Du lịch đối mặt với khủng hoảng: Những điều không bình thường
Không ai ngờ được, qua những ngày sóng gió vì đại dịch Covid-19, du lịch trở lại còn khó khăn hơn. Nhu cầu du lịch của khách tăng đột biến trong khi nhân lực của ngành nhảy việc, nghỉ việc quá nhiều, chưa kịp trở lại; giá nguyên liệu, dịch vụ đầu vào tăng; nhiều dịch vụ chưa mở lại... khiến ngành Du lịch những ngày này đang đối mặt với khủng hoảng thiếu trầm trọng.
Nhu cầu của khách du lịch nội địa rất cao trong thời điểm này
Chưa hoàn hồn vì những tháng ngày cả ngành Du lịch tê liệt, hơn 2 năm dịch bệnh không hoạt động, dường như không có khách, đến giờ, tất cả lại nháo nhào vì khách đông, không biết đón thế nào.
Thay đổi để phù hợp
Những ngày đầu tháng 5, ngay sau dịp lễ 30.4 - 1.5, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Công Ty TNHH Thương mại và Du lịch quốc tế Thiên Phước khai trương nhà hàng ở Hạ Long. Và chỉ trong một thời gian chưa đầy 1 tháng, ông Hậu liên tiếp khai trương 2 khách sạn ở Quy Nhơn và Hạ Long, 5 tàu tham quan trên vịnh Hạ Long. Sự trở lại này, theo ông Hậu là đã chờ đợi quá lâu. “May mắn là trong suốt thời gian dịch bệnh, chúng tôi đã cố gắng để không gục ngã và chuẩn bị cơ sở vật chất, mở thêm các dịch vụ mới, cơ sở mới. Đến giờ, nhờ có sự chỉ đạo của ngành Du lịch, của các địa phương, hoạt động du lịch được kích hoạt ở nhiều nơi, nhu cầu của khách du lịch cũng dần trở lại và có những bước chuyển biến tốt hơn nhiều so với năm trước”, ông Hậu chia sẻ.
Tuy nhiên, sau 2 năm đại dịch cả về bên cung cấp dịch vụ và khách du lịch cũng có thay đổi lớn. Nhiều khách sạn, nhà hàng đến nay vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại, nhân sự về du lịch thuyên giảm nhiều và nhu cầu đi du lịch của khách hàng cũng thay đổi liên tục... Tất cả những điều đó khiến các công ty du lịch cũng phải thay đổi chiến lược, kế hoạch kinh doanh để phù hợp với thị trường.
Để giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi mở cửa du lịch ông Hậu cho rằng, các công ty cần thay đổi chiến lược để phù hợp với thị trường, nhu cầu của khách. Đặc biệt là khi thị trường hiện nay chủ yếu là khách nội địa và chuẩn bị đón khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách Việt Nam ra nước ngoài (outbound). Sự thay đổi là không thể tránh khỏi nếu muốn tồn tại và buộc phải làm nổi bật sản phẩm, tiếp cận với khách hàng qua nhiều trang thông tin. Các công ty đã sử dụng công nghệ 4.0 nhiều hơn, áp dụng các hình thức quảng bá sản phẩm hiệu quả nhất, mang tới cho khách hàng cái nhìn chân thật nhất về sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã thay đổi cách tiếp cận khách hàng, tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu của khách hàng trong tình hình mới này để đưa ra sản phẩm phù hợp nhất. Muốn thế, doanh nghiệp du lịch đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, đào tạo theo đúng chuẩn. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng khác là liên kết để tạo ra các dịch vụ hoàn thiện, chất lượng cao.
Ông Phạm Văn Huynh, chủ tàu Hải Thành 68, 36,19 một trong những đối tác hợp tác của ông Nguyễn Tiến Hậu kể: “Có những chuyện, đến bây giờ chúng tôi không muốn nhắc lại. Năm 2019, tôi có 2 tàu tham quan trên vịnh Hạ Long, đang làm ăn rất tốt, đông khách, làm không hết việc thì dịch ập đến. Tôi và gia đình gắng gượng đến lúc không cố được nữa. Tôi phải bán đi một tàu, quê không dám về, ngày nào ngân hàng cũng gọi điện thoại đòi nợ... Không có ăn nhưng tôi quyết giữ lại một con tàu vì nghĩ rằng chỉ có cách này tôi mới có thể lấy lại những gì đã mất. Đến giờ, chúng tôi đã liên kết với nhau và hình thành một đội khoảng hơn chục tàu, chuyên tham quan vịnh Hạ Long. Khách du lịch hiện nay đã đông trở lại, cả ngày thường và cuối tuần”.
Thích ứng không phải dễ
Ông Nguyễn Tiến Linh, Giám đốc Công ty du lịch Viettadi cho biết: “Lúc dịch, du lịch như “đóng băng” thì chỉ mong được trở lại, nhưng khi trở lại cũng không dễ. Khách hàng thay đổi nhu cầu, tâm lý lo ngại dịch bệnh. Khách nào cũng thích giá rẻ, dịch vụ chất lượng cao, ngày giờ đẹp, hoàn hủy bất kỳ lúc nào... Rất nhiều khách hỏi giá tour, hỏi dịch vụ. Mỗi lần như thế, chúng tôi phải “bò” ra làm dự toán, hỏi dịch vụ hết nơi nọ đến nơi kia xem ngày đó còn dịch vụ không, hướng dẫn viên có không, dịch vụ đã mở hết chưa... Làm xong, khách cảm ơn, không mua tour nữa. Nhiều chương trình, dự toán giá rẻ vì dịch vụ thay đổi nhưng chưa kịp cập nhật, giá thật cao hơn nhiều, đến mức lỗ nhưng vẫn phải làm để giữ khách. Rất nhiều công ty gần như phải bắt đầu lại từ đầu, vốn thiếu, người không có, cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ thì lơ mơ, muốn ứng dụng, muốn chuyển đổi số cũng không biết làm thế nào. Nói thật, muốn thích ứng cũng không phải dễ”.
Các công ty du lịch thường nói vui rằng, khách nội địa mua tour, dịch vụ du lịch giống như đi chợ, vừa đi vừa mặc cả, khảo giá, với thị trường này, giá nào cũng bán, giá nào cũng mua; với thị trường outbound, giống như đi siêu thị, giá ấn định, nói thế nào mua thế ấy, tùy theo giá tiền để chọn mặt hàng; với thị trường inbound, khách hàng như đi mua hàng hiệu, tìm hiểu rất kỹ nhãn hàng, thương hiệu và tin tưởng vào hãng mình đã chọn.
Theo nhiều doanh nghiệp, trong tình hình hiện nay, khi phần lớn thị trường vẫn là nội địa và cần thúc đẩy mạnh hơn thu hút khách quốc tế, việc quảng bá xúc tiến du lịch từ trung ương, các địa phương, doanh nghiệp cần phải thay đổi để tiếp cận các thị trường và trúng vào các thị trường tiềm năng, trọng điểm của Việt Nam. Cụ thể là trung ương có chiến dịch quảng bá chung và hỗ trợ để doanh nghiệp, địa phương tham gia vào chương trình đó. Các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp cần kết hợp các khuyến mại, tạo thành những combo, ưu đãi cho các sản phẩm, làm cho khách hàng thấy được những điểm nổi bật từ sản phẩm, kết hợp marketing rộng rãi để quảng bá sản phẩm tốt nhất tới khách hàng. Đặc biệt các cơ quan xúc tiến du lịch cần tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0, đầu tư về hình ảnh, video quảng bá trên các báo chí truyền thông chính thống và phương tiện mạng xã hội để đi theo kịp thời đại và tiếp cận nhiều khách hàng nhất.
Nhiều công ty du lịch lữ hành lớn tại TP.HCM cho biết nhu cầu du lịch hè tăng cao, lượng khách tham khảo và mua tour tăng vọt....