Những người chèo thuyền trên sông Hoài
Con đường Bạch Đằng với những căn nhà cổ điểm xuyết màu vàng, bao năm nay in bóng dọc theo sông Hoài - một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn, trước khi đổ nước ra cửa Đại, chảy qua Hội An.
Đường Bạch Đằng
Cách đây 20 năm, khi du lịch chưa phát triển mạnh, sông Hoài chỉ có những chiếc thuyền nhỏ do những người phụ nữ xã Cẩm Kim bên kia sông, chở khách qua lại. Lần đó, tôi thuê nguyên một con thuyền, chở xe máy cùng với mục đích qua Cẩm Kim để đến làng mộc Kim Bồng. Sau đại dịch, du lịch bắt đầu hồi sinh, Hội An đã đông khách tìm đến, dẫu khách quốc tế vẫn còn vắng bóng.
Chùa Cầu, nằm ngay đường Nguyễn Thị Minh Khai bắc qua sông Hoài, được xây dựng vào thế kỷ 17
Chùa Cầu ngày nay luôn là điểm đến hấp dẫn
Chỉ là một nhánh sông nhỏ, nước chảy chậm để hòa cùng cửa Đại, nhưng dạo chơi trên sông Hoài bằng thuyền sẽ tạo cho bạn một cảm giác khác. Loại thuyền lớn có bến từ ngay làng gốm Thanh Hà đưa khách dạo chơi trên sông, nhưng ngay tại đường Bạch Đằng là những con thuyền gỗ nhỏ chở tối đa bốn người, chèo bằng mái chèo. Có 200 chiếc thuyền như thế vào những ngày cao điểm, những chiếc thuyền neo gần cầu Quảng trường và dọc theo bờ sông dọc theo đường Bạch Đằng, có những bậc cấp dọc theo sông để cho khách bước xuống. Thường thì khách dạo chơi, ngắm nhìn phố cổ và thích dạo chơi trên sông. Ừ, ngắm nhìn Hội An trên sông lại là một sự khác biệt.
Có thể khẳng định là cách mà những người quản lý ở Hội An truyền đạt cho người dân làm du lịch, từ người bán chè rong, đạp xích lô hay chèo thuyền chính là sự nhiệt tình, không nâng giá và mỗi người giống như một hướng dẫn viên kiêm luôn chụp ảnh cho khách. Tôi đã đi Hội An rất nhiều lần, có khi ở lại cả tuần, và luôn yêu mến con người ở đây.
Thật ra việc khai thác chèo thuyền trong các điểm du lịch luôn là điểm nhấn, tạo cho người dân có điều kiện mưu sinh. Tỉ dụ như ở Tam Cốc- Bích Động (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long có một đoạn chèo thuyền cho khách vào hang, chèo thuyền ở Bến Tre, đi thuyền thăm chợ nổi Cái Răng, chèo thuyền thăm động Phong Nha hoặc Tràm Chim (An Giang)… Mỗi điểm đến đều có dấu ấn riêng và cảnh quan riêng. Và dạo chơi trên sông Hoài cũng có một cảm giác riêng.
Bạn có thể chọn bất cứ một con thuyền nào để lên, giá 50 ngàn/ người cho 20 phút và thuyền chở 4 người. Những người chèo thuyền thường là phụ nữ và có một ít là đàn ông, một số học được tiếng Anh căn bản để mời khách nước ngoài. Ngẫu nhiên chúng tôi lên con thuyền của người phụ nữ 50 tuổi, một người dân Hội An thuần túy.
Nước sông chảy chậm như thể để cho người lái thuyền khỏi mỏi tay chèo. Mỏi tay chèo như thế, nhưng mỗi ngày được vài lượt khách là niềm vui, vì cả 200 chiếc thuyền vào cuộc mưu sinh, khách chọn lên con thuyền nào cũng là may rủi. Cũng là Hội An, nhưng nhìn từ sông Hoài là một Hội An khác. Dãy nhà cổ dài dọc theo sông Hoài với màu vàng sơn, những bóng cây hiếm hoi, những người khách tản bộ, những chiếc xích lô chở khách và cả những người đi xe đạp. Đó là không gian đẹp, là thanh bình. Nếu đi thuyền vào đêm, mua hoa đăng thả cho đêm trên sông tỏa sáng lại càng yêu vì hơn.
Người phụ nữ chèo thuyền trên sông Hoài đó chụp giúp tôi những tấm hình, thuộc làu về lịch sử Hội An. Những người chèo thuyền trên sông Hoài đều như thế, họ trân quý thành phố của mình và trân quý những người khách tìm đến. Hội An đẹp hơn lên trong đó một phần chính là những người làm dịch vụ ở đây.
Hội An dịp lễ thu hút hàng ngàn du khách từ khắp mọi miền đất nước. Mọi tuyến đường và điểm đến đều chật cứng...