Năm 'nằm im' của nhân sự ngành karaoke, bar, dịch vụ
Khi Tết Nguyên đán cận kề, thay vì chờ mong lương thưởng như mọi năm, nhân sự ngành dịch vụ nỗ lực tăng ca, nhận nhiều việc cùng lúc để vớt vát một năm tay trắng.
Khoảng thời gian này mọi năm, Lê Tuyết Vân (28 tuổi), nhân viên của một spa trên đường Võ Văn Ngân (thành phố Thủ Đức), đã được thông báo về khoản lương thưởng Tết Âm lịch.
Tuy nhiên, do năm nay tình hình dịch bệnh khó khăn, số tháng đóng cửa của spa còn dài hơn thời gian hoạt động nên Vân và đồng nghiệp vẫn chưa biết có được thưởng hay không.
Tương tự, Nguyễn Minh Nhật, quản lý quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) không trông mong sẽ được nhận thưởng vì suốt một năm qua nơi anh làm việc chỉ mở cửa được đúng 1 tháng 13 ngày.
“Với tình hình như vậy, chủ gặp rất nhiều khó khăn, ngành nghề thậm chí suýt bị xóa sổ. Nhân viên như chúng tôi giờ đi làm ngày nào nhận lương ngày đó, không thể đòi hỏi nhiều hơn”, Minh Nhật nói với phóng viên.
Nhiều nhân sự của các quán karaoke, bar, vũ trường ở TP.HCM chỉ đi làm được khoảng 2 tháng trong năm 2021. Ảnh: Phương Lâm.
Ngành dịch vụ, nightlife ở TP.HCM đã trải qua một năm “đóng băng” vì dịch bệnh. Bảng hiệu karaoke dần biến mất, nhiều tiệm massage, spa, quán bar đóng cửa, trả mặt bằng. Không ít nơi phải tìm cách xoay xở khi chuyển đổi mô hình kinh doanh ăn uống.
“Chật vật”, “nằm im”, “trắng tay” là những gì nhân sự trong ngành mô tả về một năm qua. Khi Tết Nguyên đán cận kề, thay vì chờ mong lương thưởng như mọi năm, nhiều người cố gắng tăng ca, làm xuyên Tết, nhận nhiều việc cùng lúc để vớt vát một năm tay trắng.
Một năm đi làm chưa đến 2 tháng
Tuyết Vân cho biết trong gần 2 năm qua spa nơi cô làm việc đã trải qua 4-5 đợt đóng cửa. Tổng cộng thời gian đi làm và nhận lương của Vân trong năm 2021 chưa đến 2 tháng.
“Đợt dịch hồi tháng 5-6, tôi được công ty hỗ trợ. Tuy nhiên khi giãn cách kéo dài, công ty gặp khó khăn, tôi hoàn toàn mất thu nhập”, Vân cho hay.
Sau gần nửa năm ở nhà, đến cuối tháng 11, cô cùng một người bạn kết hợp kinh doanh online các mặt hàng mỹ phẩm. Ngoài ra, Vân cũng nhận trị liệu, chăm sóc da tại nhà cho một vài khách quen.
“Thời gian ở nhà, tôi sống bằng tiền tiết kiệm mấy năm trước. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn so với một số đồng nghiệp. Nhiều người mới vào nghề chưa kịp dành dụm gì đã gặp ngay đợt dịch lớn. Vài người tôi biết hiện đã về quê hoặc chuyển nghề”.
Trong đại dịch, các tiệm spa, massage, quán karaoke, bar, vũ trường… là những nơi buộc phải đóng cửa đầu tiên. Tại TP.HCM, các cơ sở này được phép hoạt động trở lại từ ngày 10/1.
Quán bar, karaoke, vũ trường, spa ở TP.HCM được phép mở cửa từ ngày 10/1. Ảnh: Chí Hùng.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài vật lộn với Covid-19, nhiều nơi kiệt quệ vốn, nguồn lực, xuống cấp cơ sở hạ tầng. Trong khi, số khác đã chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với những thay đổi.
Anh Nguyễn H. (38 tuổi) đã chuyển đổi quán karaoke của mình tại quận Bình Thạnh thành tiệm bán đồ ăn từ cuối năm 2020. Dù việc kinh doanh khá thuận lợi, lợi nhuận ngành ăn uống mang lại vẫn không thể bù lỗ cho các chi phí của ngành nightlife như thuê mặt bằng, bảo trì trang thiết bị máy móc.
“Ví như tòa nhà 4 tầng xây lên để kinh doanh karaoke. Khi chuyển đổi, chúng tôi chỉ tận dụng được duy nhất tầng trệt, toàn bộ những tầng ở trên đều để không”.
Thông tin nhiều ngành dịch vụ, trong đó có karaoke, được phép mở cửa trở lại khiến chủ quán rất vui mừng. Tuy nhiên, anh H. cũng lo sợ về tình cảnh ế khách, không thể kinh doanh như thời kỳ trước dịch.
“Vì thế chúng tôi vẫn phải kết hợp với dịch vụ ăn uống. Hy vọng từ đây đến Tết mọi thứ thuận lợi để chúng tôi có thể cứu vãn một năm thất thu vì dịch dã”.
Không chờ thưởng Tết
Vợ chồng anh Vinh và chị Hà đều là nhân viên quán karaoke ở quận 1 gần 5 năm nay. Trong thời gian nghỉ dịch, cả gia đình về quê vợ ở Đắk Lắk phụ bố mẹ làm nông.
Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, hai vợ chồng trở lại thành phố. Trong khi ông xã chạy shipper cho một ứng dụng giao hàng, chị Hà đang mang thai, chỉ có thể ở nhà.
Tuy nhiên vì gặp khó khăn về kinh tế, công việc, cuối năm ngoái, cặp vợ chồng không thể tiếp tục bám trụ ở Sài Gòn. Họ chuyển về quê anh Vinh ở tỉnh Cà Mau.
Sau nhiều lần tính đến chuyện đổi nghề không thành, cuối cùng vợ chồng anh Vinh cũng chờ được ngày karaoke ở TP.HCM mở cửa trở lại. Ngay trong ngày 10/1, cả hai bắt xe từ Cà Mau đến Sài Gòn.
"Tôi lên kịp ngày đầu tiên mở lại nên đến quán karaoke nhận việc và làm luôn. Vợ tôi thì chỉ còn 2-3 hôm nữa là đến ngày dự sinh rồi nên đợt này hai vợ chồng đều phải cố gắng".
Quán karaoke nơi anh Vinh làm việc hiện vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết cho nhân viên. "Vì mới hoạt động lại, chưa biết doanh thu thời gian tới ra sao nên chúng tôi chưa thế chốt chính sách lương thưởng cuối năm cho nhân viên", đại diện quán karaoke này cho biết.
Nhiều lao động trong ngành dịch vụ, nightlife phải chuyển nghề sau thời gian "nằm im" vì dịch bệnh. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trương Ngọc Hà (27 tuổi), nhân viên quán bar trên đường Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức, cho biết năm 2021 là năm đầu tiên cô không có thưởng Tết.
Đầu năm, cô từ quê ở Đồng Nai lên TP.HCM đi làm được hơn một tháng thì quán bar buộc phải đóng cửa do dịch bệnh bùng phát trở lại. Giữa tháng 5, cô trở về quê, phụ gia đình buôn bán tạp hóa.
Tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập kéo dài hơn nửa năm. “Thời gian qua, tôi rất căng thẳng vì phải sống dựa vào gia đình. Dù người thân giúp đỡ nhiệt tình, bản thân tự cảm thấy buồn khi không thể tự lập ở tuổi này”.
Ngay khi hay tin TP.HCM cho phép các quán bar mở cửa, Hà trở lại thành phố và quay về với ngành nghề cũ. “Bây giờ tôi không hy vọng gì về lương thưởng cuối năm. Chỉ mong quán bar không phải đóng cửa nữa, những lao động như tôi có công ăn việc làm ổn định”.
Để bù vào khoản tiền thâm hụt trong mùa dịch, Hà quyết định ở lại Sài Gòn, đăng ký làm việc xuyên Tết Nguyên đán.
Các chuỗi karaoke lớn ở TP.HCM đầu tư hàng tỷ đồng cho lần quay trở lại ngày 10/1, trong đó phần lớn dành để bảo trì,...