Hành trình đến Net zero: Mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn
Du lịch bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, không chỉ đối với các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông mà còn đối với cả du khách. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đừng tô vẽ Net Zero cho phức tạp, lý thuyết mà nên bắt đầu bằng những việc cụ thể thiết thực.
“Du lịch Net Zero” là khái niệm mới nổi lên trong ngành du lịch, nhằm giảm thiểu và bù đắp lượng khí thải carbon do hoạt động du lịch gây ra. Mục tiêu là đạt mức "Net Zero" - tức là lượng khí thải carbon được giảm xuống tối thiểu và phần còn lại được bù đắp thông qua các biện pháp như trồng cây, sử dụng năng lượng tái tạo, và đầu tư vào các dự án bền vững.
Hạn chế tối đa những tác động đến môi trường
Làng Nhỏ là khu du lịch dã ngoại thiên nhiên tiên phong trong mô hình Glamping và Pop-Up Resort đầu tiên tại Việt Nam, nằm ở thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh tỉnh Khánh. Nơi đây có diện tích 165ha, trong đó hơn một nửa diện tích là đất rừng có nhiệm vụ tạo vành đai bảo vệ vùng lõi 80ha - khu vực xác định có thể truyền tải thông điệp du lịch bền vững.
Mặc dù chỉ mới đưa vào vận hành 1/10 của phân khu đầu tiên trong tổng số 7 phân khu, nhưng Làng Nhỏ được coi là mô hình thực hành du lịch Net Zero điển hình, thể hiện rõ nét trong quy hoạch và xây dựng.
Khu du lịch Làng Nhỏ
Ông Nguyễn Mạnh Bình San, chủ khu du lịch Làng Nhỏ, cho biết Làng Nhỏ áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng đèn LED, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và thiết kế không gian xanh. “Để bảo tồn thiên nhiên tại khu rừng, suối có rất nhiều công đoạn nhưng cốt lõi là đừng tác động đến rừng. Chúng tôi đã truyền thông điệp bảo vệ môi trường đến người dân, tạo công ăn việc làm cho bà con xung quanh, từ đó mọi người thấy giá trị của thiên nhiên đã ban tặng và có ý thức giữ gìn môi trường tự nhiên”, ông San chia sẻ.
Theo ông San, hình thái du lịch bền vững phải cùng lúc thực hành 3 hành động: "Tiết kiệm không gian thiên nhiên môi trường; bối cảnh văn hoá, công trình văn hoá đặc sắc sẵn có và cuối cùng là trách nhiệm hoàn trả những tài nguyên đã khai thác. Công thức này đang được Làng Nhỏ áp dụng và càng vui mừng hơn khi được du khách ủng hộ".
Ông San (đội nón tai bèo) dẫn khách khám phá thiên nhiên ở Làng Nhỏ
Du lịch Net Zero là xu hướng mới trong ngành du lịch, hướng tới mục tiêu giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động du lịch.
Đó cũng là những điều mà nhiều khu du lịch tại TP.HCM đang hướng tới hiện nay. Tận dụng diện tích hơn 1 ha (P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM), tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, công tác ở Văn phòng thường trực Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã xây dựng Nông trại Tam Nông. Nơi đây được chia làm 3 khu là chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản với các dịch vụ như hoạt động dã ngoại; trải nghiệm nghề nông.
Thu hoạch rau tại nông trại
Trang trại áp dụng công nghệ đệm lót sinh học bao gồm rơm, trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh để phân hủy chất thải chăn nuôi, sau đó bón lại cho cây trồng, cỏ trồng. Các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ từ nông trại được sử dụng phục vụ cho du khách.
TS Nguyễn Văn Bắc, chủ khu du lịch Tam Nông
Trải nghiệm những hoạt động du lịch thân thiện với môi trường
Đến với Tam Nông, khách tham quan được trải nghiệm những hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, như đi bộ đường dài, đạp xe, hay tận tay thu hoạch những nông sản ngay tại vườn. Những hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại cảm giác thư giãn và gần gũi với thiên nhiên.
Ưu tiên chất lượng trải nghiệm
Ngoài các cá nhân thì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đang thiết kế các tour du lịch Net Zero. Song, mỗi đơn vị sẽ có những tiêu chí riêng nhất định. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour, cho hay Net Zero tương đương với du lịch bền vững. “Du lịch bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, như giảm phát thải, hạn chế sử dụng nhựa, giữ gìn trật tự của thiên nhiên. Việc bảo tồn và phát triển du lịch cần phải đi đôi với nhau. Du lịch cung cấp nguồn lực tài chính để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi việc bảo tồn cũng là điều kiện để phát triển du lịch bền vững”, ông Mỹ nói.
Du lịch bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Ông Mỹ cũng chỉ ra rằng, du lịch bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, không chỉ đối với các nhà tổ chức, nhà làm truyền thông mà còn đối với du khách. Theo đó đừng tô vẽ Net Zero cho phức tạp, lý thuyết mà nên bắt đầu bằng những việc cụ thể thiết thực như: khuyến khích du khách sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tổ chức các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, như trồng cây, dọn rác; cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ hiện đại và duy trì các giá trị tự nhiên; hạn chế các tour du lịch ồn ào, đông đúc, ưu tiên chất lượng trải nghiệm thay vì số lượng du khách; tận dụng các nguồn tài nguyên địa phương, như cây thuốc, ẩm thực địa phương, để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Băng rừng, vượt suối tại khu du lịch hướng đến Net Zero
"Chúng ta đang tiến tới Net Zero, chứ không phải có ngay. Từ người dân, đơn vị truyền thông đến khách du lịch phải có trách nhiệm trong mọi hành trình du lịch, phải làm sao giảm thải chất thải carbon. Đây là một xu hướng tất yếu, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp của mọi thành phần để mang lại lợi ích cho cả du lịch và môi trường”, ông Mỹ nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, thách thức trong triển khai du lịch bền vững hiện nay là một số doanh nghiệp du lịch vẫn ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn thay vì phát triển bền vững. Thiếu các chính sách khuyến khích và hỗ trợ từ Nhà nước đối với các mô hình du lịch mới, sáng tạo. Nguy cơ lạm dụng các khái niệm về du lịch bền vững để thu hút khách du lịch mà không thực sự triển khai hiệu quả.
Hòa mình với thiên nhiên
Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Công ty Du ngoạn Việt, cũng cho rằng, để tiến đến du lịch Net Zero trước hết nên bắt đầu từ những hành động cụ thể, như sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho nhựa và các vật liệu gây ô nhiễm; Khuyến khích người dân và du khách thay đổi hành vi, không thả hoa đăng bằng nhựa, sử dụng các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường; Sử dụng các biện pháp kỹ thuật như lắp đặt hệ thống thu gom nước thải, sử dụng các loại cá ăn rác để làm sạch kênh Nhiêu Lộc.
“Cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Song song với chứng nhận và công nhận các doanh nghiệp du lịch thực hiện tốt các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền để thay đổi hành vi cũng như thúc đẩy người dân và du khách tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường”, ông Phan Xuân Anh đóng góp ý kiến.
Theo báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com, trên toàn cầu 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ. Tại Việt Nam, có 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. Thêm vào đó, 75% du khách cũng nói rằng họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận và 83% du khách bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi. |
Cơ hội tạo ra sự khác biệt
Du lịch Net Zero không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào công cuộc bảo vệ hành tinh. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp du lịch tiên phong, tạo ra sự khác biệt và dẫn dắt xu hướng trong ngành du lịch bền vững.
Bà Tạ Thị Tú Uyên - giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Vietravel, cho hay đơn vị đã và đang đồng hành (giới thiệu tour, khách, hỗ trợ tiến tới Net Zero) từ khâu chuẩn bị quy hoạch đầu tư đến vận hành với nhà đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch Net Zero.
Bà Tạ Thị Tú Uyên - giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Vietravel
Song, để sản phẩm du lịch đạt chuẩn Net Zero cần có những yêu cầu như: Khách là người thụ hưởng và giá trị sản phẩm phải được lan tỏa; Người dân hoặc cộng đồng tại địa phương hưởng lợi từ các sản phẩm. Sử dụng nguyên liệu, thực phẩm địa phương, tái chế, giảm thiểu phát thải, và được các tổ chức uy tín công nhận về tiêu chuẩn xanh. Quá trình kiểm soát và chứng nhận chất lượng xanh rất khắt khe.
“Du lịch phải gắn với môi trường, cộng đồng, xã hội, văn hóa bản địa. Và mục tiêu cuối cùng đó là phát triển bền vững”, bà Uyên chia sẻ về tiêu chí hướng đến Net Zero.
Tạp chí Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm về du lịch bền vững giữa 'giếng trời'
Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Vietravel cho hay một tour du lịch khám phá sản phẩm Net Zero khá đắt đỏ. Theo đó, khách dùng những chai nước làm từ bã cà phê (thay cho đồ nhựa). Còn bữa ăn trách nhiệm, nguyên liệu phải được đảm bảo từ khâu sản xuất ở trang trại, trong đó người trồng phải dùng phân hữu cơ. Cần có đơn vị uy tín thẩm định để đạt chứng chỉ xanh về thực phẩm, nơi lưu trú…
“Phát triển du lịch xanh đòi hỏi chi phí cao hơn so với du lịch truyền thống, ví dụ như sử dụng các vật dụng tái chế, thực phẩm hữu cơ, và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng khách hàng sẽ cảm thấy giá trị xứng đáng với chi phí bỏ ra”, bà Uyên nói thêm.
Net Zero là tiêu chí để phát triển du lịch bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương. Bằng cách thực hiện những hành động cụ thể này, chúng ta có thể góp phần vào việc xây dựng một ngành du lịch bền vững và thân thiện với môi trường. Mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn, góp phần bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Du lịch TP.HCM cần "bứt phá" để chuyển đổi xanh TP.HCM là một trong 10 thành phố hàng đầu thế giới chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Thành phố đang phải đối mặt với thách thức phát triển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống để phát triển một cách bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, hiện tại, TP.HCM cũng đã có nhiều nỗ lực liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình liên kết nhằm phát triển một cách bền vững và thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chạy đua mục tiêu NET ZERO. Điều này đòi hỏi TP.HCM với vị trí trung tâm du lịch của cả nước và đi đầu trong liên kết vùng cần phải "bứt phá" hơn nữa. TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định để đạt được mục tiêu netzero, một mình ngành du lịch không thể thực hiện được, mà phải là mục tiêu chung của nhiều ngành. Quan điểm này tương tự bản chất của du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp của nhiều lĩnh vực. Hiện nay, TP.HCM đã gắn kết 3 ngành giao thông - năng lượng - tiêu dùng với ngành du lịch để giảm thiểu carbon. Theo đó, thành phố có lộ trình tập trung chuyển đổi xe buýt sang xe buýt sạch, hoạt động giao vận của shipper cũng chuyển đổi sang xe điện; phát triển năng lượng tái tạo ở các lĩnh vực điện áp mái mặt trời, điện đốt rác, điện gió. Cuối cùng là tiêu dùng xanh, hiện nay đã có Thiềng Liềng bước đầu áp dụng plastic free (cách mạng không nhựa). Huyện Cần Giờ đang là nơi thí điểm netzero của TP.HCM. "Thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời và có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các "cú sốc" về kinh tế - xã hội", ông Huy Vũ chia sẻ. TS Nguyễn Đức Trí, Trưởng khoa Du lịch, ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá với nhiều mảng xanh, chưa bị tác động đáng kể về mặt môi trường, các huyện ngoại thành TP.HCM là khu vực tiềm năng cho hoạt động du lịch xanh, bền vững, cắt giảm khí thải, hướng đến netzero. Chẳng hạn, Củ Chi có mô hình du lịch công nghệ cao gắn giảm phát thải, Nhà Bè có sản phẩm đêm di chuyển bằng xe điện, Cần Giờ có hoạt động du lịch xanh, trải nghiệm xanh ở đảo Thiềng Liềng. Từ kinh nghiệm thực tiễn tại Vương Quốc Anh, Ts Daisy Gayathri - Khoa Quản lý Du lịch và Khách sạn - ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng điều quan trọng nhất khi thực hiện hành trình phát thải ròng bằng 0 là cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. “Chính phủ cần khuyến khích người dân bắt đầu tiến tới du lịch Net Zero bằng hoạt động nhỏ, thiết thực. Đơn giản như cùng nhau dọn dẹp rác thải, khuyến khích đi chung xe. Hãy giáo dục cho trẻ em biết rằng “cho gì thì nhận lại điều đó”, ví dụ như ném rác xuống sông sẽ nhận lại hậu quả ô nhiễm môi trường”, TS Daisy Gayathri nói. |