Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh & những điều chưa bao giờ cũ
Dù là trong quá khứ hay hiện tại, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn ẩn chứa những nét đẹp riêng có, được chưng cất từ những giá trị của ngày hôm qua nối liền với hôm nay, thể hiện khát vọng về một đô thị vững mạnh, kinh tế thịnh vượng và nhân văn.
Vùng đất đa văn hóa và phong phú về ẩm thực
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2019 toàn Thành phố Hồ Chí Minh có đủ 54 thành phần dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống.
Trong đó, nhiều nhất là người Kinh với hơn 6 triệu người; các đồng bào dân tộc khác như người Hoa với hơn 400 nghìn người, người Khmer có hơn 24 nghìn người, người Chăm có đến hơn 7 nghìn người, người Tày có đến hơn 4,5 nghìn người, người Mường hơn 3,4 nghìn người, ít nhất là người La Hủ chỉ có một vài người.
Mỗi dân tộc đến với vùng đất này mang theo những nét văn hóa đặc trưng rất độc đáo, ví dụ như Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của người Hoa hay văn hóa về chiếc nhẫn cưới (còn gọi là nhẫn Srí) của người Churu (Lâm Đồng).
Những khu vực tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo thành một nét đẹp rất riêng, đó là những khu chợ, cửa hàng, dịch vụ, món ăn đặc sản của nước đó.
Có thể kể đến như Phố Malaysia - nơi tập trung người Mã Lai, người Chăm tại đường Nguyễn An Ninh, Phường Bến Thành, Quận 1; Chợ Campuchia từ đình chợ Lê Hồng Phong, dọc dài theo đường Hồ Thị Kỷ, Phường 1, Quận 10 với đa phần là kiều bào trở về từ Campuchia; Phố Hàn Quốc tại đường Hậu Giang đến các đường lân cận thuộc Phường 4, Quận Tân Bình.
Phố Nhật Bản tại giao lộ Thái Văn Lung – Lê Thánh Tôn thuộc Phường Bến Nghé, Quận 1; Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với hơn 50% là người nước ngoài đến từ hàng chục quốc gia, đông hơn cả vẫn là công dân các nước và vùng lãnh thổ Châu Á, nhiều nhất đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc.
Ngay tại Sài Gòn, bạn cũng có thể uống cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, uống trà kiểu Ả Rập hay thưởng thức bữa dimsum (điểm tâm) kiểu Hồng Kông.
Chợ Bến Thành – Biểu tượng vượt thời gian
Từ năm 1912 - 1914, thị trưởng Eugène Cuniac cho lấp ao Boresse và xây lên chợ Mới Sài Gòn, với tham vọng biến nơi đây thành ngôi chợ trung tâm của Sài Gòn cũng như của miền Nam, thậm chí là cả xứ Đông Dương.
Đến năm 1940, hai bên hông chợ là những bến xe đò đi miền Đông và miền Tây. Từ năm 1985 có sự sửa chữa lớn, tuy nhiên cấu trúc cũ vẫn giữ nguyên.
Chợ Bến Thành bấy giờ được xem như một biểu tượng về mặt văn hóa và kinh tế thương mại của cả miền Nam qua sự kết hợp với các tuyến kênh rạch Tàu Hủ, Lò Gốm kề bên với vựa tôm cá, lúa gạo miền Tây ngày xưa. Ưu điểm của chợ là một kiến trúc mở rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới, là một bài học tiêu biểu về mặt kết cấu bêtông cốt thép nhịp lớn.
Ngày nay, chợ Bến Thành là một địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Hẳn nhiên, du khách đến chợ không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.
Một thời đồng bạc xé đôi
Theo trang 100 của quyển sách “Sài Gòn vang bóng” của Lý Nhân Phan Thứ Lang có ghi: Đến năm 1942, tiền xu không còn là đơn vị tiền lẻ nữa, mà đã vắng bóng trên thị trường tiền tệ.
Có lẽ vì thấy giá trị đồng (nguyên liệu đúc tiền) còn cao hơn giá trị đồng xu nên bọn gian thương trữ lại đúc thành thứ khác kiếm lời. Sau thời gian này, chỉ có tiền giấy loại 20 xu, 1 cốc, 5 cắc nhưng vì không còn tiền lẻ nên tại Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ đã xuất hiện “phong trào” xé đôi tờ giấy bạc. Giấy 20 xu xé đôi thành 2 tờ trị giá 10 xu. Một cắc xé đôi thành 5 xu, 5 cắc xé đôi thành 2 cắc rưỡi, còn 1 đồng xé đôi thành 5 cắc cho tiện việc mua bán.
Người ta bất chấp luật lệ tiền bạc, cứ thực tế, xé tiền cho dễ. Khi cần thì ráp hai nửa giấy bạc dán lại, không cần đúng số hay đúng chữ miễn là cùng loại là được. Ai cũng chấp nhận chi tiêu như vậy cả. “Đồng bạc xé đôi” này mãi tới cuối năm 1955 mới chấm dứt ở miền Nam.
Xích lô Sài Gòn
Xích lô ngày xưa vốn được xem là một phương tiện giao thông đi lại phổ biến thường ngày của người Sài Gòn.
Chiếc xích lô (đọc trại từ chữ “cyclo”) do một người Pháp tên là Coupeaud phát minh ra vào năm 1939. Để quảng cáo cho phương tiện vận chuyển mới này, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình với chiếc xe chở khách chạy bằng 3 bánh từ Phnôm Pênh (thủ đô của Campuchia) tới Sài Gòn, với hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200km trong thời gian 17 giờ 23 phút.
Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939, Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô thì sang đến năm 1940, con số này đã là 200 chiếc. Tháng 2/1941, tay “anh chị” khét tiếng Bảy Viễn cùng một người Pháp là Maurice đã thành lập công ty Mauviên (ghép tên hai người) có 30 chiếc độc quyền ở khu vực Chợ Lớn, Bến Thành...
Từ đầu thập niên 1960, tại Sài Gòn còn xuất hiện xe xích lô máy, với động cơ hai thì và với những phụ tùng, linh kiện, động cơ của hãng xe mô tô Peugeot nhập từ Pháp, loại 125 phân khối, dùng xăng pha nhớt.
Giờ đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự phát triển tân tiến của công nghệ, những chiếc xích lô giờ chỉ được sử dụng để phục vụ du khách nước ngoài như một cách để bảo tồn và gợi nhớ về nét đẹp văn hóa Sài Gòn xưa.
Nghĩa tình người Sài Gòn
Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là vùng đất phóng khoáng, đầy nhân văn với biết bao nghĩa cử cao đẹp giúp người thông qua hình ảnh những ổ bánh mì miễn phí, thùng trà đá miễn phí, dịch vụ đưa đón sĩ tử mùa thi miễn phí, phòng trọ miễn phí cho sinh viên nghèo.
Thành phố còn là nơi dang rộng vòng tay chào đón những người con xa quê, là nơi giúp cho gánh hàng rong của những mảnh đời nghèo khó còn đang mang nặng trách nhiệm lo cho con, cho chồng, lo cho cha mẹ ở quê nghèo…
Một số đặc điểm quan trọng của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
- Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông.
- Vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc và một phần Tây Bắc, trung bình từ 10m đến 25m, xen kẽ có một số gò đồi, cao nhất lên tới 32m như đồi Long Bình ở Quận 9.
- Vùng trũng nằm ở phía Nam – Tây Nam và Đông Nam thành phố, có độ cao trung bình trên dưới 1m, nơi thấp nhất là 0,5m.
- Nằm ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn - TP.HCM có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch rất đa dạng.
Hoa giấy nở quanh năm, nhưng đẹp nhất là vào mùa hạ. Dưới ánh nắng rực rỡ đầu hè, những giàn hoa giấy mỏng manh khoe...