NÉT MỚI CỦA LỄ HỘI VÀ SỰ KIỆN QUẢNG BÁ DU LỊCH ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

NÉT MỚI CỦA LỄ HỘI VÀ SỰ KIỆN QUẢNG BÁ DU LỊCH ? - 1   

Lễ khai mạc Triển lãm Du lịch quốc tế TP.HCM ITE HCMC 2011. Ảnh Quốc Cường

Văn hoá Việt Nam với xuất phát điểm là nền văn hoá nông nghiệp lúa nước. Do đó, mọi sinh hoạt cộng đồng đều gắn chu kỳ nông lịch. Trong đó, Lễ hội luôn là một bộ phận hữu cơ cấu thành của nền văn hóa lúa nước, thường diễn ra vào thời điểm linh thiêng của sự chuyển tiếp giữa hai mùa hay thời điểm đánh dấu sự kết thúc chu kỳ lao động cũ, bắt đầu một chu kỳ lao động mới (mùa Thu và mùa Xuân). Qui mô khác nhau như ở tầm quốc gia (Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương,…) hay một vùng, một khu vực (Hội Phủ Giầy, Hội chùa Hương, Hội Chùa Bà, Hội Nghinh Ông,...). Bên cạnh đó, Lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng khác nhau từ tín ngưỡng phồn thực, tôn vinh những vị anh hùng dân tộc, các tín ngưỡng dân gian thờ Bà, Ông,… với gốc văn hoá nông nghiệp, có thể khẳng định rằng Việt Nam là đất nước của lễ hội trải dài từ Bắc chí Nam, mà trong đó, đời sống vật chất và tinh thần luôn được “hiện thực hoá” thông qua các Lễ hội này

       Phân biệt lễ hội và sự kiện

Lễ hội là dịp con người tìm về cội nguồn của chính bản thân và dân tộc mình. Theo thời gian, các lễ hội vẫn trường tồn trong tâm thức của mọi người Việt Nam, thu hút một lượng du khách không kém gì các khu di tích lịch sử văn hoá. Như chúng ta biết, lễ hội thường tổ chức tại các di tích lịch sử văn hóa (phía Bắc là các lễ hội Thành Hoàng gắn với các đình làng; Hội Thánh Trần gắn liền với đền thờ Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc, Hải Dương; Giỗ tổ vua Hùng gắn với đền thờ các vị vua Hùng ở Phú Thọ,… phía Nam là Lễ hội Nghinh Ông gắn với các huyền tích về biển ở Long Hải, Cần Giờ, Trà Vinh; Lễ hội Xây Chầu Tức Yết gắn với Lăng Ông; Lễ hội Linh Sơn thánh Mẫu gắn với núi Bà Đen,…).

Lễ hội là cái hồn, cái tinh tuý được dân gian lưu truyền và bảo tồn dưới dạng phi vật chất. Song song với lễ hội là các “sự kiện” (dịp lễ kỷ niệm; các phong trào mang tính giáo dục đại chúng; các hội chợ triển lãm; các cuộc gặp gỡ giao lưu văn hoá-kinh tế giữa các vùng, quốc gia,…), diễn ra trong một thời gian nhất định, dưới nhiều hình thức với qui mô, mục đích khác nhau, tuỳ theo theo yêu cầu cụ thể của từng sự kiện. Sự kiện thường ít có tính lặp lại như lễ hội, có thể được tổ chức định kỳ, nhưng cũng có khi được tổ chức chỉ trong một thời điểm duy nhất, thường các sự kiện luôn chứa chất yếu tố hiện đại nhiều hơn.

Nhưng dù dưới bất kỳ loại hình nào, sự khác biệt nào giữa lễ hội và Sự kiện đều có chung một mục tiêu duy nhất là: tận dụng tối đa các sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại để quảng bá du lịch đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế. Điều này sẽ góp phần không nhỏ đến việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, mà thị hiếu khách du lịch luôn cần cái mới. Từ đây, giúp “quay đồng vốn du lịch” được nhanh hơn, xứng với danh của ngành du lịch là “công nghiệp không khói”.

NÉT MỚI CỦA LỄ HỘI VÀ SỰ KIỆN QUẢNG BÁ DU LỊCH ? - 2

 

Lễ Khai mạc Ngày hội Du lịch TP.HCM, năm 2011 tại Công viên 23/9, quận 1.

 

Tổ chức lễ hội và sự kiện ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm quảng bá Du lịch với du khách nước ngoài trong các dịp Lễ, Tết

Thứ nhất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM và các đơn vị trực thuộc đã khai thác các Lễ hội gắn với các di tích, khu vui chơi có được trên địa bàn Thành phố, thu hút một lượng du khách lớn. Thông qua hoạt động vui chơi (phần hội), các loại hình văn hoá dân gian được tái hiện, giúp một bộ phận lớn công chúng nhớ về cội nguồn dân tộc (mà trước đó các loại hình này chưa được đề cao nhiều), làm nền tảng giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và quảng bá với bạn bè khi họ tới thành phố chúng ta trong dịp Tết. Chúng ta thấy rõ điều này qua số lượng du khách đến Lăng Ông, Đầm Sen, Suối Tiên, Văn Thánh, Bình Quới, Làng Du lịch Văn hoá Dân tộc Củ Chi,…

Thứ hai, Lễ hội đường phố Nguyễn Huệ và khu trung tâm, tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của vùng Sài Gòn-Bến Nghé nói riêng và Nam Bộ nói chung, đã thu hút đông đảo lượng bà con Việt kiều. Đây là lực lượng giúp lưu truyền văn hóa dân tộc cho thế hệ thứ 2 và 3 ở Hải ngoại (nguồn khách tiềm năng của du lịch). Kế tiếp là lượng du khách ngoại kiều thông qua Lễ hội Đường phố này, họ sẽ thấy được cuộc sống “thay da đổi thịt” từng ngày của Thành phố luôn năng động, đi đầu trong cả nước trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Đây chính là cái “mới” và “lạ” sẽ giúp cho Ngành Du lịch TPHCM quảng bá hình ảnh của mình với bạn bè, thu hút lượng khách du lịch Quốc tế đến TPHCM.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tranh thủ cơ hội quảng bá thương hiệu của mình, giới thiệu những đặc trưng về ẩm thực từ các món ăn toàn là “sen” của các đầu bếp thuộc Saigontourist,…). Công viên Đầm Sen với mô hình công viên Khủng Long, Suối Tiên giới thiệu “Ngày hội Trái cây Nam Bộ”; “Liên hoan Ẩm thực Món ngon các nước (Taste of the World) lần VII năm 2011 tại Công viên 23/9 (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM phối hợp với Hiệp Hội Du lịch TPHCM, Công ty TNHH Du lịch và Truyền thông Hải Dương tổ chức cuối tháng 12.2011). Cái đáng ghi nhận ở trong dịp Lễ hội và sự kiện này là chỉ đơn thuần tổ chức “hội” dành cho du khách.

Hay khung cảnh dân dã, đượm chất Nam Bộ của làng ẩm thực khẩn hoang tại Làng Du lịch Bình Quới, diễn ra vào cuối tuần. Khi du khách bước vào nơi đây, sẽ có cảm giác như đang bước vào thế giới hoang sơ thuở nào của ông cha ta thời mở cõi. Được sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa bao quanh, với nhiều ruộng rau muống, ruộng lúa xung quanh, khiến cho vùng đất này có chút hoang sơ và thắm đượm không gian miền Tây Nam Bộ. Với không gian này, cùng sự năng động, nhạy bén của đội ngũ cán bộ Khu Du lịch Bình Quới và sự hỗ trợ của Saigontourist, đã biến từ cái “không có gì” đến cái “hấp dẫn” du khách từ nội ô đến đây vào dịp cuối tuần thư giãn, giải trí. Ngoài ra, khu du lịch còn đón tiếp nhiều đoàn du khách nước ngoài đến đây cảm nhận cái không khí “du lịch sinh thái” ngay giữa Thành phố công nghiệp. Trong bối cảnh chung đó, cùng với các hoạt động vui chơi giải trí vốn có của mọi khu du lịch, thì cái thu hút nhất chính là không khí “lửa khẩn hoang”, khúc biến tấu nhiều màu sắc của “ẩm thực khẩn hoang” Nam Bộ. Đến đây du khách được thưởng thức hơn 70 món ăn khác nhau dưới dạng buffet, đây chính là một sự kết hợp tinh tuý giữa hai luồng văn hoá Đông và Tây. Chúng ta cứ hình dung: nếu đến đây vào khoảng 5-6 giờ chiều, khi bước vào vùng “khẩn hoang” trên là trăng sao, bên cạnh là sông nước ghe xuồng, các dải đèn hoa đăng lấp lánh cùng sóng nước, dọc hai bên đường bộ hành là các chòi lá, cạnh những đống rơm, cùng các cô gái với chiếc áo bà ba truyền thống Nam Bộ, đang lúi húi nấu nướng mà mặt luôn đỏ hồng vì cái nóng của than củi. Bên cạnh là những bàn ghế tre mộc mạc đơn sơ, tiếng lào xào của thực khách, hoà cùng từng cuộn khói lan tỏa, làm thực khách nôn nóng muốn dùng ngay một vài món mang hương vị đồng nội đặc trưng thời khẩn hoang Nam Bộ.

Nhưng vượt lên trên tất cả thông qua các Lễ hội và sự kiện ở TP.HCM trong thời gian này, chính là Ngành Du lịch TP.HCM đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình không chỉ thông qua các hoạt động du lịch thuần tuý, mà còn biết tạo ra sự “đa dạng hoá” các sản phẩm du lịch, đan xen các yếu tố cần có của Ngành Du lịch trong giai đoạn hoà nhập hiện nay. Thêm vào đó, du khách bạn bè quốc tế có điều kiện biết và hiểu tường tận hơn công cuộc đổi mới của đất nước đang dần dần ngày một gần gũi với bạn bè năm châu hơn, mà hoạt động lễ hội, sự kiện của du lịch chính là phương thức quảng bá hiệu quả nhất cho thương hiệu của mình đến với bạn bè xa gần. Để họ đến Việt Nam nhiều hơn, hiểu về Việt Nam nhiều hơn. Thêm nữa, lòng tin du khách về “điểm đến an toàn” đối với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, luôn được du khách nhiều nơi trên thế giới tìm đến cho là an toàn nhất. Điều này chúng ta cũng cảm nhận được từ các Lễ hội và sự kiện vừa qua đã mang đến những cảm giác thoải mái trong sự bình yên. Đó chính là kết quả, một thành quả to lớn sau 36 năm thống nhất đất nước, tình hình an ninh, trật tự xã hội được giữ vững góp phần không nhỏ vào sự thành công của các Lễ hội và sự kiện diễn ra trên Thành phố mang tên Bác.

Giải pháp phát triển

Du lịch được xem như một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, nhưng mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Khai thác thế mạnh của văn hoá để phát triển du lịch và du lịch phát triển sẽ lại củng cố phát triển bền vững văn hoá. Từ nội hàm đó cho thấy môi trường văn hoá du lịch-lễ hội-sự kiện ngoài những nét đặc thù riêng – chính là môi trường văn hoá của cộng đồng xã hội và sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, chính là giá trị văn hoá được kết tinh từ các sản phẩm văn hoá thông qua lễ hội và sự kiện, theo hướng phát triển du lịch bền vững, cần có những định hướng bảo tồn và giới thiệu với du khách các giá trị văn hóa truyền thống, di tích và đặc sắc của từng địa phương, trong đó TP.HCM không nằm ngoài những tiêu chí ấy. Nhằm tận dụng những tài nguyên, nguồn lực và cơ sở vật chất sẵn có của TP.HCM tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao trong thời gian tới cần có những định hướng sau:

Một là: đối với những đối tượng kinh doanh du lịch, tiêu chí lợi nhuận được quan tâm hàng đầu nhưng chưa phải là mục đích cuối cùng. Các nhà kinh doanh du lịch luôn cần có một thái độ trọng thị đối với khách hàng, mong muốn được giúp đỡ khách hàng khi họ tìm đến với mình và thoả mãn những nhu cầu hợp lý của họ. Văn hóa trong kinh doanh du lịch không còn là một khái niệm trừu tượng mà nó là sự tôn trọng khách hàng, thể hiện qua các sản phẩm du lịch, qua việc bán đúng giá và thực hiện đầy đủ các cam kết, qua hành vi ứng xử của đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch,… Những nét văn hóa đó luôn làm cho du khách khi đi đến một vùng đất xa lạ có những cảm giác bình yên và không thiếu những điều thú vị.

Hai là: việc nghiên cứu lập kế hoạch cần chuẩn bị thật cụ thể (từ 1-2 năm thậm chí là xa hơn), lên danh mục các Lễ hội và sự kiện sẽ tổ chức trong vòng 2 và thậm chí là trong 5 năm tới của Ngành Du lịch TP.HCM. Từ đó lập kế hoạch triển khai.

Ba là: cần sự phối hợp đối với cộng đồng dân cư tại các khu, điểm diễn ra lễ hội và sự kiện; chẳng hạn là: các làng nghề truyền thống, các trung tâm sẽ diễn ra lễ hội, các phường hội; các ngành hữu quan và chính quyền địa phương. Trên một khía cạnh nào đó, các phong tục tập quán trong đời sống xã hội của cộng đồng dân cư đó có tác dụng rất lớn đến tâm lý du khách và nó trở thành tâm điểm của thể loại du lịch văn hóa. Các phong tục tập quán thể hiện truyền thống hiếu khách, các nét văn hóa đặc sắc luôn được du khách đánh giá cao, làm cho du khách luôn có cảm giác gần gũi, thân thiện, tạo cho họ những cảm hứng khi khám phá một điều gì lạ thông qua lễ hội và sự kiện diễn ra trên địa bàn TP.HCM. Và với những ấn tượng đó họ sẽ lưu giữ những tình cảm đó trong suốt cuộc đời, thông qua họ sẽ thu hút một lượng khách tiềm năng khác đến với Thành phố… Chính vì thế, những hoạt đông như bán hàng rong, đeo bám du khách, trẻ em lang thang, ăn xin,… cần phải loại bỏ trong quá trình xây dựng môi trường văn hoá Lễ hội và sự kiện ở TP.HCM.

NÉT MỚI CỦA LỄ HỘI VÀ SỰ KIỆN QUẢNG BÁ DU LỊCH ? - 3

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, năm 2011. Ảnh Long Trì

 Bốn là: đưa ra được những tiêu chí cho việc quảng cáo tuyên truyền ngay sau khi có quyết định tổ chức Lễ hội và sự kiện, đối với khách nước ngoài cần ít nhất là 1 năm. Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng (truyền hình, truyền thanh, các tờ rơi, mạng Internet,…) tuyên truyền rộng rãi tới mọi đối tượng là khách tiềm năng của du lịch thành phố (hình ảnh, thông tin trên các website về du lịch Việt Nam còn quá nghèo nàn và đơn điệu).

Năm là: cần khảo sát số lượng khách sẽ tham gia và sức chứa của khu vực tổ chức lễ hội, sự kiện, đặc biệt chú ý đến năng lực phục vụ khách của nhân viên và điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, nhằm có kế hoạch nâng cấp, tu bổ xây dựng đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho lễ hội và sự kiện.

Sáu là: Khách du lịch là đối tượng đi tham quan, tìm hiểu và hưởng thụ những nét đẹp văn hóa ở các khu, điểm du lịch diễn ra Lễ hội, sự kiện và họ cũng có những tác động quan trọng đến những giá trị văn hoá đó. Vì vậy, tùy theo những hành vi và nhận thức của du khách mà môi trường văn hóa tại các khu, điểm du lịch cũng sẽ bị những tác động nhất định. Từ đó đối với những du khách có hành vi xâm hại văn hóa, cần phải ngăn chặn kịp thời tránh làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại các khu, điểm du lịch diễn ra Lễ hội và sự kiện.

Bảy là: Cần đào tạo và nâng cao tính chuyên nghiệp của nhân viên phục vụ du khách. Cần chú ý đến các vấn đề về lịch sử nội dung của Lễ hội, sự kiện và cách phục vụ các đối tượng khách sẽ tham dự. Điều này rất quan trọng đối với công tác nghiệp vụ lâu dài Ngành Du lịch, đào tạo chuyên sâu cho ngành này, đặc biệt về ngoại ngữ, văn hoá, lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Thành phố ta nói riêng.

Tám là: Cần phát huy hơn nữa những thành công vừa qua mà Lễ hội và sự kiện thành phố ta đạt được. Thật ra, nếu chúng ta tổ chức được những sự kiện mang tính dân tộc cổ truyền gắn với lịch sử hơn 310 năm Thành phố sẽ khiến du khách thích thú và sẽ thu hút khách du lịch không chỉ ở số lượng khiêm tốn mà sẽ là bùng nổ trong thời gian tới. Bởi lẽ, yếu tố an toàn, thoải mái cho du khách là tiêu chí hàng đầu của khách du lịch.

Du lịch lễ hội và sự kiện là loại hình du lịch thu hút được một khối lượng đông đảo du khách trong một khoảng thời gian ngắn, tạo lợi nhuận cao (chi phí thấp -> hiệu quả kinh tế cao), nhưng đòi hỏi tính thống nhất, tính chuyên nghiệp cao trong công tác tổ chức. Bên cạnh đó, tôn vinh những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của TP.HCM đến với mọi đối tượng du khách nước ngoài. Chính những điều trên, thông qua lễ hội và sự kiện, sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa của Thành phố lành mạnh, khởi sắc hơn và luôn là điểm đến thân thiện, có sức hấp dẫn lâu dài với du khách xa gần.

HVS

(Thạc sĩ Văn hóa, Trường Cán bộ TPHCM)

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!