Nha Trang - thương thiệt là thương
Bỏ qua những đãi bôi, lừa lọc, hận thù, sống an nhiên ở thành phố đẹp, ta quen những con đường, ta quen cả mùi hương của những mùa hoa, ta quen cả những con người chân chất, thương thiệt là thương.
Thành phố Nha Trang có nhiều quán ăn bán buôn lâu năm trở nên nổi tiếng, được các nhóm đưa lên hướng dẫn cho khách du lịch, được mọi người truyền miệng là rẻ mà ngon. Bây giờ, vào mỗi buổi tối, dọc những con đường rực rỡ ánh đèn là những quán nhậu, quán nướng, các quán buffet, quán người Hoa, quán Hàn Quốc, quán Thái Lan…
Tất nhiên là trong cả mấy ngàn quán ăn, vẫn có những quán tai tiếng khi hét giá với khách du lịch, rồi những hóa đơn được đưa lên mạng, báo chí vào cuộc, các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong lòng một thành phố biển sôi động, bởi cách buôn bán ở đó thấy thương thiệt là thương.
Một hàng ăn ở Nha Trang
Ở Nha Trang, bánh mì cực kỳ thông dụng, những xe bánh mì bày khắp nơi với giá ổ bánh mì thịt từ 16.000 đến 20.000 đồng. Khi vật giá tăng, ổ bánh mì không ở các xe lên 5000 đồng/ ổ thì các người bán bánh mì ở Chợ Xóm Mới bán 10.000 đồng/3 ổ, tới chợ Bình Tân chỉ còn 3.000 đồng/ổ. Bánh mì Nguyên Hương (Lê Quí Đon) thật là khác biệt với lời cám ơn khách và ổ bánh mì chả rất riêng tạo nên thương hiệu. Hoặc thói quen của tôi ghé Đồng Mẫn trên đường Ngô Gia Tự với ổ bánh mì thịt 18.000 đồng. Bạn bè nói là Nha Trang có rất nhiều tiệm bánh mì nổi tiếng, điều đó không sai, nhưng tôi vẫn ghé những quán quen, không chỉ bán hàng mà còn tặng kèm nụ cười. Cô gái nhỏ con của anh bạn, trước dịch COVID-19 làm ở một công ty du lịch, nay gửi giấy mời khai trương quán Bánh mì Ngon kèm thức uống - bán bánh mì trong quán sang trọng - thấy thương thiệt.
Những hàng dừa dọc biển Nha Trang
Có nhiều người bàn nhau về nem Ninh Hòa, khen chỗ này ngon chỗ kia chưa đạt. Trong ăn uống, thói quen tạo nên khẩu vị, giống như ăn cơm vợ nấu mãi rồi thành quen. Còn tôi thì vẫn thích nem Đặng Văn Quyên, đến độ ăn nơi khác có cảm giác như thiếu đi mùi vị của nước chấm, của món dưa chua. Quen đến độ, xe máy vừa đậu trước quán, cậu trai trẻ đã nói vọng vào: “Cho hai phần và 10 nem chua”. Với cái thói quen đó, quán mì trên đường Cửu Long, cũng chỉ vừa dừng xe, đã nghe: “Bác Trường hai khô mang về”, hoặc quán mì Quảng Vân đầu đường Cửu Long: “Ông chú hai mì mang về”.
Quán gỏi khô bò nức tiếng
Chúng ta sống ở thành phố biết bao nhiêu năm, thức dậy cùng bốn mùa, có ngày mưa có ngày nắng, có ngày vui vẻ và cũng có ngày không vui. Như những hàng cây ven đường cứ xanh lá thầm lặng rồi một hôm chuyển mình bung nở những bông hoa. Như ngã tư một hôm đèn xanh đèn đỏ không bật lên, như quán cà phê quen vào buổi sáng vẫn ngồi chỗ đó, có rất nhiều người cùng chọn như ta bởi vì cần sự thân tình. Cần không phải gọi món, mà cô nhân viên sẽ mang ra ly cà phê sữa, cần là khi vắng vài ngày, trở lại là có lời thăm hỏi: “Chú vừa đi công tác à?”. Thương những chiều nắng nghiêng về, có cô gái chỉ còn 1 tay đi xe đạp, bán vé số, dứt khoát chỉ lấy đủ tiền chứ không lấy tiền cho. Thương buổi sáng hình ảnh cả gia đình hai vợ chồng đẩy hai chiếc xe bán xôi từ đường Cô Bắc ra Chợ Xóm Mới, chia hai nơi buôn bán.
Đường Trần Phú – Nha Trang
Thiệt là thương Nha Trang, là nếu không ra con đường Trần Phú vài ngày, có cảm giác như mình có lỗi, dừng xe ngay Quảng trường 2/4 bắt gặp một người phụ nữ đến chỉ cho bầy chim bồ câu ăn, trong nắng mai còn có ai đang chở hoa đi tặng người thương.
Ở ngay ngã tư Hàn Thuyên- Lê Lợi có hàng gỏi bò khô nổi danh ra tận nước ngoài. Ăn tại chỗ là 20.000 đồng, mua về là 21.000 đồng vì thêm hộp đựng. Đưa 22.000 đồng, bà cụ nhất định thối lại 1.000 đồng - thật là thương. Ngồi ở quán cà phê Gốc Tiên trên đường Lý Tự Trọng, có anh chàng gặp ai bán vé số cũng mua, anh bảo: “Chỉ để cho họ vui”.
Thiệt là thương thành phố này.
“Nha Trang chính là điểm đến của bạn, hứa hẹn sẽ mang đến một kỳ nghỉ đặc biệt khó quên“, Tạp chí Hàn Quốc HAPS...