Trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở du lịch TP.HCM, cho biết quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 của Chính phủ phù hợp với kế hoạch phục hồi và tạo động lực cho ngành du lịch TP.HCM.
Trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở du lịch TP.HCM, cho biết quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 của Chính phủ phù hợp với kế hoạch phục hồi và tạo động lực cho ngành du lịch TP.HCM.
Tự tin, chủ động đón khách quốc tế
Thưa bà, việc Chính phủ quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 có ảnh hưởng gì đến kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đã được Thành phố ban hành trước đó không?
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu: Việc Chính phủ quyết định mở cửa lại du lịch ngày 15/3 đã khẳng định tính dự báo chính xác, phù hợp với lộ trình Kế hoạch phục hồi của ngành du lịch Thành phố, có cơ sở khoa học và thực tiễn đúng tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Thành phố và Chính phủ.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở du lịch TP.HCM.
Theo Kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19 số 3404/KH-UBND ngày 14/10/2021 và theo KH số 239/KH-UBND ngày 21/01/2022 của UBND về thí điểm kế hoạch đón khách quốc tế năm 2022, từ tháng 4 năm 2022, ngành du lịch sẽ khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi...
Lễ hội Khinh khí cầu kỷ niệm 1 năm thành lập TP Thủ Đức. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Quyết định của Chính phủ cũng là động lực để ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của Thành phố tự tin, chủ động hơn trong việc triển khai các phương án kinh doanh trong thời gian tới, nhất là công tác chuẩn bị cho kế hoạch đón khách du lịch quốc tế.
Điều này cũng tạo sự phấn khởi, quyết tâm phục hồi lại hoạt động du lịch trong và ngoài nước đối với cơ quan quản lý ngành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, đồng thời đây cũng là áp lực để các đơn vị phải gấp rút chuẩn bị lại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm, điểm tham quan, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển....
Lễ khai mạc Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2021. Ảnh: Hữu Long
Đã hơn một tháng kể từ khi Chính phủ đồng ý cho TP.HCM thí điểm đón khách quốc tế nhưng chúng ta vẫn chưa đón đoàn khách nào. Khó khăn mà ngành du lịch Thành phố đang gặp phải là gì, thưa bà?
Ngành du lịch Thành phố vẫn chưa đón khách vì một số khó khăn khách quan như sau:
- Các đơn vị lữ hành đang khó khăn trong thủ tục cấp visa cho khách du lịch quốc tế. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút phối hợp với Cục quản lý xuất nhập cảnh giải quyết vấn đề trên và trong cuối tuần qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 465/BVHTTDL-TCDL ngày 17/2/2022 về việc hướng dẫn thí điểm đoàn khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 là cơ sở để Cục Quản lý XNC xem xét thủ tục cấp visa cho các đoàn khách du lịch quốc tế vào TP.HCM.
- Vấn đề về mua gói bảo hiểm COVID-19 cũng gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lữ hành đang rất khó khăn tìm kiếm một số đơn vị thích hợp cung cấp gói dịch vụ bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm đối với trường hợp bị F0.
- Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành còn e ngại khi vận hành lại hoạt động du lịch của mình.
- Bên cạnh đó, ở một số doanh nghiệp cũng tồn tại tâm lý chờ đợi khi Chính phủ ban hành quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch ngày 15/3 với những quy định, điều kiện đón khách sẽ cởi mở hơn, thủ tục đơn giản hơn....
Lãnh đạo TP.HCM đạp xe trong chuyến tham quan Cần Giờ vào tháng 10/2021. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Ngành du lịch TP.HCM đã khẩn trương hoàn thiện để giới thiệu các sản phẩm đặc sắc tại Cần Giờ. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Mặc dù vậy nhưng ngành du lịch Thành phố cùng với các doanh nghiệp vẫn đang tích cực chuẩn bị cơ ở hạ tầng cùng các giải pháp trước mắt và lâu dài để hoàn thành mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến TP.HCM trong năm 2022 với điều kiện bình thường mới.
Sau hai năm đình trệ thì hiện nhiều cơ sở lưu trú xuống cấp, đứt gãy các chuỗi cung ứng cũng như thiếu hụt nhân sự. Vậy TP.HCM đã chuẩn bị như thế nào để có những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu du khách?
Trong suốt 2 năm qua, ngành Du lịch Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tìm mọi giải pháp để duy trì, đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch. Đến nay, Thành phố đã có 13 khách sạn được Sở Du lịch công nhận đăng ký thí điểm đón khách du lịch quốc tế với số lượng phòng khoảng trên 3.109 phòng và 56 khách sạn đang còn hạng sao để phục vụ khách du lịch.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất để đón khách quốc tế, ngành du lịch Thành phố cũng đã công nhận 2/10 doanh nghiệp lữ hành thí điểm đón khách du lịch quốc tế là Saigontourist và Hải Vân Cát Travel; 9 điểm du lịch đón khách quốc tế và 5 điểm đang chuẩn bi hồ sơ tham gia chương trình.
TP.HCM đã có hơn 3.000 phòng sẵn sàng phục vụ du khách quốc tế. Ảnh: InterContinental Saigon.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp đang nộp hồ sơ đăng ký thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Sở Du lịch đang tiếp tục thẩm định căn cứ trên cơ sở các nội dung quy định về thí điểm kế hoạch đón khách quốc tế năm 2022 cũng như các tiêu chí an toàn về phòng chống dịch bệnh.
Bà dự đoán như thế nào về lượng khách quốc tế đến TP.HCM sau thời điểm 15/3?
Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 vào khoảng từ 5 đến 6 triệu lượt. Hàng năm, bình quân số lượt khách quốc tế đến TP.HCM đạt khoảng 50% lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Với sự chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ, nhân lực của ngành du lịch trên nền tảng tỷ lệ tiêm vaxcin cao, cơ sở hạ tầng y tế tốt và nhất là TP.HCM đang là vùng xanh, Thành phố kỳ vọng sớm đạt được mục tiêu đón 3,5 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2022 (năm 2020 là 1.303.750 lượt).
TP.HCM kỳ vọng đón 3,5 triệu khách ngoại trong năm 2022. Ảnh: Shutterstock.
Đối với khách du lịch nội địa, với kịch bản tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch trở lại trong trang thái bình thường mới, khách du lịch nội địa đến cuối năm 2022 ước đạt: 25 triệu lượt, tăng 66,66% so với cùng kỳ (năm 2021 ước đạt là 15 triệu lượt), tổng thu ước đạt 97.700 tỷ đồng.
Nếu tình hình dịch bệnh trong nước chưa được khống chế hoàn toàn, khách du lịch nội địa đến cuối năm 2022 ước đạt: 18 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch: ước đạt 67.600 tỷ đồng.
Nghiên cứu mở tour du lịch bằng trực thăng ngắm Thành phố
Trong thời gian tới, ngành du lịch Thành phố sẽ chú trọng, ưu tiên nguồn khách nào và có những sản phẩm độc đáo để hút khách quốc tế?
Về lâu dài, ngành du lịch vẫn tập trung cho việc xây dựng sản phẩm độc đáo, đặc trưng của Thành phố trong mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành “đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á” với sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch đường thủy nội đô và liên tuyến, du lịch ẩm thực và du lịch gắn với văn hóa lịch sử.
Ngắm nhìn cảnh thành phố từ khinh khí cầu. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Với lợi thế về hệ thống sông và kênh nội đô thuận lợi của TP.HCM, ngành du lịch Thành phố đã cùng các doanh nghiệp khai thác các sản phẩm du lịch gắn với đường thuỷ hoàn thiện các dịch vụ, tăng giá trị trải nghiệm các hoạt động trên tuyến, gắn với các hoạt động tham quan giá trị văn hoá tại các điểm đến gắn với các tuyến du lịch đường thuỷ; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các chính sách giá dịch vụ phù hợp, các phương thức phục vụ phù hợp với xu hướng mới để đảm bảo các điều kiện an toàn cho khách du lịch tham gia.
Tour du lịch tuy "quen mà lạ" tới huyện Hóc Môn. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Thành phố cũng đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch gắn với đường thuỷ của Thành phố như: tour Bạch Đằng đi Củ Chi, tour Bạch Đằng đi Cần Giờ, dịch vụ thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn kết hợp với thưởng thức ẩm thực trên các tàu nhà hàng, du thuyền…
Trải nghiệm chèo SUP tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Suduchi.
Ngoài ra, còn có các hoạt đông trải nghiệm gắn với thể thao (chèo SUP) tại các khu vực như: Thanh Đa (Bình Thạnh), Quận 7, Cần Giờ…; các chương trình du lịch trên kênh nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè; các hoạt động gắn với du lịch trải nghiệm đêm trên sông Sài Gòn bằng tàu buýt sông; các sản phẩm liên kết bằng tàu cao tốc từ TP.HCM đến Vũng Tàu…
Trong thời gian tới, ngành du lịch dự định khảo sát, nghiên cứu mở tour du lịch bằng trực thăng ngắm Thành phố từ trên cao; Tàu cao tốc đi Côn Đảo…
Lãnh đạo Thành phố cùng du khách khám phá tour “Từ Sài Gòn xưa đến TP.HCM nay”. Ảnh: Hữu Long.
Ngoài làm mới các tour nội thành thì TP cũng đang kết nối với các tỉnh, thành để phát triển các tour liên kết vùng. Vậy làm sao để việc liên kết này diễn ra một cách thông suốt khi quy định chống dịch ở mỗi tỉnh, mỗi địa phương chưa nhất quán?
Do đặc thù du lịch TP.HCM gắn liền với du lịch các vùng địa phương (liên kết vùng) bên cạnh việc thường xuyên tham mưu điều chỉnh các quy định phòng chống dịch cho phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện cho du lịch phục hồi toàn bộ hoạt động, Sở Du lịch cũng tham mưu UBND Thành phố trao đổi song phương và đa phương với các địa phương để thống nhất quy trình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi; đề xuất Bộ kiến nghị Chính phủ ban hành những quy định thống nhất giữa các địa phương tạo sự thống nhất và đồng bộ.
Lãnh đạo TP.HCM trong chuyến khảo sát và hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh miền Tây.
Tôi lấy ví dụ: ngành du lịch Thành phố đã đề xuất để sau khi khách du lịch có kết quả âm tính COVID-19 vào ngày thứ 3 khi đến TP.HCM thì sẽ tiếp tục tham quan các địa phương trong liên kết vùng (Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Trung Trung bộ…) thay vì chỉ được phép tham quan các địa phương cho phép đón khách quốc tế như dự thảo của Bộ.
Xin cảm ơn bà!