Đổi thay của Đà Lạt trong mắt hướng dẫn viên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

"Đà Lạt đã có đèn giao thông và thay đổi nhiều từ cảnh quan đến con người", hướng dẫn viên Ngọc Thi nói về thành phố mù sương.

Thông thường khi đoàn sắp vào trung tâm thành phố Đà Lạt, đa phần các hướng dẫn viên, kể cả Thi sẽ nói về những cái "Không" độc đáo của thành phố này: không có đèn giao thông, không có cảnh sát đứng ở các ngã tư... Nhưng nay, mọi thứ đã khác.

Đà Lạt lần đầu tiên có đèn giao thông

Trước đây, du khách địa phương khác khi đến Đà Lạt rất ngạc nhiên vì thành phố này điều tiết giao thông dựa vào ý thức con người, chứ không phụ thuộc vào cảnh sát và hệ thống đèn. Theo quan sát của Thi và cả đoàn khách, người dân luôn nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy mọi người di chuyển với tốc độ đều đều, chứ không quá nhanh. Đối với du khách, đây là cơ hội để họ sống chậm lại, thưởng ngoạn vẻ đẹp của thành phố ngàn hoa, của tình yêu qua lời kể chuyện của hướng dẫn viên.

Đổi thay của Đà Lạt trong mắt hướng dẫn viên - 1

Đèn giao thông đầu tiên được lắp đặt trong thành phố ngày 5/10. Ảnh: Khánh Hương

Cá nhân Thi cho rằng mặc dù cái "Không" này khiến Đà Lạt khác biệt nhưng hiện tại, thành phố này đã và đang thu hút nhiều người từ các tỉnh khác đến mưu sinh. Do đó, một phần ý thức giao thông tốt đẹp của người dân bị thay thế bằng những cú phóng nhanh vượt ẩu bằng xe máy. Lý do tại sao lại có cái "Không" này là bởi địa hình dốc thoải. Tuy vậy, hiện tại, không ít nơi ở thành phố đã được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại với các con đường được đôn bê tông cao gần mặt đường. Dường như Đà Lạt của hôm nay gần giống một thành phố bất kỳ nào khác.

Có chút luyến tiếc nhưng khi so sánh với Thái Lan, Thi cho biết chúng ta nên học tập và thay đổi để thích nghi với thực tế. Trong thời gian làm du lịch ở Thái Lan từ 2013 đến 2018, Thi nhận thấy, cảnh sát giao thông hiếm khi xuất hiện trên phố, nhưng sẽ xuất hiện ngay lập tức nếu người dân hay du khách cần. Họ chủ yếu giám sát bằng camera và nhận thông tin từ các nhóm xe ôm được phân bổ khu vực hoạt động.

Khí hậu dần thay đổi

Với Thi, từ 2013 trở đi, Đà Lạt bắt đầu nóng dần lên, không còn cái lạnh đặc trưng khi anh cùng bạn gái trở lại đây tham quan. Còn Tuấn Linh, hướng dẫn viên sinh ra ở Đắk Lắk nhưng chọn Đà Lạt để học tập và làm việc, cho biết cái không điều hòa hiện tại đã không còn là nét đặc trưng của Đà Lạt nữa vì nhu cầu sinh hoạt của người dân tăng cao. Dân số đã tăng lên so với trước kia, nhu cầu của mỗi người khác nhau. Có người càng lạnh họ càng thích.

Đổi thay của Đà Lạt trong mắt hướng dẫn viên - 2

Tuấn Linh (phải, ngoài cùng) chụp cùng đoàn khách tham quan Đường hầm điêu khắc. Ảnh: Tuấn Linh

Đà Lạt nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, đây là một thành phố ôn đới ở giữa lòng nhiệt đới nên nhiệt độ trung bình 15-25 độ C. Người dân có ý thức tiết kiệm, sống đơn giản. Ở đây không có những tòa nhà chọc trời, chỉ có một số khách sạn cao cấp để tổ chức hội nghị lớn, đông người mới dùng đến điều hòa.

Vì đặc thù 6 tháng mùa khô 6 tháng mùa mưa, Đà Lạt thường xuyên xuất hiện sương muối. Vì vậy để nâng cao hiệu quả, cũng như năng suất cây trồng, nông dân Đà lạt đã phải phát triển mô hình nhà lồng, nhà kính nhằm mục đích điều tiết lượng nước cũng như tránh tình trạng sương muối làm hư hại cây trồng. Thời gian cứ thế trôi, nhà lồng nhà kính mọc lên khắp các quả đồi, thung lũng. Nếu bạn đứng từ trên cao nhìn xuống đâu đâu cũng nhà lồng, nhà kính hiện hữu không chỉ những vùng ven mà còn ngay cả ở trung tâm thành phố. Chính vì thế chính quyền Đà Lạt đang đau đầu tìm cách phá dỡ nhiều nhà lồng vì chúng liên quan đến đất rừng nhưng phải làm sao cân bằng được giữa lợi ích kinh tế của người dân và phát triển cảnh quan đô thị.

Còn nhiều "hạt sạn" nhưng vẫn yêu Đà Lạt

Bắt đầu dẫn đoàn từ năm 2016, không ít lần du khách than phiền với Linh vì tình trạng kẹt xe ở Đà Lạt vào cuối tuần. Linh phải phân trần, đông đảo du khách đến đây là vì họ thích không khí mát mẻ và cảnh đẹp nhưng khi đến Đà Lạt, đường nhỏ, khúc cua nhiều, bác tài đã quen cách sống vội vã nên cố chen qua những ngã ba, ngã tư. Thế là, họ tạo ra một điều không đẹp ở Đà Lạt.

Thêm một điều làm Linh mất mặt trước du khách là Đà Lạt bây giờ nổi tiếng với nạn chèo kéo, chặt chém. Và một thực tế phải thừa nhận rằng ngày càng có nhiều du khách thiếu ý thức khi hái hoa, bẻ cành đào và xả rác bừa bãi khiến người dân Đà Lạt lắm lúc không còn hào hứng tiếp đón.

Tuy vậy, người ta vẫn yêu Đà Lạt bởi nét buồn man mác vì cái tiết trời se se lạnh, mù sương, có khi gặp mưa phùn hay những cơn mưa không lớn nhưng cứ rả rích cả ngày. Đó là lúc lý tưởng để bạn tìm đến hơi ấm bên lò sưởi, hoặc bếp than hồng cùng trái bắp nướng, ly sữa đậu nành nóng hổi, hoặc nhâm nhi cốc rượu sau khi dùng lẩu.

Đổi thay của Đà Lạt trong mắt hướng dẫn viên - 3

Đà Lạt vẫn thu hút du khách bởi tiết trời mát mẻ, khung cảnh sương phủ trên những đồi thông. Ảnh: Quý Sài Gòn

Hiện tuyến cao tốc Liên Khương - Dầu Giây đang được cải tạo. Thay vì hơn 6 tiếng, du khách có thể di chuyển tầm 3,5 tiếng từ TP HCM lên Đà Lạt. "Rất cần phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ven thành phố để giảm tải lưu lượng giao thông vào trung tâm", đó là những gì những người làm du lịch như Thi, Linh và cả du khách thập phương mong đợi. Trong tâm trí họ, Đà Lạt vẫn là thiên đường nghỉ dưỡng, nơi lưu giữ ký ức đẹp bên các công trình kiến trúc Pháp trường tồn hơn cả trăm năm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thanh Thu (Vnexpress)