Đề án Phố đêm Chợ Lớn: 'Hy vọng, nhưng có chút hoài nghi'
Mới 18 giờ, các con đường quanh chợ Bình Tây như: Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình thuộc Q.6, TP.HCM đã tối om, rác tràn ra ngoài lộ.
Một số người dân kinh doanh đêm trước chợ lắc đầu ngao ngán và cho hay “hơn 3 năm về trước ở đây cũng làm chợ đêm nhưng vài tháng thì vắng hoe, cuối tuần may ra mới có khách. Nay lại có thêm đề án Phố đêm Chợ Lớn, không biết duy trì bao lâu”.
Chính quyền hỗ trợ, nhưng…
Vừa qua, UBND TPHCM vừa chính thức chấp thuận chủ trương triển khai thí điểm đề án Phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch tại Quận 6. Dự kiến, Phố đêm Chợ Lớn sẽ hoạt động từ 18 – 24 giờ hằng ngày tại không gian vỉa hè của 4 tuyến đường: Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình (xung quanh chợ Bình Tây, từ đường Nguyễn Xuân Phụng đến đường Chu Văn An).
Kinh tế đêm trước chợ Bình Tây đã phát triển từ 3 năm về trước nhưng giờ thì vắng hoe
Điều này đã khiến người dân không khỏi vui mừng, song có chút hoài nghi. Bởi, hơn 3 năm về trước, chính quyền Quận 6 cũng có xây dựng sự kiện văn hóa – kinh tế đêm trước chợ Bình Tây. Thời gian đầu, rất nhiều tiểu thương tham gia mua bán với đa dạng mặt hàng, từ trà sữa, trái cây tô, xiên que đến quần áo đồ lưu niệm, trang sức… Tuy nhiên, chỉ mới hơn 3 tháng rất nhiều người đã trả mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm.
Đường Lê Tấn Kế vào lúc 18 giờ ngày 23/10
Tối ngày 23/10, phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM, có đến chợ Bình Tây và thấy rằng chỉ còn lác đác vài chiếc xe bán nước trái cây, xiên que. Các con đường quanh chợ Bình Tây như: Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình thuộc Quận 6, TP.HCM đã tối om, rác tràn ra ngoài lộ.
Theo nhiều người dân quanh chợ Bình Tây, phải đến hơn 21 giờ, rác mới được dịch vụ công ích dọn dẹp
Khu vực chợ Bình Tây về đêm không một bóng người
Ngồi tần ngần nhìn ra con đường vắng hoe, cô Đỗ Thị Thanh, tiểu thương kinh doanh đồ ăn, thức uống trước chợ Bình Tây than thở: “3 năm về trước chính quyền địa phương phát triển kinh tế đêm tại đây. Họ hỗ trợ người dân từ việc thuê mặt bằng đến sắp xếp gian hàng. Thời gian đầu, tình hình mua bán ổn định, nhưng chỉ sau 3 tháng mọi thứ đã thay đổi, có những ngày tôi bán chỉ được vài trăm ngàn đồng, không đủ tiền trả nhân viên và mặt bằng”.
Trước cửa chính chợ Bình Tây, cô Thanh bán từ 6 giờ đến 22 giờ với mô hình xe bán hàng lưu động, mang màu sắc nổi bật.
“Những ngày đầu tôi bán đắt lắm. Tiền lãi vài triệu đồng/ngày, nhân viên hơn 6 bạn (lương 7 triệu đồng/người - PV). Con tôi phải đầu tư thêm vài chiếc xe lưu động dựng kế bên mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Nhưng giờ thì… chỉ còn lại một chiếc xe ô tô, nhân viên cắt giảm còn 3 bạn”, cô Thanh nói.
Một số tiểu thương kinh doanh đêm cầm cự qua ngày
Nhân viên cô Thanh pha chế nước uống cho khách
Khi nghe Đề án Phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch tại Quận 6, cô Thanh cảm thấy vui mừng, nhưng cũng rất mong muốn chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh. Đề xuất tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí để thu hút khách hàng. Mong muốn có sự đa dạng về mẫu mã, màu sắc của các gian hàng để tạo nên sự thu hút.
“Trước đây, vào thứ 6 và Chủ nhật có chương trình ca nhạc, giao lưu với nhau nhưng dần họ cũng cắt bớt vì kinh tế khó khăn, ít khách. Cũng từ đó, không khí nơi đây vào buổi tối rất tẻ nhạt. Vào những buổi tối đầu tuần số lượng đồ ăn, thức uống tôi bán được rấp thấp”, cô Thanh chia sẻ.
Về Đề án Phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch tại Quận 6. Trong đó, điểm nhấn của Phố đêm là khu Sáng tạo với 14 gian hàng xe bán hàng nhanh với đầy đủ quầy, kệ, tủ để chế biến phục vụ ẩm thực; khu Bản sắc Sài Gòn - Chợ Lớn gồm 9 xe gian hàng đẩy tay với thiết kế đậm chất văn hóa truyền thống của khu Chợ Lớn xưa; khu Năng động có 18 xe gian hàng đẩy tay cho các ngành hàng văn hóa phẩm, đồ lưu niệm, công nghệ, thời trang phong cách trẻ. |
Hy vọng...
Người ta thường ví von “TP.HCM không ngủ”, tức vào buổi tối sẽ sôi động, nhộn nhịp, nhiều người mua bán, đèn sáng rực. Nhưng đến với những con đường nằm trong Đề án Phố đêm Chợ Lớn thì ngược lại… vắng hoe, tối om. Một số tiểu thương kinh doanh đêm trước chợ Bình Tây đang “cầm cự” qua ngày.
Ngồi một góc bên hông chợ Bình Tây, chú N.V.T. (53 tuổi, ngụ Quận 8, TP.HCM) lại nhớ một thời “oanh liệt” tại nơi này.
“Trước đây, tôi kinh doanh sạp trái cây ở chợ đêm bên Quận 10. Rồi sau đó chạy sang chầu chực bên chợ Bình Tây, khi kinh tế đêm ở đây phát triển. Nhưng không ngờ, mới có vài tháng tôi đã “phá sản”, giờ cuộc sống phải trông chờ vào những cuốc xe ôm ở bến xe buýt gần chợ”, chú T. nói.
Chợ Bình Tây luôn sáng đèn, nhưng khách thì… không thấy đâu
Chú T. kể thêm: “Hồi đó tiểu thương kinh doanh đêm trước chợ Bình Tây đông lắm, bán đủ thứ đồ ăn, thức uống... Nhưng chỉ sau 3 tháng, họ trả mặt bằng, rời đi vì kinh doanh ế ẩm. Tôi thì cầm cự được vài tháng nhưng phải chịu lỗ nặng…”
Nhìn những gian hàng trước chợ Bình Tây, chú T. nói: “Về đêm, cái chợ này hết thời rồi, 18 giờ là bắt đầu vắng, đến 10 giờ không một bóng người”.
Các tiểu thương trước chợ Bình Tây mong muốn chính quyền có những “cải cách” mới trong việc phát triển kinh tế đêm
Khi nhắc đến đề án Phố đêm Chợ Lớn, chú T. rất hy vọng nhưng đâu đó vẫn còn sự hoài nghi, liệu rằng phố đến sẽ duy trì được bao lâu. “Chính quyền địa phương có hỗ trợ rất nhiều nhưng tình hình kinh tế hiện nay khó khăn liệu rằng khách vẫn đến tấp nập mỗi ngày? Hay họ có thật sự “chịu khó” đến chợ Bình Tây 2 lần một ngày…”, chú T. nói thêm.
Tổng diện tích khu Phố đêm Chợ Lớn rộng 1.510m2, được chia thành 7 phân khu chức năng với 41 gian hàng. Trong đó, điểm nhấn của Phố đêm là khu Sáng tạo với 14 gian hàng xe bán hàng nhanh với đầy đủ quầy, kệ, tủ để chế biến phục vụ ẩm thực; khu Bản sắc Sài Gòn - Chợ Lớn gồm 9 xe gian hàng đẩy tay với thiết kế đậm chất văn hóa truyền thống của khu Chợ Lớn xưa; khu Năng động có 18 xe gian hàng đẩy tay cho các ngành hàng văn hóa phẩm, đồ lưu niệm, công nghệ, thời trang phong cách trẻ. Đề án Phố đêm Chợ Lớn được xây dựng phù hợp với tiềm năng, điều kiện địa phương nhằm khai thác các lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch với nét đặc trưng riêng. Đây là khu sinh hoạt văn hóa, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch với trọng tâm là chợ Bình Tây, sẽ làm đòn bẩy để hỗ trợ phát triển hoạt động thương mại tại các tuyến đường thương mại, dịch vụ Hậu Giang- Tháp Mười, Minh Phụng-Bình Tiên, Võ Văn Kiệt… Phố đêm cũng được bố trí bãi giữ xe, sân khấu biểu diễn, nhà vệ sinh công cộng, cùng các tiểu cảnh và ánh sáng nghệ thuật để tạo nên không gian cộng đồng. Các hoạt động văn nghệ đường phố sẽ góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm cho du khách. |