Nơi khách du lịch kém văn minh, phá hoại di tích
Khi các hạn chế di chuyển được nới lỏng và du khách đổ xô trở lại châu Âu, tin tức về hành vi kém văn minh liên tục xuất hiện.
Vào tháng 6, hai du khách Mỹ gây thiệt hại 25.000 USD sau khi lao chiếc xe trượt 2 bánh xuống di tích lịch sử Spanish Steps ở Rome.
Vụ việc xảy ra chỉ 2 tuần sau khi một du khách Ả Rập Saudi lái chiếc Maserati làm vỡ 2 bậc thềm bằng đá cẩm thạch từ thế kỷ 18.
Vào tháng 5, một khách du lịch đã lái chiếc Maserati xuống di tích lịch sử Spanish Steps khiến 2 bậc thang bị vỡ. Ảnh: Polizia Roma Capitale.
Trong khi đó, tại Venice, khách du lịch thản nhiên bơi trong những con kênh được UNESCO bảo vệ. Hồi tháng 8, hai người Australia lướt ván ở Grand Canal, trong khi vào tháng 5, một du khách Mỹ cởi trần để ngâm mình bên cạnh cột mốc Arsenale có từ thế kỷ 14.
Cũng trong tháng 8, một khách du lịch Australia cưỡi môtô quanh thành cổ Pompeii. Tới tháng 10, một người Mỹ đập phá 2 tác phẩm điêu khắc vô giá trong Bảo tàng Vatican sau khi được thông báo rằng anh ta không thể nhìn thấy Giáo hoàng.
Hai tháng trước đó, một cặp vợ chồng Mỹ bị bắt gặp khắc tên vào Cổng vòm Augustus, di tích 2.000 năm tuổi bên cạnh Đấu trường La Mã.
CNN đưa tin số lượng du khách quốc tế từ tháng 1 đến tháng 7/2022 tăng 172% so với năm 2021, thậm chí hơn 57% trước đại dịch, theo Ủy ban Du lịch Italy (ENIT).
Eike Schmidt, Giám đốc Phòng trưng bày Uffizi ở Florence - bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất ở Italy năm 2021 - nói rằng việc du khách cư xử tệ không có gì mới.
“Tôi không nghĩ tình hình năm nay tệ hơn. Khách du lịch trở lại kéo theo những hành vi kém văn minh như năm 2019 đổ về trước”, ông nói.
Schmidt cho biết Uffizi được kiểm soát chặt chẽ đến mức hiếm khi xảy ra sự cố bên trong. Tuy nhiên, bên ngoài lại là câu chuyện khác.
Tại lối đi dành riêng cho người đi bộ, những chiếc ghế dài được chạm khắc bằng đá từ thế kỷ 16 không chỉ là nơi ngồi nghỉ chân. Nhiều du khách còn bôi đồ ăn, nước uống lên đây hay vẽ bậy bên ngoài bảo tàng.
Năm ngoái, Schmidt kêu gọi các cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh bị đánh thuế cao hơn nhà hàng có chỗ ngồi và nhà vệ sinh cho khách, nhưng “chưa có chuyện gì xảy ra vì không chính trị gia nào muốn tham gia cuộc tranh luận”.
Vào tháng 6, hai khách du lịch Mỹ ném xe trượt xuống Spanish Steps gây thiệt hại 25.000 USD. Ảnh: Polizia Roma Capitale.
Du khách coi Venice như bãi biển
Theo Ủy viên trưởng Gianfranco Zarantonello, mọi thứ trở nên kém yên bình hơn ở Venice. Cảnh sát thành phố đã xử lý 43 vụ du khách bơi lội trên các con kênh trong năm nay. Con số này gần gấp đôi tổng số của cả năm 2021, khi 24 người bị bắt. Đáng lo ngại, nó còn tồi tệ hơn 37 trường hợp vào năm 2019.
Bên cạnh đó, 46 vụ khách du lịch phá hoại các di tích ở Venice được phát hiện trong năm nay.
“Đôi khi Venice không được coi là một thành phố. Khách du lịch cư xử như thể đó là bãi biển”, Zarantonello nói và cho biết thêm các hành vi quá khích không hề mới.
Ngoài các vụ bơi trên kênh đào, ông và đồng nghiệp từng xử lý trường hợp du khách Séc để ngực trần tắm nắng trên đài tưởng niệm chiến tranh, khách du lịch Bỉ cưỡi xe máy lao xuống bờ sông dành cho người đi bộ hay một người Italy hủy hoại một trong những nhà thờ chính của thành phố bằng hình vẽ bậy.
Du khách lái mô tô trong thành cổ Pompei dù không được phép. Ảnh: Parco Archeologico di Pompei.
Khách du lịch cư xử tồi tệ không phải hiện tượng mới. Ví dụ, du khách Anh, Australia và Mỹ từ lâu được biết đến với những hành vi xấu xí ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Tom Jenkins, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch Châu Âu (ETOA), nói rằng có loạt sự cố rất cụ thể ở Italy.
“Italy rất đặc biệt về sự phong phú của các đặc điểm du lịch mà đất nước có. Người ta chiếm giữ những không gian này theo cách không xảy ra ở nhiều quốc gia”.
Ông cho biết thêm Venice và Rome là những thành phố đáng sống, nơi mọi người cùng tồn tại với các kho tàng văn hóa. Do môi trường rất mong manh, bất kỳ thiệt hại nào đều có thể ảnh hưởng đến một di sản thế giới.
“Tôi nghĩ những gì đang xảy ra là hệ quả của lượng khách truy cập quá đông và hành vi kinh khủng là một phần nhỏ trong đó”, ông nói.
Theo các chuyên gia, không phải hoàn toàn do sự mong manh của Italy, cách người nước ngoài nghĩ về quốc gia này đang thúc đẩy hành vi xấu.
Đối với nhà sử học điện ảnh Nicola Bassano, những bộ phim như La Dolce Vita, tác phẩm kinh điển năm 1960, trong đó Marcello Mastroianni và Anita Ekberg nhảy xuống Đài phun nước Trevi để hôn nhau, đã tạo ra ý tưởng sai lầm về Italy ở nước ngoài.
“Italy bị xem là nơi không có các quy tắc và luật lệ. Mọi thứ đều là nghệ thuật nên không gì là không nghệ thuật cả”, ông nói.
Maria Pasquale, nhà báo và tác giả sách, đồng tình: “Rất nhiều khách du lịch từng nói với tôi rằng ‘Ở Italy không có luật lệ’, nhưng họ đã nhầm. Tất cả đều có quy tắc. Đáng buồn thay, những người không tuân theo quy định thường không phải chịu hậu quả”.
Jenkins nói thêm: “Tôi nghĩ rằng nhà chức trách cần phải làm gì đó để ngăn chặn những hành vi này. Nhưng làm thế nào mới là điều gây nghi vấn”.
Thực tế, nhiều hành vi trong số này, chẳng hạn bơi trong kênh đào chỉ bị coi là vi phạm dân sự. Các thành phố chỉ có thể phạt tiền và trục xuất du khách trong 48 giờ. Chỉ khi các di tích lịch sử bị hư hỏng, việc khởi tố mới là một lựa chọn.
Thiếu hiểu biết không phải cái cớ
Tại sao hành vi xấu lại xuất hiện ở những người đi nghỉ?
Đối với TS Audrey Tang, thành viên của Hiệp hội Tâm lý Anh, đó là tình huống tương tự những lời quấy rối trên mạng xã hội: sự ẩn danh mang lại cảm giác an toàn.
Nếu đi cùng nhóm, nhiều người dễ bị cuốn theo hành xử theo cách cực đoan.
Nhìn chung nó bao gồm hai điều: thực tế và tâm lý.
“Tất cả chúng ta đều có mặt tối. Nếu bị kìm nén, nó giống như nồi áp suất và sẽ phát nổ vào lúc nào đó. Những kỳ nghỉ cho phép chúng ta bùng nổ. Điều này tệ hơn kể từ đại dịch buộc nhiều người phải chôn chân trong nhà”, bà nói.
Đôi khi, khách du lịch biện minh rằng họ không biết những gì mình đang làm là không được phép. Vấn đề ở chỗ, đôi khi mọi người không chịu tìm hiểu các quy định, luật lệ của một điểm đến trước khi đi du lịch.
“Đó không phải là lý do bào chữa cho hành vi xấu, bởi vì nhập gia phải tùy tục”, Tang nói.
Khách du lịch bơi trên kênh đào ở Venice và khẳng định không biết điều đó là không được phép. Ảnh: CNN.
Ngoài thiếu hiểu biết, ham muốn có được sự chú ý trên Internet cũng là nguyên nhân.
Tang cho biết: “Khi mạng xã hội ngày càng có sức hút mạnh mẽ, chúng ta đang chứng kiến những hành vi thái quá hơn. Hành vi xấu nhận được nhiều lượt thích, chia sẻ và càng tai tiếng, càng gây tác động mạnh”.
Zarantonello thấy điều này xảy ra rất nhiều ở Venice.
“Hành động của du khách được khuếch đại bởi mạng xã hội”, ông xác nhận.
Một khách du lịch người Anh, là giảng viên đại học, đăng đoạn video vào tháng 7 về việc anh ta bơi qua kênh đào Grand Canal và chạy trốn khỏi cảnh sát trong nỗ lực để mô phỏng anh hùng của mình - nhà thơ Lord Byron thế kỷ 19.
Tuy nhiên, theo Zarantonello, những thái độ như thế này, đang gây hại cho thành phố mà Byron yêu quý. Ông cầu xin du khách xem xét hành động của mình.
“Đó là vấn đề tôn trọng thành phố. Đó là nơi rất giàu lịch sử, không phải hồ bơi hay bãi biển có thể tùy ý nhảy xuống”.
Khi các bức tượng bán thân tại Bảo tàng Vatican bị đập vỡ vào tuần trước, Mountain Butorac, người dẫn đầu các cuộc hành hương đến Rome, nói rằng anh lo lắng hậu quả có thể xảy đến với tất cả, không chỉ kẻ phá hoại.
Sau khi bị tấn công bởi một người Hungary cầm búa vào năm 1972, tác phẩm điêu khắc Pietà của Michelangelo đã được đặt sau lớp kính chống đạn. Butorac lo sợ đây có thể là dấu hiệu của những điều sắp xảy ra.
“Một trong những điều tuyệt vời là bảo tàng cho phép du khách trực tiếp đối mặt với những tác phẩm điêu khắc. Tôi lo sợ với những hành vi xấu xí như thế này, rào chắn có thể được đặt ra”.