Giữ chân du khách thông qua ẩm thực đặc sắc địa phương
Ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch, giúp giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng của từng địa phương.
Bánh da heo, món bánh dân gian quen thuộc được trình bày bắt mắt, hấp dẫn du khách tham quan dịp Ngày hội du lịch TP.HCM 2024.
Cũng với món bánh truyền thống, nghệ nhân đã biến tấu, trang trí thêm hút mắt.
Tại buổi talkshow, chuyên gia ẩm thực đã làm rõ hơn mối liên hệ gắn kết của ẩm thực với du lịch trong việc quảng bá giới thiệu điểm đến.
Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM lần XX-2024, Công ty du lịch TSTtourist đã tổ chức buổi trò chuyện, giao lưu với nghệ nhân bánh Việt - bà Trần Thị Hiền Minh, Phó chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, Hiệp hội Du lịch TP.HCM.
Buổi talkshow với chủ đề “Văn hóa ẩm thực vùng miền, sự hấp dẫn đối với du khách” diễn ra trong buổi chiều ngày cuối cùng (7/4) của Ngày hội du lịch.
Mỗi vùng miền trên đất nước mình có những món ăn đặc trưng riêng. Ví dụ khi nhắc đến Hà Nội, người ta sẽ nghĩ ngay đến phở, bún chả Hà Nội; với Sài Gòn thì: bánh mì, hủ tiếu, cơm tấm… bà Minh dẫn chứng.
Chia sẻ tại buổi nói chuyện, bà Trần Thị Hiền Minh, Phó chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn - Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, hiện nay, mỗi du khách khi đến bất kỳ vùng miền nào, địa phương nào, điều đầu tiên du khách quan tâm sẽ là ẩm thực của địa phương đó và sau đó là ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí ở đâu.
Những món ăn vùng miền rất quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu, giữ chân du khách tại điểm đến.
Do đó, mỗi địa phương muốn giữ chân du khách cần đẩy mạnh, quảng bá, giới thiệu món ăn của vùng miền, địa phương mình để kết hợp với du lịch giữ chân du khách được lâu hơn. Thế nên, ẩm thực và du lịch phải song hành cùng nhau để cùng quảng bá điểm đến Việt Nam đối với du khách quốc tế.
Theo bà Minh, về lâu dài, muốn phát triển, giữ gìn các món ăn vùng miền phục vụ du lịch, chúng ta cần có những buổi chia sẻ, hướng dẫn du khách cùng tham gia, trải nhiệm nấu các món ăn vùng miền… Để sau buổi trải nghiệm, du khách khi về nước họ, họ có thể nấu món ăn Việt Nam và nhớ về Việt Nam với những kỉ niệm đẹp, ấn tượng.
"Đó cũng chính là hình thức quảng bá, hình ảnh điểm đến Việt Nam thiết thực đối với người dân, du khách trong và ngoài nước”, bà Minh nhấn mạnh.
Ẩm thực là sứ giả đặc biệt góp phần quảng bá, giới thiệu du lịch, là yếu tố thu hút và níu chân du khách.
Dưới góc độ của đơn vị lữ hành thiết kế các chương trình tour tuyến du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông TSTtoursit cho biết, đối với ngành du lịch, ẩm thực có vai trò và ý nghĩa quan trọng, một sản phẩm không thể thiếu trong các tour du lịch.
Hơn nữa, theo ông Mẫn, trong xu thế phát triển du lịch, ẩm thực không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần mà đã trở thành mục đích của các chuyến đi. Ẩm thực được nhiều chuyên gia nâng tầm ý nghĩa và vai trò lớn hơn, có thể trở thành thương hiệu du lịch quốc gia.
"Ngày nay, ẩm thực là một giá trị văn hóa vượt trội, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc và trường tồn qua nhiều thời kỳ. Với hàng ngàn món ăn ngon, đặc trưng khắp 3 miền Bắc, trung, Nam, ẩm thực hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu của ngành Du lịch Việt Nam; Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới”, ông Mẫn chia sẻ.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định văn hóa ẩm thực là dòng văn hóa chủ đạo và ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia.
Thực tế, ẩm thực Việt đã và đang chứng minh sức hấp dẫn thông qua nhiều giải thưởng, danh hiệu uy tín. Trong thời gian quan, giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”.