Đà Lạt: Liên kết vùng trong phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm ở khu vực Tây Nguyên, Đà Lạt có rất nhiều thuận lợi để liên kết phát triển các lĩnh vực đang có ưu thế hiện nay trong đó có du lịch và sản xuất - chế biến nông sản công nghệ cao.

Đà Lạt: Liên kết vùng trong phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao - 1

Đà Lạt có một ưu thế rất lớn trong việc tổ chức các giải thể thao trải nghiệm đông người kết hợp du lịch. Trong ảnh: Các VĐV đến từ khắp nơi trong nước tham gia Giải Siêu Marathon Dalat Ultra Trail

• PHÁT HUY THẾ MẠNH

Nhiều năm nay thành phố luôn có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng hay trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản chất lượng cao rau, hoa, cà phê, chè. 

Với lĩnh vực du lịch, đến nay thành phố đã đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh; du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch gắn với tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội… Thành phố cũng đang từng bước xây dựng, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch gắn với các hoạt động thể thao, du lịch canh nông, đi cùng việc quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Tính đến thời điểm này thành phố có 23 điểm du lịch canh nông trên địa bàn

Cho đến nay, Đà Lạt đã ký kết các chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với rất nhiều tỉnh, thành phố trong nước như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nam Bộ... 

Trong liên kết hợp tác, các tỉnh tập trung vào công tác quản lý Nhà nước, đầu tư phát triển sản phẩm, tuyên truyền - xúc tiến - quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Các địa phương cũng tạo điều kiện hỗ trợ, bổ sung cho nhau về nhiều mặt, thúc đẩy giao lưu văn hóa. Nhiều chương trình liên kết trong thời gian qua đã góp phần phát huy tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết; hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch,... 

Theo đánh giá của thành phố Đà Lạt, các chỉ tiêu về du lịch hiện nay của thành phố đang tăng trưởng hợp lý, đạt được những kết quả đáng khích lệ; lượng du khách đến Đà Lạt tăng đáng kể qua các năm, chất lượng các “tour” du lịch có những bước đột phá; nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, các điểm tham quan du lịch cũng đang khẳng định thương hiệu, được du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ.

Cùng du lịch, Đà Lạt còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp tiên phong về nông nghiệp công nghệ cao trong cả nước. Hiện, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt đạt gần 7.000 ha. Thành phố hiện có trên 160 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong tỉnh, trong nước và đầu tư nước ngoài đang hoạt động; có 1 liên hiệp hợp tác xã và 50 hợp tác xã hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn hầu hết hoạt động tương đối hiệu quả, đặc biệt là thực hiện tốt việc cung ứng một số dịch vụ như cung cấp vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và nông dân; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, từng bước nâng cao giá trị, sản phẩm trên đơn vị diện tích.

• ĐỂ ĐẨY MẠNH VIỆC LIÊN KẾT VÙNG

Giải pháp đầu tiên mà UBND thành phố Đà Lạt nói đến chính là phát triển giao thông. Cần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa Đà Lạt với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa về mặt vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương mà còn làm tăng tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương với nhau. 

Riêng Đà Lạt thời gian đến cần được đầu tư phát triển thêm hệ thống bến, bãi đậu xe, chống kẹt xe trong những ngày cao điểm khi du khách đổ về; phát triển hệ thống xe buýt phục vụ giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và khách du lịch khi đến đây. Ngoài ra, thành phố cần được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông, mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số... để phục vụ người dân và du khách.

Thành phố trong liên kết vùng cũng sẽ thường xuyên trao đổi, đối thoại với các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời. 

UBND thành phố Đà Lạt cho biết, thành phố cũng tăng cường thực hiện các chương trình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo kênh kết nối trực tiếp về cung - cầu sản phẩm hàng hóa giữa các doanh nghiệp, giới thiệu đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các địa phương; đánh giá tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để lựa chọn đối tác, mô hình, nội dung liên kết phù hợp nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương; xác định những vùng kinh tế trọng điểm để liên kết và tiêu thụ nông sản; phát triển dịch vụ thương mại bao gồm liên kết giữa Đà Lạt và các huyện, thành phố lân cận của các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng như các tỉnh Tây Nguyên; cung ứng nông sản cho các vùng chủ lực tại Đông Nam Bộ, cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Đà Lạt cũng hướng đến việc xây dựng thành phố thành một trung tâm văn hóa - thể thao, giải trí lành mạnh của cả nước và khu vực với nhiều loại hình hoạt động; chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý ở các lĩnh vực mới như dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa. 

Đồng thời, chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu, khẳng định thương hiệu du lịch Đà Lạt dựa trên những lợi thế so sánh, sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; liên kết xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch với các địa phương trong nước; đưa vào khai thác các di sản văn hóa tiêu biểu, chú ý phát triển du lịch, trải nghiệm văn hóa, lịch sử, sinh thái giữa các địa phương trong vùng; đẩy mạnh phối hợp, liên doanh, liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp Đà Lạt với các doanh nghiệp trong nước nhằm tổ chức các chương trình quảng bá du lịch phù hợp và hiệu quả.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VIẾT TRỌNG (Báo Lâm Đồng)