Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Căn cứ quan trọng nhất hiện nay là chủ trương của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 128 vừa ban hành, nêu rõ không được tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền để tạo điều kiện phục hồi kinh tế.

Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’ - 1

Theo lãnh đạo ngành du lịch, trong Nghị quyết 128 vừa ban hành nêu rõ không được tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát tốt hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ngành du lịch và đặc biệt là các đơn vị lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ nào còn sống sót tới giờ đang rục rịch trở lại.

Để “bánh xe” phục hồi lăn đúng đường, các cấp quản lý ngành đã ban hành kế hoạch và văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết 128 NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.” Doanh nghiệp, địa phương cùng lên giây cót để đảm bảo an toàn cho cho những chuyến đi xa. Song, thực tế triển khai còn gặp khó.

Sản phẩm mới hậu giãn cách

COVID-19 bùng phát khắp nơi thực sự đã khiến “trục quay” xã hội đảo lộn, nhu cầu con người vì thế cũng không ngừng biến động theo nhịp tăng, giảm của số ca bệnh. Thời điểm này, khi chưa thể hoàn toàn yên tâm xê dịch xa nhà, nghỉ dưỡng vực ven đô là đang trở thành xu hướng phát triển. Du khách muốn tìm một địa điểm an toàn, có sự kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Sớm nắm bắt tâm lý này, ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Onsen Fuji cho biết: “Dự án của chúng tôi ở Phú Thọ kết hợp những yếu tố về khoáng nóng nguyên chất để tạo mô hình nghỉ dưỡng chất lượng giúp du khách tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng.”

Được biết, mô hình này đã áp dụng thành công ở Nhật Bản và Đài Loan, phát triển theo hướng vận dụng các đơn vị vận hành chuyên nghiệp để mô hình được quản lý ngặt. Onsen Fuji tạo ra các mô hình mang tính chất cộng đồng và kết hợp với nhiều yếu tố dành cho khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng.

Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’ - 2

Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe là một trong những xu hướng hậu giãn cách. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

“Trong quá trình chuẩn bị các nguồn lực chúng tôi kết hợp chặt chẽ với địa phương cập nhật thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch, để khi đón một lượng khách lớn vẫn đảm bảo an toàn theo quy định của Chính phủ. Cùng với đó là đảm bảo yếu tố phát triển kinh tế ổn định,” ông Tuấn Anh khẳng định.

Để chuẩn bị cho lộ trình những chuyến “bay xanh,” Vietjet hiện đã xây dựng cả hệ thống để ứng phó với các tình huống, đầu tư vào công nghệ như xây dựng hệ thống Việt Nam khỏe mạnh trong các chuyến bay. Tất cả gói gọn trong platform (nền tảng) hiện đại, giúp hãng có thể theo dõi xét nghiệm, tiêm chủng, khai báo y tế, khai báo di chuyển… hành khách, nếu cần có thể truy vết ngay lập tức.

Ngoài việc đảm bảo quy định liên quan tới an toàn chuyến bay đều phải tuân thủ tuyệt đối là điều kiện tiên quyết, “Vietjet cũng xây dựng sản phẩm liên quan tới sức khỏe như các gói bảo hiểm. Khách hàng du lịch nếu có rủi ro liên quan tới chi phí chữa trị thì đã có công ty bảo hiểm của tập đoàn là HDinsurance đứng ra xử lý vấn đề. Chúng tôi xây dựng gói sản phẩm trọn gói từ đầu đến cuối cho khách an toàn,” ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing VietJet cho hay.

Với lữ hành, hiện mới có một số đơn vị như Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist… khởi động các tour du lịch hậu giãn cách.

Tiêu biểu phải kể đến là hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp Công ty Hanoitourist giới thiệu tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội,” đồng thời ra mắt ứng dụng thuyết minh tự động giới thiệu trưng bày (App Audio Guide), nhằm thích ứng đại dịch COVID-19 và điều chỉnh hoạt động của bảo tàng trong điều kiện bình thường mới.

Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’ - 3

(Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

“Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” là tour du lịch an toàn đầu tiên được khai trương trong thời điểm hậu giãn cách, kết hợp du lịch truyền thống (hướng dẫn viên) với ứng dụng thuyết minh tự động (Audio Guide) giới thiệu trưng bày.

Ứng phó thế nào nếu khách đoàn có F0?

Thời điểm này các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng… đã sẵn sàng mở cửa du lịch.

Tỉnh Bình Định thống nhất đón khách du lịch nội địa từ ngày 1/11, trong đó tổ chức các tour nội tỉnh địa khép kín tại các vùng được xác định là an toàn, đạt độ tiêm phủ vaccine như: Bán đảo Phương Mai (xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội), xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn) và thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát).

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, CEO Golden Life Travel cho biết yêu cầu đối với khách đoàn vẫn là đã tiêm 2 mũi vaccine (mũi thứ hai cách thời điểm khởi hành 14 ngày), test COVID-19 bằng phương pháp PCR có hiệu lực trong 72 giờ… Và, quy định về test COVID vẫn đang đợi chủ trương thống nhất vì hiện giờ yêu cầu test đang khác nhau giữa các tỉnh, thành nên sẽ gây khó cho cả khách và lữ hành.

“Nếu trong quá trình đón khách mà chẳng may phát hiện có F0 thì lữ hành phải báo ngay cho các cơ quan quản lý, ban, ngành chức năng địa phương như Sở Du lịch, Sở Y tế... và lữ hành chỉ có vai trò phối hợp xử lý chứ không tự quyết,” bà Xuân Lan khẳng định.

Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’ - 4

Lữ hành Việt đã sẵn sàng đón khách. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Về phía lữ hành, bà Xuân Lan cho biết toàn bộ nhân sự đã tiêm đầy đủ vaccine, trong tour thực hiện nghiệm các biện pháp phòng dịch, phương tiện đưa đón khách đảm bảo sát khuẩn, khẩu trang, nhắc nhở khách thường xuyên thực hiện 5K…

“Tình hình hiện giờ rất khó khăn, như ở Bình Định hầu hết khách sạn vẫn đóng cửa, bởi mở ra thì tốn chi phí vận hành mà dịch bệnh thì khó lường chưa biết như nào, nhà hàng đóng cửa cho nhân viên nghỉ việc không lương, hầu hết lữ hành chưa đón khách…” bà Xuân Lan nói.

Đáng nói là Bình Định mặc dù dự kiến sẽ đón khách nội địa từ 1/11 nhưng tới giờ các cơ quan quản lý chức nưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể gửi tới các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.

Cũng như bà Xuân Lan, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group (đơn vị chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp), doanh nghiệp có đội du thuyền hoạt động ở Cát Bà, cho biết hiện tại Lux Group “vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của các cấp quản lý ở Hải Phòng khi nào được đón khách ngoại tỉnh, nếu trong trường hợp đoàn khách có người dính COVID-19 thì sẽ làm thế nào…? Nếu được chủ động, doanh nghiệp muốn chủ động đưa khách nhiễm bệnh vào viện, test nhanh đội ngũ tàu và mau chóng hoạt động lại bình thường.”

Không được tạo cát cứ địa phương

Thời gian qua, mặc dù có văn bản hướng dẫn, chủ trương cụ thể, thông thoáng của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương nhưng việc đi lại giữa các địa phương vẫn còn nhiều bất cập.

“Tôi cho rằng, căn cứ quan trọng nhất hiện nay là chủ trương của Chính phủ, thể hiện trong Nghị quyết 128 vừa ban hành, nêu rõ không được tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền để tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp được phục hồi,” ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.

Lãnh đạo ngành du lịch: ‘Không được tạo cát cứ địa phương’ - 5

Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng đã ban hành một hướng dẫn chung cho việc thích ứng, linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trước đó, ngày 12/10, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch rất rõ. Việc kiểm soát, có phải xét nghiệm hay không phải phù hợp với các cấp độ dịch và cho địa phương tự đánh giá chứ không phải bắt buộc.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng chủ động, liên tiếp đưa các văn bản hướng dẫn tạm thời cho việc đi lại kể cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không... Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng đã ban hành một hướng dẫn chung cho việc thích ứng, linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả trong các hoạt động văn hoá, du lịch.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho hay “đó là một trong những căn cứ để các doanh nghiệp và địa phương mong mỏi phục hồi du lịch có thể triển khai.”

Tuy nhiên, dẫu chủ trương, hướng dẫn “ở trên” đã có, song thực tế triển khai tới từng địa phương lại đang là câu chuyện đang gây nhiều khó khăn và lúng túng cho các doanh nghiệp, lữ hành.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mai Mai (Vietnam+)