Khách quốc tế đến Việt Nam: 70% chọn đi “chữa lành” ở miền núi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du khách quốc tế đang ngày càng ưa chuộng du lịch "chữa lành" tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đông Bắc và Tây Bắc. Theo ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Travelogy, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp du lịch Việt Nam ngày càng hấp dẫn.

Khách quốc tế đến Việt Nam: 70% chọn đi “chữa lành” ở miền núi - 1

Mộc Châu – Sơn La với nhiều mùa hoa rực rỡ đang trở thành điểm đến “hot” với du khách. (Ảnh: Vinh Đỗ)

Trong hai tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam được các đơn vị lữ hành và điểm đến ghi nhận tăng cao đột biến. Theo ông vì sao có thực tế đáng mừng này?

Năm 2018 Việt Nam ghi nhận 15,6 triệu lượt khách quốc tế, năm 2024 chúng ta đã đón 17.5 triệu lượt khách, ghi nhận tín hiệu đáng mừng trong ngành sau Covid. Năm 2025, với đà tăng trưởng này, Việt Nam có thể đạt được con số 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.

Năm 2024 chúng ta đạt gần 50 giải thưởng du lịch quốc tế. Cùng đó, công tác quảng cáo đa nền tảng ngày càng chứng tỏ sự hiệu quả. Không thể phủ nhận, các nền tảng mạng xã hội đã giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh Việt Nam đến nhiều đối tượng hơn.

Khách quốc tế đến Việt Nam: 70% chọn đi “chữa lành” ở miền núi - 2

Ông Vũ Văn Tuyên (thứ hai từ trái sang) đi cùng với đoàn du khách quốc tế.

Công nghệ AI, video clip 360 đã giúp các điểm đến của Việt Nam trở nên dễ hình dung hơn trong mắt du khách. Chưa kể, nhờ công nghệ, hình ảnh về điểm đến của chúng ta trở nên long lanh hơn trong mắt du khách thông qua các nền tảng truyền thông.

Quan trọng không kém, vị thế Việt Nam với sự phát triển du lịch bền vững theo hướng Net Zero tạo bản lề bền vững để du lịch Việt Nam cất cánh, tạo thiện cảm với nhiều đối tượng. Đáng quý là, theo hướng này Việt Nam đang chọn lọc được đối tượng khách hàng phù hợp xu thế.

Nếu chúng ta bám sát hệ thống phát triển du lịch Việt Nam theo hướng bền vững, "chữa lành", cơ hội thu hút khách quốc tế sẽ bền lâu. Hiện tại các điểm đến vùng Đông Bắc, Tây Bắc của Việt Nam đang chiếm ưu thế trong booking, cứ 10 booking sẽ có 7 booking lựa chọn hai vùng này, điều này liên quan mật thiết đến xu hướng kể trên.

Theo ông, chính sách quảng bá có đóng góp vào sự thay đổi tích cực của vị thế du lịch Việt Nam hay không?

Bên cạnh sự tự truyền thông và sự lan tỏa từ các giải thưởng, việc truyền thông trên các kênh truyền hình lớn quốc tế như CNN, BBC,… cũng giúp việc tiếp thị hình ảnh Việt Nam dễ dàng đến với bạn bè năm châu.

Cùng đó, uy tín Việt Nam tăng cao thông qua kế hoạch phòng chống dịch Covid hiệu quả. Điều này cùng với lịch sử vốn có khiến nhiều du khách tò mò muốn đến khám phá Việt Nam để tận mắt thấy một đất nước can trường. Khi nói chuyện với một khách Mỹ, anh ấy đã chia sẻ: “Tôi muốn đến tận mắt xem một Việt Nam kiên cường. Tôi muốn tự lý giải vì sao một dân tộc nhỏ bé lại có sự can trường như vậy, khi họ đi qua nhiều cuộc chiến và ngay cả Covid, họ cũng đã làm rất tốt”.

Khách quốc tế đến Việt Nam: 70% chọn đi “chữa lành” ở miền núi - 3

Việt Nam trở nên lung linh hơn trên các nền tảng truyền thông nhờ công nghệ (Ảnh: Vinh Đỗ)

Khách đến Việt Nam thời điểm này nhiều nhất là khách châu Âu, bên cạnh đó cũng ghi nhận nhiều khách Ấn. Sau khi ông Trump lên làm tổng thống, người Mỹ cũng dành nhiều sự quan tâm hơn đến Việt Nam.

Khách từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada, Mỹ và Tây Ban Nha dự kiến sẽ đến Việt Nam nhiều hơn vào mùa hè, vì vậy, chúng ta có cơ sở để lạc quan về sự tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm.

Theo quan sát của ông, mức chi tiêu trung bình của du khách hiện nay là bao nhiêu?

Ngoài giá vé máy bay tăng khoảng 25-35%, nhìn chung du khách đang sử dụng dịch vụ tour cao hơn từ 30 – 45% so với cùng kỳ một vài năm trước. Năm 2024, một khách chi tiêu trung bình 1.500 USD/tour, trong năm 2025, con số này dự kiến tăng lên từ 1.700 đến 2.000 USD cho mỗi tour du lịch/khách.

Khách quốc tế đến Việt Nam: 70% chọn đi “chữa lành” ở miền núi - 4

Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Travelogy

Tuy nhiên, du khách ngày càng có xu hướng lựa chọn chỗ ở linh hoạt hơn. Thay vì ở khách sạn 5 sao, họ có thể lựa chọn 4 sao hoặc homestay có dịch vụ tốt. Chi phí còn lại, họ sẵn sàng dành cho các trải nghiệm khác trong hành trình: trải nghiệm ẩm thực, trải nghiệm văn hóa,…

Nhưng lượng khách quốc tế tăng cao kéo theo tình trạng thiếu tour guide trầm trọng. Ông có thể phân tích tình trạng hiện tại như thế nào?

Đầu tiên phải nhận thấy, số lượng hãng bay đến Việt Nam không nhiều, vẫn chỉ có một số hãng quen thuộc Vietnam Airline, Singapore Airline, Turkish airline,… Giá vé bay quốc tế cũng ghi nhận tăng đáng kể. Giá tour theo đoàn không rẻ hơn so với tour khách lẻ. Vì thế phát sinh nhiều đoàn khách lẻ là một trong các nguyên nhân khiến lượng booking (đặt dịch vụ) tăng khoảng 200% so với năm trước.

Trước đây, mỗi doanh nghiệp lữ hành ghi nhận khoảng 80-150 lượt đặt phòng mỗi tháng, nhưng vào đầu năm 2025, con số này đã tăng lên 200%, thậm chí có doanh nghiệp nhận đến 300-500 lượt đặt phòng mỗi tháng.

Chưa kể, trước đây, du khách thường đặt dịch vụ trước mỗi chuyến khởi hành từ 3-6 tháng, nhưng gần đây, khách booking sát ngày khởi hành hơn trước rất nhiều, có đoàn chỉ booking trước khoảng 2 tuần hoặc 1 tháng. Công nghệ giúp du khách dễ dàng ra quyết định nhanh hơn, và họ được lợi là booking sát ngày sẽ ít bị rủi ro trong hoàn, hủy chuyến đi hơn nếu có công việc phát sinh.

Trong khi đó, nhân sự tour guide vẫn thế, chưa tăng thêm. Các tour guide đều được sắp xếp theo đoàn từ nhiều tháng trước, nên khi nhận đoàn, có đơn vị phải gọi 30 – 50 cuộc điện thoại mới tìm được tour guide. Thực tế đó khiến doanh nghiệp nhận booking buộc phải nhận hướng dẫn viên chưa thạo nghề. Đối tượng hướng dẫn viên mới thường là sinh viên – biết tiếng nhưng chưa có kỹ năng và kiến thức du lịch; hoặc những người là giáo viên, nhân viên các ngành văn hóa, du lịch: có kiến thức và ngoại ngữ nhưng chưa giỏi nghiệp vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu.

Khách quốc tế đến Việt Nam: 70% chọn đi “chữa lành” ở miền núi - 5

Các chuyến đi thăm Vịnh Hạ Long là hành trình được hỗ trợ tour guide tại các du thuyền.

“Cháy tour guide” sẽ dẫn đến tình trạng bất lợi nào cho các doanh nghiệp lữ hành, thưa ông?

Hiện đang xảy ra tình trạng, chi phí trả theo ngày của một tour guide đang cao hơn thông thường từ 200 – 300 %. Bình thường chi phí 1 tour guide/ngày là khoảng 900.00 VNĐ, nhưng có doanh nghiệp phải trả 1.500.000 VNĐ, thậm chí 2.000.000 VNĐ/ngày. Hầu như tất cả đoàn khách quốc tế đều phải có tour guide mới có thể vận hành (trừ đoàn đi Vịnh Hạ Long có thể xem xét, do các tàu chở khách trên Vịnh đều có hướng dẫn viên riêng).

Trong khi đó, hầu hết giá tour không đổi, vì để làm ăn lâu dài, doanh nghiệp cần giữ chữ tín với khách hàng. Vì thế, các doanh nghiệp buộc phải chi trả thêm chi phí cho mỗi đoàn khi vận hành nên đang có tình trạng, khách đông nhưng doanh nghiệp du lịch phải chịu lỗ.

Khách quốc tế đến Việt Nam: 70% chọn đi “chữa lành” ở miền núi - 6

Vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam với khung cảnh thiên nhiên tráng lệ và hoang sơ đang được lòng du khách.

Để giải quyết tình trạng tour guide, theo ông phải làm gì?

Phải mất 5 năm để đào tạo 1 tour guide đạt chuẩn quốc tế. Vì thế, không dễ giải quyết tình trạng này.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cơ hội khắc phục khi kết nối được giữa doanh nghiệp và các sở ban ngành trong việc sử dụng dữ liệu số về tour guide. Vì, trong ngành du lịch, nhân sự các mảng chưa được quản lý chặt chẽ, nhưng riêng tour guide được cấp thẻ, nên dữ liệu của họ đã được số hóa. Vậy, việc còn lại là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể khai thác được cơ sở dữ liệu đã số hóa này, phục vụ công tác vận hành tour.

Ngoài việc “cháy tour guide”, có điều gì ông muốn cảnh báo thêm trong câu chuyện vui “khách quốc tế tăng đột biến” này?

Du lịch là ngành đã chuyển đổi số. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề chưa được triển khai và triển khai chưa hiệu quả trong thực tiễn, mà quản lý tour guide chỉ là một vấn đề. Câu chuyện vận chuyển xe cộ, phòng lưu trú trong các mùa cao điểm cũng là vấn đề nóng cần quan tâm.

Hiện Việt Nam đã đặt vấn đề phải có hệ thống cảnh báo ngành mang tính quốc gia, nhưng chưa làm được. Nên, hiện trạng một địa phương chỉ có khả năng đáp ứng 20.000 phòng lưu trú nhưng lượng khách đặt tăng gấp đôi cũng không có thông tin chuyển cho du khách, giúp họ điều hướng sang các điểm đến hoặc vùng khác trên lãnh thổ. Mất kết nối, về lâu dài nếu không khắc phục, chúng ta sẽ tự đánh mất nguồn khách của mình

Trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Châu Giang