còn có những món ăn mới mang phong cách ẩm thực “ngoại”, hay sự pha trộn giữa các món cổ truyền với món hiện tại, món “thuần Việt” với món có nguồn gốc Âu Tây…
Nhìn vào những giỏ quà Tết mà các siêu thị, các khu chợ lớn ở nhiều tỉnh thành lớn trong khắp cả nước đang xếp và bày bán thì thấy rõ tỉ lệ hàng Việt và hàng ngoại nhập gần như 50-50. Ngoài các loại bánh mứt kẹo truyền thống “made in Vietnam” thì có khá nhiều chủng loại bánh mứt ngoại nhập cả Âu- Á- Mỹ được đứng cùng. Và cũng như một công thức chung cả ba miền, các giỏ quà này tuyệt nhiên vắng mặt các loại bánh mứt truyền thống thường được bày mâm lễ Tết “Ông, Bà”, mà toàn những loại bánh, mứt, trà, rượu, kẹo… đóng hộp và là hàng được sản xuất công nghiệp theo những công nghệ tiên tiến hiện đại.
Cứ thử nhìn những lễ vật sắm sanh để bày bàn thờ gia tiên ngày Tết, cũng thấy sự có mặt những vật phẩm “ngoại nhập” như rượu, bánh, thậm chí trái cây cũng không “thuần Việt” mà có mặt cả táo, lê, nho, cam… ngoại. Rượu cúng “Ông, Bà” cũng không còn là rượu đế, rượu nếp, hay rượu ngô, khoai, sắn “made in Vietnam”, mà có thể là các chai rượu vang, rượu Vodka, rượu Whisky…
Ảnh minh họa
Nếu nói Tết là thời gian dịp đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ công đức ông bà tổ tiên.. Thì cũng phải xem lại. Gia đình nào trong năm mà chẳng có vài ba đám giỗ ông bà tổ tiên, những người đã khuất để quy tụ anh em bà con họ hàng. Rộng hơn, người dân Việt đã có một ngày 10/3 âm lịch để giỗ Tổ Hùng Vương. Các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước đã có ngày 27/7 hàng năm để kỷ niệm. Những ngày “kỵ” của các Thánh, Thần che chở bảo vệ theo tín ngưỡng dân gian cũng đều được làm lễ trọng đầy đủ ở các địa phương và cả tầm quốc gia.
Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc với nhiều phong tục tập quán riêng biệt. Họ cũng có những ngày Tết của riêng họ. Như người Kh’Mer có tết Chon Chnam Thmay vào tháng 10, hay những tộc người Thái – Tày – Dao - H’Mong… ở vùng Tây Bắc, họ ăn Tết ngay sau mùa gặt (Tết cơm mới). Hay người Hoa ngoài Tết ta theo phong tục Việt, họ có tết của ngườ Hoa theo lịch Trung Hoa… Còn Tết ta thật sự cũng là một phong tục “nguyên gốc” của cư dân châu thổ Sông Hồng, chủ yếu là người Việt- Mường.
Vì thế nếu lấy chuẩn mực “truyền thống” hay “tâm linh” để cho rằng cần phải ăn Tết “ta” hoành tráng, nghỉ nhiều, đi nhiều, chơi nhiều… xem chừng với xu thế “toàn cầu hóa”, “hội nhập” như hiện tại e đã lỗi thời.
Tại sao Tết ta không là “di sản” văn hóa phi vật thể?
Đã có nhiều ý kiến kiến kết hợp Tết tây - Tết ta vào làm một như một số quốc gia châu Á đã thực hiện, Tết âm lịch chỉ như một ngày lễ mang tính di sản truyền thống, vì thời gian nghỉ kéo dài, vì sự lãng phí vật chất, thời gian, sức người vào cả tuần Tết, chứ không chỉ “3 ngày Tết” là ngược với xu thế “hội nhập”, “toàn câu hóa... Nhưng cũng rất nhiều ý kiến cho rằng Tết Nguyên đán không thể bỏ được, vì nó là một dịp “ôn cố, tri tân”, một dịp để “tổng hợp” các di sản văn hóa truyền thống mang bản sắc dân tộc để không bị lãng quên, bào mòn, hay mai một, tàn phai….
Khi UNESCO chính thức công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1/12/2016, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012, trước đó năm 2010 là “Hội Gióng”, đã mở ra nhiều chiều về vấn dề “di sản tâm linh” mang tính chất cộng đồng sâu rộng ở Việt Nam.
Và khi những tranh luận về chuyện “ăn Tết” của ta theo âm lịch hay dương lịch vẫn đang ở hồi “không phân thắng bại”, tại sao không nghĩ Tết Nguyên đán - Tết ta - Tết Việt nếu thành “Di sản” văn hóa phi vật thể? Nếu Tết ta thành “Di sản” văn hóa, một trong những di sản văn hóa phi vật thể quý giá cần được bảo tồn, giữ gìn và phát triển, nhưng ở phạm vi là một “Di sản”, chứ không phải là một tập quán lạc hậu kéo theo nhiêu lo toan “tiền Tết”, hệ lụy “hậu Tết”.
Tại sao không? Khi đã là “Di sản” thì nó sẽ có một gương mặt khác, không phải là những ngày nghỉ Tết triền miên, lãng phí “toàn tập”. Không phải là những ngày chỉ ăn chơi lấy danh nghĩa “văn hóa truyền thống”, phong tục tập quán tổ tiên…, biến nó thành một “hủ tục” với nhiều biến tướng không phải “truyền thống, dân tộc”, gây lãng phí, tồn tại những phép tắc vô lý và lạc hậu, những phong tục mang màu sắc mê tín dị đoan…
Người Việt Nam mang dòng máu Hùng Vương cho đến giờ, phần lớn đều muốn Tết ta - Tết Việt tồn tại, nhưng tồn tại trong một phong cách mới, theo những phong tục mới, phù hợp với xu thế văn minh nhân loại của thời đại, không đánh mất bản sắc riêng dân tộc Việt. Nếu Tết ta trở thành “Di sản” văn hóa truyền thống của Việt Nam, cũng là một dịp giới thiệu với bè bạn quốc tế “Di sản” văn hóa đặc sắc của Việt Nam với nhiều phong tục độc đáo vào năm mới, thêm một kênh “ngoại giao văn hóa” và tăng thêm khách du lịch đến với Việt Nam.
Vẫn lối viết rất... Phọt Phẹt, Lê Hồng Tuân bày một cái Tết rất Việt trong một hành văn rất lãng tử kiểu... Tây....