Gió mùa Tết
Cuối tháng 11 âm lịch, mùa nắng ở thành phố ngày càng gay gắt, nhưng chiều tối có những cơn gió từ phía biển mang theo hơi lạnh se se tràn về. Hơi gió quen thuộc nhắc nhớ mùa Tết đang đến thật gần.
Mùa này, bà con miền Tây gọi những cơn gió thổi từ biển theo những cửa sông lớn nhỏ vào đất liền là “gió chướng”, chắc vì nó là nguyên nhân của sự xâm nhập mặn khá sâu gây trở ngại lớn đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản và sinh hoạt của nhân dân. Nhưng với người xa quê lên thành phố làm ăn thì mùa gió chướng làm nỗi nhớ nhà cồn cào hơn, thúc giục người ta về quê sum họp.
Từ sau ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp, đường về miền Tây lũ lượt người xe, đường về quê như gần hơn nhờ những cây cầu mới qua sông Tiền, sông Hậu thay thế những bến phà, bến bắc trước đây.
Ảnh: Huy Thoại
Người sống ở thành phố cũng thấy lòng chùng lại khi trên đường lá vàng rụng theo từng cơn gió, khi những chùm hoa giấy bung ra rực rỡ sau hàng rào nhà ai trong hẻm nhỏ... Không về quê nhưng nhiều người thành phố lại mong chờ người ở xa về ăn Tết. Những ngày này, sân bay Tân Sơn Nhứt lúc nào cũng đông nghẹt, ga quốc nội chủ yếu là người ra Trung ra Bắc, còn ga quốc tế đón hàng ngàn người từ nhiều nước trở về. Trở về có khi chỉ mươi ngày chưa kịp thăm hỏi hết bà con họ hàng, nhưng “chỉ cần được một ngày chạy xe máy và cảm nhận hơi gió chướng vây quanh, vậy là đủ để bù đắp những ngày tháng xa quê”, như tâm sự của một người bạn tôi.
***
Tháng 10 âm lịch vào mùa khô, những cánh đồng miền Tây nước bắt đầu rút xuống các sông, kinh rạch, ao đìa. Cá cũng theo dòng nước về các sông rạch để có thể sinh sống qua mùa khô khắc nghiệt. Đây là lúc nhiều nơi bà con bắt đầu đào hầm để bắt cá. Tùy từng nơi chốn cụ thể và lựa theo thế nước chảy mà đào kiểu hầm khác nhau. Rồi sát Tết thì tát đìa, ôi là nhiều loại cá tôm, nhiều nhứt là cá lóc, cá trê và cá rô đồng. Bữa cơm tối thường có canh chua và cá kho tộ thơm lừng trong hơi gió chướng...
Ảnh minh họa: Hồng Phước
Vào giữa tháng Chạp, bà con miền Tây lo lặt lá cây mai để nhựa cây dồn tất cả chất dinh dưỡng nuôi các nụ hoa “cho mập”. Thời điểm lặt lá rất quan trọng để giúp cây mai nở rộ và đều bông vào đúng dịp Tết, bà con thường lấy ngày Rằm tháng Chạp làm mốc để biết là sớm hay muộn. Năm nào nắng nóng quá, hoặc gió chướng mạnh thì mai sẽ nở sớm hơn, vì thế lặt lá mai trễ hơn từ sau rằm đến ngày 20. Nhưng năm nào mưa nhiều và chấm dứt muộn, thời tiết lạnh hơn, ít gió chướng thì mai sẽ nở trễ, vì thế phải lặt lá mai vào trước ngày rằm, khoảng mùng 10 -13 tháng Chạp.
Cây mai trước nhà. Ảnh: Huy Thoại
Đường miền Tây vào mùa Tết rất đẹp vì nhà nào cũng có vài cây mai, có khi cả một vườn mai nở vàng rực. Cây mai như người bạn, nhìn mai nở biết người thân sắp về ăn Tết, nhìn mai rụng biết người thân sắp rời nhà đi thành phố… Cây mai trồng trước sân trong vườn, người miền Tây ít khi chặt cành mai vô chưng trong nhà mà để mai nở tự nhiên giữa nắng vàng trời xanh, mang lại vẻ đẹp cho cả con đường, nét rực rỡ mùa xuân cho cả làng quê.
***
Khi Nam Bộ vào mùa gió chướng thì ở miền Bắc đã qua gần nửa mùa đông với những đợt gió mùa Đông Bắc lạnh giá, có khi mang theo những cơn mưa làm cái lạnh càng như cắt vào da thịt. Nhưng có năm gió mùa không đủ sức mang theo giá lạnh, thời tiết ấm áp “trái mùa” lại làm người Hà Nội và người xa Hà Nội bần thần nhắc nhớ...
Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi... Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về... (Thơ Thảo Phương)
Mùa gió Tết ở nơi nào trên đất nước mình cũng là “mùa nhớ”, thiếu nó thì một năm vừa qua chưa thể đủ đầy, một đoạn đời người chưa trọn vẹn.
Khi thời gian đang chuyển mình bước sang một chu kỳ tự nhiên mới, những ngọn gió mùa Tết làm nỗi nhớ dâng trào. Nhớ quê hương, nhớ nơi để lại nhiều ký ức, nhớ ai đó giờ đã là quá khứ, nhớ một thời đã qua của chính mình... Trong vòng xoáy quay cuồng của cuộc sống hiện đại, mỗi khi năm hết Tết đến lại bâng khuâng nhận ra gió mùa Tết đang về...
Nhu cầu ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống đã trở nên phổ biến với người trẻ hiện nay tại TPHCM. Thế nhưng,...