Địa đạo Củ Chi - một kỳ tích có thật

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dù được nghe nhiều điều về địa đạo Củ Chi, du khách có đến tận nơi, mắt thấy tai nghe mới thấy hết sự thú vị, độc đáo của di tích lịch sử này.

"Tam giác sắt của một thời,

Mưa bom bão đạn vẫn ngời niềm tin.

Đất chở che, đất giữ gìn,

Mấy tầng địa đạo muôn nghìn chiến công".

(Về Củ Chi - Đỗ Xuân Thu)

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược gian khổ, hào hùng ấy vẫn còn vang vọng mãi trong những vần thơ và câu hát về niềm tự hào, sự thiêng liêng của mảnh đất Củ Chi - nơi được mệnh danh với tên gọi "đất thép thành đồng". Và dù có nghe nhiều điều về địa đạo thì du khách có đến tận nơi, mắt thấy tai nghe mới thấy hết sự thú vị, độc đáo của di tích lịch sử này.

Cách trung tâm TP.HCM 70 km về phía Tây Bắc, địa đạo Củ Chi là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, được bảo tồn tại khu Bến Dược, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Địa đạo là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa, một hệ thống phòng thủ trong lòng đất với tổng chiều dài khoảng 250 km đường hầm chạy dọc theo trục "xương sống" tỏa ra thành nhiều nhánh kết nối thông nhau, có nhánh đổ tận ra sông Sài Gòn; bao gồm các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, hầm chỉ huy, hội họp, ăn, ngủ, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm…

Địa đạo Củ Chi - một kỳ tích có thật - 1

Đường dẫn vào tham quan địa đạo.

Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi được cả nước và thế giới biết đến, đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành địa danh nổi tiếng trên thế giới.

Những kỳ tích có thật từ địa đạo như một thách thức vượt qua mọi sự tưởng tượng của con người. Chỉ cần đến đây, bước những bước đầu tiền trong đường hầm, du khách sẽ hiểu vì sao người dân Củ Chi phải tựa vào mảnh đất Củ Chi bằng đôi tay và cuốc xẻng, chiến đấu ròng rã suốt 21 năm để giành thắng lợi oanh liệt trước đế quốc hùng mạnh như Mỹ, viết nên một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20.

Địa đạo Củ Chi không mang dáng vẻ kỳ vĩ như những kỳ quan Kim Tự Tháp, Angkor Wat… nhưng địa đạo là một công trình ngầm kỳ vĩ trong lòng đất với tổng chiều dài trên 250 km được đào bằng tay trần và cuốc xẻng. Một cuộc sống kỳ lạ đã tồn tại hàng chục năm trong lòng đất với đầy đủ khái niệm của sự sống: Sinh con, học hành, bệnh xá, kho vận… Điều không bình thường ở đây là: Vòm trời trên đầu và mặt đất dưới chân chỉ cách nhau 3-8m.

Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được bom đạn và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Mọi chỗ lên xuống giữa các tầng hầm đều được ngụy trang kín đáo, có nắp hầm bí mật. Những lỗ thông hơi được bố trí chạy dọc theo đường hầm thông lên mặt đất bằng nhiều ô cửa bí mật. Xung quanh địa đạo được bố trí nhiều ô chiến đấu, ụ súng bắn tỉa, hầm chông, hố đinh… là những cái bẫy vô hình tiêu diệt kẻ thù.

Dựa vào hệ thống đường ngầm, chiến hào, công sự mà những chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công hiển hách, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Những toán quân Mỹ lần đầu vào Củ Chi vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm ác, đã phải thốt lên: "Làng ngầm", "Mật khu nguy hiểm"…

Có trực tiếp khom người, hay trườn mình qua những đoạn đường hầm dưới lòng đất, tận mắt nhìn thấy mọi hiện vật, cũng như khung cảnh chân thực của cuộc sống được tái hiện cách đây hơn 40 năm du khách mới cảm nhận được những khó khăn, hi sinh vất vả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc.

Địa đạo Củ Chi - một kỳ tích có thật - 2

Đền Bến Dược.

Hay lặng người bên đền Bến Dược, nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc. Đền là quần thể kiến trúc mang tính đặc thù dân tộc, hiện đại trang nghiêm, trong đó tháp 9 tầng cao 39 m, uy nghiêm giữa nền trời xanh thẳm.

Trong đền tưởng niệm có ghi đầy đủ họ tên của 44.357 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong các cuộc kháng chiến giải phóng bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trên 632 tấm đá hoa cương. Đền tưởng niệm được những nhà kiến trúc, những nhà xây dựng và những người tâm huyết kiến tạo, thành quần thể kiến trúc hài hòa, thoáng đãng mang bản sắc văn hóa Việt một cách tinh tế, dịu dàng như tâm hồn dân tộc Việt.

Với giá trị lịch sử và tầm vóc chiến công hiển hách, địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia vào ngày 29/04/1979. Nơi đây là điểm hẹn truyền thống của thế hệ hôm nay và mai sau, cũng như niềm cảm kích, kính phục của bè bạn thế giới khi đến thăm địa đạo Củ Chi anh hùng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Trung Dũng