Gia Lai có phong cảnh tuyệt sắc, văn hóa độc đáo, vì sao du lịch vẫn chưa cất cánh?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Gia Lai nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu ôn hòa, văn hóa bản địa đặc sắc, con người thân thiện, mến khách.

Nét hấp dẫn riêng của du lịch Gia Lai

Gia Lai được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh với những cánh rừng già nguyên sinh, thảm thực vật đa dạng phong phú, hệ thống thác nước, sông - hồ hùng vĩ được ví như bức họa tuyệt đẹp giữa đại ngàn Tây Nguyên như: Biển Hồ Pleiku, núi lửa Chư Đăng Ya, đồi cỏ hồng Glar, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh… là “lá phổi xanh” nơi cao nguyên xinh đẹp đầy nắng gió.

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn, Gia Lai còn có các di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của mảnh đất anh hùng đó là: Làng kháng chiến Stơr quê hương của anh hùng Núp biểu tượng của tinh thần anh dũng, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Làng Kháng chiến Stơr đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 23/3/1993. Nhà tù Pleiku là một chứng tích lịch sử tố cáo tội ác của Pháp, Mỹ (trước năm 1975) đã đàn áp, thực thi tại đây một chính sách diệt tù man rợ. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1994.

Gia Lai có phong cảnh tuyệt sắc, văn hóa độc đáo, vì sao du lịch vẫn chưa cất cánh? - 1

Chùa Bửu Minh

Cùng với đó Gia Lai còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc, với các phong tục tập quán, lễ hội văn hóa: Lễ cúng nhà rông, Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya, Lễ bỏ mả (Pơ thi)… Các món ẩm thực ngon, độc đáo của đồng bào các tộc người thiểu số sinh sống chủ yếu nơi đây như: Gia Rai, Ba Na, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cơ Ho, Thái, Mường… tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Đến với Gia Lai, du khách còn được trải nghiệm, hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 25/11/2005.

Gia Lai có phong cảnh tuyệt sắc, văn hóa độc đáo, vì sao du lịch vẫn chưa cất cánh? - 2

Chùa Minh Thành

Không những vậy, Gia Lai còn có một số điểm du lịch tâm linh như: chùa Minh Thành, Chùa cổ Bửu Minh là những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo ở Tây Nguyên. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi mà còn là địa điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến đây.

Về cơ sở lưu trú Gia Lai có gần 100 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 60 khách sạn 1-2 sao, nhà nghỉ cộng đồng homestay, với tổng số hơn 2.309 buồng, tập trung chủ yếu ở thành phố Pleiku, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Cùng với đó, hệ thống nhà hàng cũng được chú trọng đầu tư kiến trúc, chất lượng phục vụ, tạo nên nét đặc trưng riêng, mang đậm phong cách Tây Nguyên và khai thác các ẩm thực truyền thống của địa phương nhằm thu hút du khách.

Với việc tập trung khai thác các lợi thế về du lịch sinh thái, lịch sử, văn hoá, cộng đồng, hoạt động du lịch Gia Lai những năm qua đã đạt được kết quả nhất định. Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai năm 2020 ước đạt 800.000 lượt, đạt 82% kế hoạch, bằng 95% năm 2019, trong đó, khách nội địa 796.600 lượt, đạt 84% kế hoạch, bằng 96% năm 2019; khách quốc tế đạt 3.400 lượt, đạt 20% kế hoạch, bằng 23% năm 2019.

Tổng thu du lịch ước đạt 380 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch, bằng 75% năm 2019. Lượng khách trong năm 2020 sụt giảm cũng là điều dễ hiểu bởi chúng ta đang trải qua 2 năm liên tiếp đối diện với những khó khăn, thử thách mà đại dịch Covid-19 đem tới. Đây là tình trạng chung không chỉ riêng du lịch Gia Lai mà tất cả các địa phương khác cũng đang phải đối mặt.

Gia Lai có phong cảnh tuyệt sắc, văn hóa độc đáo, vì sao du lịch vẫn chưa cất cánh? - 3

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai

Theo quy hoạch xây dựng được tỉnh đề ra đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai sẽ là trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời đến năm 2030, Gia Lai cũng là trung tâm du lịch của vùng về nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 15-18%/năm, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 18-20%/năm.

Biến tiềm năng thành mũi nhọn phát triển

Trong khoảng 3 năm trở lại đây ngành du lịch Gia Lai đã tập trung cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; hình thành các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên vùng, tập trung khai thác các lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa với sự tham gia của các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư... nhằm khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy trong quá trình phát triển, nhiều tiềm năng du lịch của Gia Lai chưa được khai thác hiệu quả, du lịch phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí địa lý. Chẳng hạn, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tôn vinh được hết đặc trưng riêng của địa phương, văn hóa vùng miền. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn chưa đồng bộ, hệ thống khách sạn quy mô còn nhỏ, các khách sạn 3-4 sao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong ngành còn thiếu và yếu, lực lượng lao động trong ngành Du lịch của tỉnh khoảng 1.500 người, trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ (tính từ chứng nhận bồi dưỡng đến sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học) chiếm khoảng 43%.

Gia Lai có phong cảnh tuyệt sắc, văn hóa độc đáo, vì sao du lịch vẫn chưa cất cánh? - 4

Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku

Đây là vấn đề mà du lịch Gia Lai cần có kế hoạch, chiến lược đầu tư, đào tạo và bồi dưỡng liên tục hàng năm, bằng cách mời các chuyên gia có kinh nghiệm, các giảng viên uy tín của các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành du lịch trên cả nước về giảng dạy các khóa nâng cao nghiệp vụ lữ hành, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng lực lượng lao động vừa hồng vừa chuyên, đủ sức cạnh tranh và hội nhập với cả nước.

Bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các thế mạnh của nguồn tài nguyên, ngoài phát huy nội lực của tỉnh, Gia Lai cần có các chính sách đãi ngộ, trải thảm đỏ kêu gọi các nhà đầu tư xứng tầm vào đầu tư phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Ông Nguyễn Hữu Quế, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Pleiku cho biết, thành phố hiện đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hướng tới phát triển bền vững, Pleiku trở thành đô thị hiện đại, mang bản sắc văn hóa đặc trưng, trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với quản lý quy hoạch, đầu tư, nâng cấp mở rộng kết nối các công trình giao thông, song song với việc nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đô thị tạo đà cho phát triển đô thị trong tương lai.

Không những vậy, Gia Lai cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, tiếp thị theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn, tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng để tạo ấn tượng đối với du khách. Phát triển hơn nữa mô hình Làng du lịch nhằm huy động cộng đồng cùng chung tay tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn và đem lại kế sinh nhai lâu dài cho người dân bản địa cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm du lịch, hình thành các tour du lịch trải nghiệm thu hút đông đảo du khách tham gia. Đây sẽ là động lực cơ bản thúc đẩy ngành du lịch Gia Lai cất cánh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Bùi Trung Dũng

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!