Di tích Mộ 3.000 người ở Bình Phước và điều ước Tháng 4

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ và thống nhất đất nước, Bình Phước là chiến trường hết sức ác liệt, chỉ sau Quảng Trị.

Cuối tháng 4, về Bình Phước. Ký ức chảo lửa An Lộc 51 năm trước ùa về với bao cảm xúc. 3.000 đồng bào đã nằm xuống trên mảnh đất nhỏ bé An Lộc. Họ đã chết cho chúng ta có cuộc sống hôm nay. Tự dưng xấu hổ vì lắm lúc mình đã kèn cựa, hơn thua, không dám là mình trước những tiêu cực.

Viếng di tích Mộ 3.000 người như được tiếp thêm nghị lực, để sống tốt hơn, không phụ lòng những người đã hiến dâng cả đời mình cho tổ quốc.

Di tích Mộ 3.000 người ở Bình Phước và điều ước Tháng 4 - 1

Đài tưởng niệm di tích mộ 3.000 người. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

 Quốc lộ 13, mở từ thời Pháp thuộc, tổng chiều dài 2.661km, xuyên Đông Dương; qua Việt Nam 141km (từ Sài Gòn đến của khẩu Hoa Lư); Campuchia 593km (đổi tên là quốc lộ 7, từ của khẩu Trapeang Sre đến Trapeang Kriel); Lào 1.417km (từ của khẩu Nong Nokhiane đến Boten). 

Ở Việt Nam, quốc lộ 13 qua TP.HCM (10km), Bình Dương (69km), Bình Phước (62km); là huyết mạch giao thương quan trọng, một phần của đường Hồ Chí Minh, điểm cuối ở Bình Phước; nối với Campuchia. Từ TP.HCM đi Vientienne theo Quốc lộ 13, đường bằng, dễ đi và ngắn hơn gần 300km so với đi của khẩu Bờ Y (Kon Tum).

Sau 4 năm đàm phán, hội nghị Paris (Pháp) ngày càng căng thẳng. Để tạo lợi thế; quân Giải phóng mở nhiều cuộc tấn công tổng lực. Bình Phước và Quảng Trị là trọng điểm. Ngày 5/4/1972, chiến dịch Nguyễn Huệ khai hỏa. Hai ngày sau, giải phóng Lộc Ninh, bao vây An Lộc và Bình Long. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa kháng cự quyết liệt. Hai bên giằng co. Quốc lộ 13 thành đại lộ bom đạn.

Quân Giải phóng gồm bộ đội chủ lực, tăng, pháo, tên lửa vác vai, cao xạ; bộ đội miền, tỉnh đội, du kích, dân quân và cả dân công, quyết giành chiến thắng; mở rộng vùng giải phóng; gây tiếng vang quốc tế, tạo lợi thế đàm phán và chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh 3 năm sau. Làm chủ đường 13 để bảo vệ vùng giải phóng Lộc Ninh, thủ phủ chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Di tích Mộ 3.000 người ở Bình Phước và điều ước Tháng 4 - 2

Mộ tập thể 3.000 người đã nằm xuống trên mảnh đất nhỏ bé An Lộc. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa huy động các lực lượng bộ binh (thủy quân lục chiến, nhảy dù, biệt kích, dịa phương quân, cảnh sát, phòng vệ dân sự); pháo binh; thiết giáp và không quân; tìm cách cố giữ bằng được Bình Long, vì “mất Bình Long, không chỉ mất Sài Gòn mà mất cả miền Nam”. An Lộc thành chảo lửa tàn khốc.

Suốt 32 ngày đêm (13/4 – 15/5/1972), quân Giải phóng chiếm An Lộc và cố thủ. Quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công quyết liệt, hết đợt này sang đợt khác đều bị bẻ gãy. Phản kích thất bại, đối phương huy động không quân, ném bom tổng lực, hủy diệt An Lộc.

Bom đạn, không chừa ai, không chọn phe, ra sức công phá, xới tung từng mét vuông đất; đánh sập bệnh viện An Lộc, nơi rất nhiều người dân tập trung lánh nạn, tránh pháo và binh lính Việt Nam Cộng Hòa đang điều trị.

An Lộc người chết ngổn ngang, chồng chất. Thân xác trộn lẫn gạch, đất, bom đạn; không thể chôn cất từng người. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải dùng xe ủi đất, ủi bốn rãnh lớn, gom các xác chết thành mộ chung trên 3.000 người. Đây là mộ tập thể của nhiều người nhất ở Việt Nam.

Di tích Mộ 3.000 người ở Bình Phước và điều ước Tháng 4 - 3

Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Sau ngày 23/3/1975, những người sống sót chạy về lại An Lộc, dựng lại nhà cửa từ những đống gạch vụn. Bà con lập mộ tập thể; thờ cả anh linh liệt sĩ (quân giải phong), chiến sĩ trận vong (quân đội Việt Nam Cộng Hòa) và chư đẳng chúng cô hồn (dân thường). Mộ đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình, khói nhang thường nhật.

Ngày 1/4/1985, mộ tập thể được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngày 1/7/2013, khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích mộ tập thể 3.000 người tại chiến trường xưa An Lộc.

Di tích rộng 4.309 m2, gồm đài tưởng niệm cao 12m6 m bằng đá hoa tự nhiên. Khu mộ rộng 3m79; dài 13m5, cao 0m9; thành mộ bằng đá khối. Lầu hóa vàng 1,6 m2. Nhà bia tưởng niệm 18 m2. Nhà nghỉ chân 30 m2. Nhà đón tiếp 202 m2…

Tôi cực kỳ ấn tương với “Bia dẫn tích”, tóm tắt khách quan sự kiện. Không o ép căm thù hay tự hào chiến thắng. Cảm xúc tùy góc nhìn mỗi người. Thay lời muốn nói, tấm bia thể hiện tính nhân văn về quá khứ đau thương của dân tộc Việt Nam, không riêng ai, không phân biệt chinh kiến.

Di tích Mộ 3.000 người ở Bình Phước và điều ước Tháng 4 - 4

Trường Quốc Quang chi chít vết đạn bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Tôi ao ước có tháp chuông tương xứng để du khách gần xa đến viếng, gióng chuông hòa bình, tưởng nhớ vong linh người Việt đã ngã xuống để chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước.

Tôi cũng ước có phim tài liệu về sự kiện bi thảm An Lộc và tổ chức sinh hoạt, cầu siêu định kỳ vào các ngày rằm hàng tháng. Ngày 15/5 giỗ chung.

Tôi cũng mong di tích Trường Quốc Quang (hiện bỏ hoang) và tượng chúa Kito Vua bị mất đầu trong khuôn viên trường Tiểu học An Lộc A; cách đó không xa; được kết nối với di tích Mộ 3.000 người, thành điểm đến nghĩa tình, sâu lắng của mọi người khi đến Bình Phước; đặc biệt là du khách.

Di tích Mộ 3.000 người ở Bình Phước và điều ước Tháng 4 - 5

Hoàng hôn Bình Phước tháng 4. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Khuôn viên di tích hài hòa, trang nghiêm nhưng thiếu hoa. Chỉ cần các nhóm khách, các đoàn thể khi đến viếng, thay vì đặt vòng hoa thì tặng chậu hoa. Tuyệt đối cấm kể công. Cần trồng thêm nhiều hoa quanh ngôi mộ. Không để các vòi nước tưới tự động trên phần mộ, rất phản cảm.

Cần sưu tầm thêm hiện vật của người trong cuộc, nhất là dân thường và phục dựng vài tiểu cảnh bi tráng của sự kiện.

Cuối tháng 4, về Bình Phước. Ký ức chảo lửa An Lộc 51 năm trước ùa về với bao cảm xúc. 3.000 đồng bào đã nằm xuống trên mảnh đất nhỏ bé An Lộc. Viếng di tích Mộ 3.000 người như được tiếp thêm nghị lực, để sống tốt hơn, không phụ lòng những người đã hiến dâng cả đời mình cho tổ quốc.

Càng hiểu hơn giá trị hòa bình và trân quí hơn cuộc sống. Phải làm tất cả để chiến tranh đừng xảy ra, “bởi chiến tranh đâu phải trò đùa” (Phạm Minh Tuấn).

Có người bảo, các di tích Hang Tám Cô (Quảng Bình), Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An) chỉ mươi người hy sinh mả cả thế giới biết. Lẽ nào Mộ 3.000 người, cách TP.HCM 98km mà rất nhiều người Việt chưa một lần nghe nói? Rất nhiều người đi ngang, thậm chí qua đêm ở Bình Phước mà không hay. Người đã khuất không dòi hỏi gì nhưng người sống phải có trách nhiệm.

Không bao giờ được quên.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!