Du lịch Hà Giang phục hồi mạnh mẽ, vượt lên đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.

Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu. Năm 2021, với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước đã khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn các tỉnh, thành trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với Hà Giang, trong năm 2021, lượng khách du lịch đạt 900.000 lượt (đạt 53% chỉ tiêu kế hoạch, giảm 40% so với năm 2020), trong đó khách quốc tế là 4.500 lượt, khách nội địa 895.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.620 tỷ đồng đạt 65,4% so với năm 2020.

Du lịch Hà Giang phục hồi mạnh mẽ, vượt lên đại dịch Covid-19 - 1

Du khách trở lại Hà Giang ngày càng đông trong thời gian qua

Đầu năm 2022, ngay sau khi đại dịch Covid - 19 được kiểm soát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch 279/KH-UBND ngày 19/11/2021. Qua đó, một loạt chương trình, nhiệm vụ nhằm kích cầu du lịch, ra mắt sản phẩm du lịch mới, xúc tiến quảng bá được Sở VHTT&DL tham mưu, chủ trì triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Trong quý I, tỉnh Hà Giang đón khoảng trên 500.000 lượt khách với doanh thu đạt trên 900 tỷ đồng.

Đặc biệt tỉnh Hà Giang đã cho ra mắt một số sản phẩm du lịch như: “Hành quân theo bước chân anh”, Marathon “Hành trình biên cương Xanh”, với trải nghiện vô cùng ý nghĩa, tạo được hiệu ứng tích cực, ấn tượng sâu sắc đối với du khách khi tham gia chương trình.

Cùng với đó, Hà Giang triển khai chương trình kích cầu du lịch gắn với xây dựng thương hiệu “Hà Giang - an toàn - bản sắc - thân thiện”. Chương trình nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo dựng hình ảnh, vị thế, uy tín của du lịch Hà Giang đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội hóa, gắn với vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp, người dân và du khách trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Hà Giang thân thiện, mến khách.

Các hình thức thực hiện hoạt động kích cầu bao gồm, thông qua các chính sách ưu đãi, giảm giá nhằm tăng cường thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hà Giang. Đối tượng tham gia vận động trong chương trình là các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang: Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải phục vụ du lịch; Cơ sở lưu trú du lịch; Cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch; Điểm du lịch có bán vé tham quan; Cơ sở kinh doanh mua sắm; Cơ sở sản suất sản phẩm nông sản hàng hóa, sản phẩm đạt chuẩn OCOP; Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch khác trên địa bàn và các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch trong cả nước.

Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến, văn hóa Hà Giang cũng được tổ chức ở nhiều nơi như: Tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM năm 2022, Tuần văn hóa, du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội tại thủ đô Hà Nội và Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai gắn với đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia..., với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan và có được những trải nghiệm thú vị. Đặc biệt các hoạt động du lịch Hà Giang đã được nhiều kênh truyền thông uy tín trong và ngoài nước, các trang mạng xã hội truyền tải và đánh giá cao.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm 2022 ngành đã tham mưu cho UBND triển khai một loạt các nội dung, chương trình xúc tiến quảng bá thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức; tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giảm giá vé tham quan; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong ngành du lịch hưởng chế độ ưu đãi vay vốn ngân hàng cũng như miễn giảm thuế, phí; triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các khu/ điểm du lịch…

Đặc biệt, cho đến nay, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành 92% tỷ lệ tiêm vac xin phòng Covid-19, hệ thống giao thông kết nối tới các điểm du lịch được nâng cấp..., đã tạo sự an tâm, an toàn và hài lòng cho du khách khi đến với Hà Giang. Chỉ riêng trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua tỉnh Hà Giang đã thu hút trên 66.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trong đó có trên 425 khách quốc tế. Tổng doanh thu ước đạt 120 tỷ đồng.

Với những nỗ lực Hà Giang đã và đang triển khai để khôi phục lại ngành du lịch, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đã có chiều hướng tăng dần trở lại. Các cơ sở dịch vụ du lịch, lưu trú đã triển khai chuẩn bị chu đáo, đầy đủ nguồn lực chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa dành cho du khách đến với Hà Giang vào tất cả các ngày trong tuần và dịp nghỉ lễ, tết.

Theo ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch HHDL tỉnh Hà Giang cho biết: hiện tại các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, khách sạn mật độ khách sử dụng dịch vụ những ngày cuối tuần đạt trung bình 80 %, một số cơ sở đạt 100 %. Đặc biệt, trong những ngày lễ, ngày nghỉ 30.4 và 1.5 lượng khách du lịch đến với Hà Giang tăng rất cao, các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh gần như đã được du khách, các đơn vị lữ hành đặt kín dịch vụ. Trong đó, tín hiệu rất mừng đó là lượng khách đến từ các nước như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản..., đã bắt đầu quay trở lại với Hà Giang.

Với những nỗ lực không ngừng của cả tỉnh, đã và đang khẳng định, thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu đưa du lịch Hà Giang phát triển mạnh mẽ trở lại sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sẵn sàng chào đón du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Giang - mảnh đất hùng vĩ, bản sắc và thân thiện.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương An (Báo Hà Giang)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!