Là một tỉnh nằm trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi có đường bờ biển dài 130km, chạy dọc từ vịnh Dung Quất đến cửa biển Sa Huỳnh. Trong đó, địa phương có "kho báu thiên nhiên" là huyện đảo Lý Sơn, điểm đến lý tưởng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã dành thời gian trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM xung quanh câu chuyện về định hướng, chiến lược phát triển du lịch biển đảo, tạo lực hấp dẫn du khách đến với Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi đã phê duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, đâu là những mục tiêu chính để ngành du lịch tăng trưởng, phát triển bền vững, thu hút du khách, thưa bà?
Quảng Ngãi là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có diện tích tự nhiên hơn 5.131km2, là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bao gồm 13 huyện, thị xã, thành phố (trong đó có một thành phố, một thị xã, 5 huyện đồng bằng, năm huyện miền núi và một huyện đảo). Tỉnh có bờ biển dài 130km, chạy dọc từ vịnh Dung Quất đến cửa biển Sa Huỳnh.
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ đang được đầu tư, từng bước hoàn thiện, trong đó có dự án đường ven biển Dung Quất, quốc lộ 24 nối các tỉnh Tây Nguyên, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sân bay Chu Lai... Quảng Ngãi có lợi thế cảng nước sâu Dung Quất, cùng với định hướng phát triển Dung Quất trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ cảng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung... Đây là tổ hợp những nhân tố tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng "thời cơ vàng" để phát huy lợi thế, tạo cú "hích" cho du lịch Quảng Ngãi cất cánh trong thời gian tới.
Cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Quảng Ngãi còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển, đảo như: nhiều bãi biển đẹp (Khe Hai, Mỹ Khê, Phú Thọ - Cổ Lũy, Tân Định, Minh Tân, Sa Huỳnh, Châu Me...), dọc ven biển còn có nhiều vịnh, vũng lớn nhỏ như: Dung Quất, Việt Thanh, Nho Na, Vũng Tàu, Sa Huỳnh. Nổi bật, địa phương còn có huyện đảo Lý Sơn, cách cảng Sa Kỳ gần 30km, là vị trí chiến lược trên vùng biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Huyện đảo này mệnh danh là hòn đảo thiên đường với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú, có 6 di tích cấp quốc gia (đình làng An Hải, đình làng An Vĩnh, thắng cảnh chùa Hang, Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa, thắng cảnh núi Giếng Tiền, thắng cảnh núi Thới Lới), hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và lễ hội đua thuyền tứ linh) và 19 di tích cấp tỉnh (đền thờ cá Ông, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, đền thờ bà Thiên-Y-A-Na, dinh Tam Tòa, mộ và đền thờ Võ Văn Khiết, dinh bà Thiên-Y-A-Na, lân Vĩnh Lộc, di tích Nhà Pha Lăng Tân, dinh Đụn, giếng nước ngọt Xó la, di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh Xóm Ốc, suối Chình, dinh bà Chúa Yàng...), thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Tận dụng tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVIII, XIX, XX đều ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề về phát triển du lịch. Trong đó xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, lấy du lịch biển, đảo là loại hình du lịch chủ đạo. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định mục tiêu: "Du lịch Quảng Ngãi cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, tạo tiền đề phát triển đột phá du lịch trong giai đoạn tiếp theo. Đến năm 2030, du lịch Quảng Ngãi thực sự là ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực khác; khẳng định vị trí vững chắc của du lịch Quảng Ngãi trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, từng bước tạo dựng thương hiệu trên bản đồ du lịch của cả nước". Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể, cân đối ngân sách và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch đạt mục tiêu đề ra.
Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đã xác định "Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển, đảo". Điều đó, khẳng định rằng du lịch biển, đảo có nhiều tiềm năng, giữ vai trò, vị thế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng.
Để thực hiện các chủ trương, định hướng này, Quảng Ngãi đang triển khai Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư có tiềm năng xây dựng cơ sở hạ tầng đảo Lý Sơn; xúc tiến việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Lý Sơn phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, tạo tiền đề quan trọng cho du lịch tỉnh Quảng Ngãi tăng trưởng, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thời gian qua, Quảng Ngãi đã chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác về du lịch giữa tỉnh với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hà Nội, TP.HCM như thế nào, thưa bà?
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng Quảng Ngãi đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế, với các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức các chương trình kích cầu du lịch, các hoạt động, sự kiện thu hút khách du lịch khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, các nước trong khu vực để quảng bá du lịch trong và ngoài nước, nhất là liên kết phát triển du lịch với một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Liên kết, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tỉnh khuyến khích phát triển các công ty lữ hành, tổ chức sự kiện chất lượng cao, tăng cường kết nối các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và một số nước trong khu vực tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng của du khách, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và giữ chân du khách lưu trú dài ngày. Ngoài ra, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp du lịch… trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh.
Đẩy mạnh hợp tác và tạo lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức phát triển du lịch và văn phòng đại diện du lịch các nước tại Việt Nam; tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh thuộc các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines và các nước trong khu vực, tiến tới hình thành các tuyến du lịch quốc tế.
Theo đó, địa phương đã đạt một số kết quả quan trọng trong công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác, phát triển và thu hút khách du lịch:
Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Ngãi giữa Thành phố Hà Nội, TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ký kết phát triển du lịch với thành phố Hà Nội, TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định) và các tỉnh Bình Định - Đăk Lăk - Gia Lai - Kon Tum - Phú Yên và Quảng Ngãi thông qua phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí chiến lược, tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút khách.
Tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch và chiến dịch truyền thông "Quảng Ngãi - Điểm đến an toàn, thân thiện" đối với các thị trường nội địa nằm trong chuỗi liên kết với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ; tập trung giới thiệu và khai thác các sản phẩm du lịch: Du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nhất là tuyến du lịch được xây dựng dành riêng liên kết kích cầu du lịch: "Quảng Ngãi - Hành trình di sản văn hóa, địa chất biển đảo".
Nhờ vậy, du lịch tỉnh nói chung và du lịch biển, đảo của tỉnh nói riêng có bước phát triển khởi sắc. Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tham quan Quảng Ngãi ước đạt 650.000 lượt người, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2021; tổng doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2021). Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách du lịch ước đạt 616.000 lượt người, tăng 92% (trong đó, khách quốc tế 6.113 lượt, tăng 62%; doanh thu ước đạt 485 tỷ đồng, đạt 53,9%, tăng 103%).
Hiện nay, Quảng Ngãi tập trung cho công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ du lịch, nhất là hạ tầng các công trình giao thông trọng điểm như thế nào để tạo “cú hích” cho ngành du lịch thời gian tới?
Thời gian qua, Quảng Ngãi đã tập trung quan tâm, bố trí nguồn lực để thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ du lịch đồng bộ, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: cảng Bến Đình, cầu và đường nối từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa (cầu Trà Khúc 3); đường nối từ cầu Thạch Bích đến khu công nghiệp Tịnh Phong; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 1 và giai đoạn IIb; đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.
Việc hoàn thành, đưa cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn vào khai thác, sử dụng đã nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả khai thác tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn tạo thuận lợi đối với du khách khi đến đảo Lý Sơn.
Thời gian đến, tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai thi công một số công trình trọng điểm về giao thông, như: đường dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb (đoạn Km 69+145 - Km 76+230); đê chắn sóng cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn), cầu Trà Khúc 1 và một số hạ tầng giao thông quan trọng tại huyện đảo Lý Sơn và kết nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên.
Những công trình giao thông này sau khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, tạo liên kết vùng và mở ra không gian phát triển du lịch, đô thị, tạo cơ hội cho du lịch tỉnh Quảng Ngãi cất cánh trong tương lai.
Quảng Ngãi đã định hướng như thế nào giữa phát triển công nghiệp và du lịch? Quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong việc tránh xung đột giữa thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng và phát triển du lịch?
Quan điểm phát triển của tỉnh Quảng Ngãi phải phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Để tránh xung đột giữa thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng và phát triển du lịch, theo tôi, cần:
Làm tốt công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy hoạch; điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch phù hợp với quy hoạch được duyệt. Thực hiện công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến phát triển các ngành kinh tế khác và cuộc sống người dân.
Trong trung hạn và dài hạn, sẽ tập trung phát triển công nghiệp nhanh, bền vững, hài hòa theo cả chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu làm hướng chủ đạo; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững, trong đó có phát triển du lịch.
Thực hiện tốt chức năng hỗ trợ lẫn nhau giữa phát triển công nghiệp và du lịch, trong đó xác định triển công nghiệp sẽ tạo nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và ngược lại. Du lịch phát triển là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh.