Ngán ngẩm, vạ vật vì ‘delay’
Vẫn biết "bay mùa Tết là phải thế" nhưng có công bằng không khi hành khách phải mua vé giá cao song chất lượng phục vụ kém, kéo dài năm này qua năm khác
Sáng 16/1 (25 tháng chạp), sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người đến làm thủ tục bay. Tất cả các quầy tại khu vực làm thủ tục lên máy bay và khu vực soi chiếu đều làm việc hết công suất nhưng hành khách vẫn phải xếp hàng dài đợi đến lượt làm thủ tục.
Liên tục bị "delay"
Hầu hết hành khách đều có mặt tại sân bay sớm hơn như khuyến cáo của hãng hàng không để không trễ chuyến. Chị Nguyễn Thanh Hằng (32 tuổi, quê Quảng Bình) nói: "Hành khách đông thì phải xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục. Dù vậy, theo tôi thời gian đợi vẫn không quá lâu, nhanh hơn so với tôi dự tính ban đầu".
Khâu làm thủ tục lên máy bay theo ghi nhận là tạm ổn nhưng khu vực chờ bay sau khi qua cửa an ninh thì la liệt khách nằm, ngồi. Vừa đáp chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất từ Singapore, chị Ngô Thị Hà (45 tuổi) đến ga quốc nội làm thủ tục để bay về Gia Lai thì nhận được thông báo chuyến bay của chị dời lại đến 18 giờ cùng ngày. Chị Hà càng bức xúc khi sự việc không được hãng bay thông báo trước qua tin nhắn, chỉ khi vào xếp hàng làm thủ tục, chị mới hay.
"Tôi yêu cầu hãng sắp xếp cho tôi bay chuyến sớm hơn, tôi không thể bỏ ra 5-6 giờ để ngồi đợi ở đây nhưng vẫn chưa được giải quyết", chị Hà nói.
Hành khách vạ vật ở sân bay vì liên tục bị “delay”. Ảnh: Hải Ngọc
May mắn hơn chị Hà, chị Thanh Hương (35 tuổi, quê Quảng Ngãi) nhận được thông báo chuyến bay bị dời lại từ 7 giờ 25 phút đến 12 giờ cùng ngày. "Bị delay (hoãn) thì hơi phiền nhưng hãng có thông báo trước nên tôi chủ động được thời gian ra sân bay" - chị Thanh Hương nói.
Đến sân bay Tân Sơn Nhất từ sớm để kịp chuyến bay đi Đà Lạt lúc 11 giờ 20 phút. Khi vào làm thủ tục thì chị Thảo Nguyễn (48 tuổi, định cư tại Mỹ) được nhân viên thông báo chuyến bay của chị bị dời lại đến 15 giờ cùng ngày. Không còn cách nào khác, chị phải ngồi bệt xuống sàn, vừa bấm điện thoại vừa chờ tới giờ lên máy bay.
Trong khi đó, chuyến bay của anh Nguyễn Quốc Trường (36 tuổi, quê Hà Nội) được hãng dời lên sớm hơn so với ban đầu, từ 10 giờ đẩy lên 7 giờ. Vì chủ quan không kiểm tra tin nhắn thông báo thay đổi giờ bay trước đó nên anh Trường đã lỡ chuyến. "Tôi phải đợi làm lại giấy tờ để có chuyến bay mới" - anh Trường kể.
Kể lại việc từ 9 giờ 45 phút đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất đến 19 giờ mới đưa được hành lý ra khỏi sân bay Nội Bài, chị M.N vẫn chưa hết ngao ngán.
Để bay chuyến bay VN6006 (hoặc BL6006, do Vietnam Airlines khai thác chung với Pacific Airlines) tuyến TP HCM - Hà Nội lúc 12 giờ 45 phút ngày 15-1, vợ chồng và con gái chị M.N (hơn 3 tuổi) phải có mặt ở sân bay trước giờ khởi hành 3 giờ theo đúng khuyến cáo "mùa Tết nên đi sớm để tránh trễ chuyến". Khi mới đến, sân bay Tân Sơn Nhất không quá đông, khâu làm thủ tục được điều phối ở nhiều quầy nên khá thông thoáng. Khâu kiểm tra an ninh cũng nhanh chóng khiến vợ chồng chị khấp khởi hy vọng không bị cảnh "delay".
Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy sớm thành thất vọng rồi chớm sang bực bội khi giờ khởi hành lùi dần từ 12 giờ 45 phút xuống 13 giờ rồi 14 giờ 45 phút và cuối cùng cũng chốt lại 15 giờ 30 phút. Bao nhiêu lần làm thủ tục hụt là chừng ấy lần dòng hành khách xếp hàng sẵn trước cửa ra nhấp nhổm, hết đứng lên chờ đợi lại ngồi xuống kiên nhẫn (còn biết làm gì hơn) chờ tiếp.
Trong lúc con gái chị M.N gục xuống thiếp đi thì một bà mẹ gần đó trả lời câu hỏi "Khi nào mình bay?" của con trai bằng câu: "Còn lâu lắm, con chơi tiếp đi". Trên sàn sân bay, lố nhố từng nhóm người ngồi vì các băng ghế đều… quá tải. "Có bà mẹ dẫn theo 2 con trai nhỏ, nhác thấy có ghế trống, chị vội dẫn con lại ngồi.
Đứa nhỏ chắc hơn 1 tuổi, nói còn chưa sõi không ngừng quấy khóc, đòi thứ gì đó không rõ. Vừa dặn đứa lớn: "Con chiều em đi, đừng trêu em bây giờ" thì lúc sau, chính chị đã quát lên, dúi vào tay đứa nhỏ cái điện thoại: "Thôi, con đừng khóc nữa, mẹ mệt lắm rồi, mẹ thật sự chịu hết nổi rồi!", chị M.N kể lại.
Dù cơ trưởng chuyến bay cất tiếng chào hành khách và nhiều lần nhã nhặn xin lỗi, mong hành khách thông cảm vì đã khởi hành chậm hơn giờ bay dự kiến nhưng dù có dễ tính cỡ nào, hành khách cũng khó mà thông cảm bởi máy bay còn đậu trên đường băng… gần 45 phút nữa, lần lượt chờ những máy bay sắp hàng trước cất cánh - không khác gì thêm một lần delay!
"Có tiếng nói nửa đùa nửa thật của hành khách: "Cứ trễ 1 giờ thì trừ 10% giá vé là được". Giả sử lời nói đùa này thành thật, hành khách trên chuyến bay này sẽ được "đền" 40% giá vé vì giờ khởi hành in trên vé ban đầu là 12 giờ 45 phút. Vẫn biết "bay mùa Tết là phải thế" nhưng có công bằng không khi hành khách đã phải mua vé giá cao mà lại được "khuyến mãi" chất lượng phục vụ chẳng ra sao, đã vậy còn kéo dài năm này qua năm khác?"- chị M.N búc xúc.
Tăng thêm hơn 100 chuyến
Ngày 16/1, Vietnam Airlines thông báo tăng chuyến lần 4 với gần 20.000 chỗ tương ứng 108 chuyến bay, cho mùa cao điểm Tết từ ngày 16/1 đến 30/1 (tức từ ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Dần đến ngày 9 tháng giêng năm Quý Mão). Các chuyến bay tăng cường tập trung vào những đường bay giữa TP HCM - Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế. Từ ngày 6/1 đến 5/2, tổng số ghế và chuyến bay toàn mạng nội địa mà hãng cung ứng phục vụ cả dịp Tết là gần 9.200 chuyến, tương đương gần 1,9 triệu ghế.
Trước đó, Vietnam Airlines từng có 3 đợt tăng tải vào tháng 8 và 12/2022 phục vụ dịp Tết. Hãng đã ghi nhận lượng khách đặt vé tăng trưởng nhanh trong những ngày gần Tết.
Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa yêu cầu các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm và bố trí các chuyến bay khai thác buổi đêm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên cơ sở phù hợp với hạ tầng hàng không và công tác bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung bố trí phương tiện và nhân lực (phi công, tiếp viên...) phục vụ các chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023; xây dựng kế hoạch, biện pháp kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất việc chậm, hủy chuyến bay; không để hành khách đi máy bay về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện vận chuyển và tăng cường công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn hàng không.
Bến xe tấp nập người về quê đón TếtChiều 16/1 (25 tháng chạp), tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM), rất đông người dân lỉnh kỉnh hành lý đến lấy vé về quê đón Tết cùng gia đình. So với mọi năm, bến xe này không thiếu sự nhộn nhịp, hối hả nhưng có phần "dễ thở" hơn vì lượng xe và khách đã giảm. Đại diện nhà xe Phượng Thu (chạy tuyến TP.HCM - Kon Tum) cho biết thời điểm này không còn vé cho những ngày cao điểm, chỉ có một số tỉnh gần (như Bình Phước) mới còn vé. Trong khi đó, tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), khách tăng đột biến so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi, quê Phú Yên) cho biết: "Do bến xe ở xa, sợ kẹt xe nên vợ chồng tôi và con gái (5 tuổi) tranh thủ ra trước khoảng 2 giờ để chờ. Tôi cũng bất ngờ khi hôm nay bến xe nhộn nhịp, tấp nập khách như vậy". Theo đại diện Bến xe Miền Đông mới, lượng khách qua bến khoảng 8.000 khách vào ngày 25 tháng chạp (tăng 4 lần so với ngày thường). Còn Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) phục vụ các tuyến đi Tây Nguyên trong ngày 25 tháng chạp vận chuyển 10.000-12.000 lượt/ngày, tăng 60% so với ngày thường. Tại Bến xe Miền Tây, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết dự báo khách qua bến sẽ tăng cao nhất ngày 28, 29 tháng chạp với khoảng 29.000 lượt/ngày, riêng ngày 27 tháng chạp dự kiến đón hơn 38.000 khách. Tuy nhiên, bến xe vẫn bảo đảm phục vụ hành khách tốt vào những ngày cao điểm. |
Cách kiểm tra thông tin hãng hàng không, đóng gói hành lý hay uống nước cũng ảnh hưởng không ít đến chất lượng chuyến...