Nhớ ô mai Hà Nội
Tôi rời xa Hà Nội nhiều năm, nhưng lần nào về thăm thành phố này, lúc ra đi cũng phải mang theo chút ô mai làm quà.
Chẳng biết từ bao giờ, với người Hà Nội, ô mai đã trở thành món ăn quen thuộc, một món ăn vặt “trẻ con ăn để thích, người lớn ăn để nhớ”.
Mẹ tôi, một người phụ nữ Hà Thành yêu ô mai nhiều đến mức, nhà lúc nào cũng phải có ô mai. Ô mai để ăn vặt, để tiếp khách đến chơi nhà, ô mai còn dùng như là một vị thuốc.
Với người Hà Nội ô mai là thức quà gây thương nhớ.
Mỗi khi lũ chúng tôi húng hắng ho, mẹ lại cho ngậm vài viên ô mai gừng. Rồi mùa đông, mẹ dùng ô mai để giữ ấm cơ thể và tăng cường sức đề kháng. Tôi vẫn nhớ, cái vị cay cay của vị gừng, chua chua hay ngọt ngọt của thịt quả, và chút thanh thanh của đường phèn trong những ngày đông giá rét. Ngồi trong chăn ấm sực, vừa xem tivi vừa nhón tay hạt ô mai. Cái cảm giác ấy, ngon một cách khó cưỡng.
Không chỉ có mẹ con tôi, mà hầu hết người Hà Nội đều yêu ô mai. Nhiều khi tôi tự hỏi, sao người Hà Nội lại yêu ô mai đến thế. Có lẽ người Hà Thành không chuộng vị ngọt sắc hay quá chua, cay nên ô mai, thức quà dung hòa cả chua cay mặn, ngọt nên dễ chiều lòng người.
Hơn thế, người Hà Nội vốn nhẹ nhàng, thong thả. Ô mai dường như sinh ra là để cho người Hà Nội bởi ăn ô mai cũng cần những điều đó.
Ăn ô mai, bao giờ cũng bắt đầu bằng việc chầm chậm bỏ viên ô mai vào miệng, khoan thai hít hà vị thơm của trái chính lên mên, vị cay thoang thoảng của gừng già.
Đến ngay cả hạt của ô mai cũng thế. Thưởng thức hết phần thịt quả, cứ thế cắn nhẹ hạt ô mai hay chầm chậm ngậm trong khoang miệng, cái vị cay của gừng, ngọt thơm của quả lan ngon đến nao lòng người. Cứ như thế, ô mai từ món ăn vặt đã trở thành thức quà được người Hà Nội yêu mến.
Hà Nội chỗ nào cũng có ô mai
Vì Hà Nội yêu mến ô mai, nên có hẳn cả một phố chuyên bán ô mai- phố Hàng Đường. Trước kia, phố Hàng Đường vốn là trung tâm buôn bán các loại mứt, bánh, kẹo lớn nhất thành phố Hà Nội. Đến những năm 1940, một vài hàng ô mai nho nhỏ xuất hiện rồi từ đó phát triển lớn mạnh ra cả con phố.
Ô mai Hàng Đường được làm từ các loại trái cây quen thuộc của người miền Bắc như mơ, chanh, sấu, mận, gừng... Rồi từ Hàng Đường, những năm gần đây, chỗ nào ở Hà Nội cũng có ô mai.
Bên cạnh các loại ô mai truyền thống còn có các loại ô mai theo kiểu mới để hợp thị hiếu người tiêu dùng. Các loại củ quả như cà chua bi, chanh bao tử, kiwi, khoai lang… cũng được sáng tạo để thành ô mai.
Thậm chí, nhiều người Hà Nội còn tự làm ô mai tại nhà, mẹ tôi cũng vậy. Mùa nào thức đấy, mẹ tôi chọn những loại quả dễ làm như quất, hồng bì, mơ, sấu… để tự thỏa thích cơn thèm.
Mẹ kể, làm ô mai đòi hỏi sự tỉ mẩn từ việc chọn quả tươi, ngâm, ủ muối, ngào đường,... Công đoạn nào cũng phải chăm chút, tỉ mẩn bởi chỉ sai một li là hỏng cả mẻ. Ô mai ngon là phải dẻo quánh, vị chua cay mặn ngọt phải hòa quyện để ăn là nhớ.
Giống như chiều nay, khi gói gém đồ đạc chuẩn bị cho chuyến rời xa Hà Nội, mẹ lại nén đặt vào vali vài hộp ô mai để tôi mang làm quà hay bớt lại chút ít cho riêng mình. Rồi những khi rảnh rỗi hay lúc mệt nhọc lại mang ra nhấm nháp chút hương vị ô mai. Ăn ô mai để nhớ mẹ, nhớ Hà Nội phương xa.