Cuộc 'tháo chạy' vì Covid-19 trong ký ức hướng dẫn viên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khi tin về các ca nhiễm mới tràn trên mặt báo, tâm trạng du khách chùng xuống, một số người đòi tách đoàn từ châu Âu về Việt Nam trong đêm.

Nhớ lại những gì xảy ra hơn một năm trước, hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Văn Thanh vẫn còn rất nhiều cảm xúc. Trưa 1/2/2020, sau khi bố trí bữa trưa đầy đủ cho du khách, anh Nguyễn Văn Thanh, người đưa đoàn 25 khách đi châu Âu ôm suất ăn vào một góc, gọi điện họp khẩn với công ty. Khi ấy là khoảng 6h sáng tại Việt Nam, ban lãnh đạo Tràng An Travel khá căng thẳng vì trong nước ghi nhận thêm 3 ca mắc Covid-19 mới, trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc).

Anh Thanh hồi tưởng, trước đó khoảng 6 ngày là mùng 2 Tết Nguyên Đán, cả đoàn bay sang Paris (Pháp), bắt đầu chuyến tham quan châu Âu với tâm trạng vô cùng hứng khởi. Khi đó, "thành phố của tình yêu" Paris vẫn vô vùng tráng lệ, người người nhộn nhịp mua sắm, cà phê sáng, như chưa từng biết tới dịch "viêm phổi lạ" ở Vũ Hán. Ở Việt Nam cũng chỉ mới ghi nhận 2 ca nhiễm là người Trung Quốc và chưa có lây nhiễm trong cộng đồng.

Cuộc 'tháo chạy' vì Covid-19 trong ký ức hướng dẫn viên - 1

Đoàn chụp ảnh trước tháp Eiffel, Paris, Pháp.

Tạm biệt Pháp, đoàn tới Bỉ và Hà Lan. Lúc này, một khách trong đoàn làm ở lĩnh vực y tế liên tục được cập nhật thông tin về các ca nhiễm mới, mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của Covid-19. Suốt hành trình tham quan, trên mặt ai nấy đều lộ rõ vẻ lo lắng, thay vì tò mò để khám phá cảnh đẹp, du khách liên tục hỏi hướng dẫn viên về tình hình dịch bệnh.

Anh Thanh cho biết, khi ấy dù trong lòng cũng khá bất an nhưng vẫn phải giữ vẻ điềm tĩnh nhất có thể, liên tục nở nụ cười và pha trò cười để trấn an đoàn. Mặt khác, anh không ngừng báo cáo tình hình về công ty để đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách.

Sự lo lắng lên tới đỉnh điểm trong những ngày tham quan cuối cùng tại Đức, các thành viên đoàn liên hệ về nhà nhiều hơn, liên tục cập nhật thông tin dịch bệnh trên Internet. Một số người vì sợ nên có ý định tự mua vé máy bay để tách đoàn về Việt Nam, đồng thời liên tục yêu cầu anh Thanh cùng công ty phải đưa ra hướng giải quyết. Có những lúc không khí căng thẳng đến độ, khi mọi người liên tục đưa ra yêu cầu, những có những lúc không ai nói với nhau một câu nào. Người thân của họ ở Việt Nam thì liên tục gọi về số điện thoại công ty, yêu cầu được biết thông tin và hướng giải quyết sớm cho hành trình về nước.

Buổi sáng 1/2, khi được đi mua sắm, cả đoàn tranh thủ lùng sục khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, để phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, không ai mua được một chiếc khẩu trang y tế nào tại Đức.

Buổi trưa trong cuộc họp với lãnh đạo công ty, nhiều giải pháp được đưa ra như bay tới Bắc Kinh (Trung Quốc), rồi về Việt Nam hay tiếp tục ở lại Frankfurt (Đức) đều bị bác bỏ. Vé máy bay lượt về, có lịch trình quá cảnh ở Trung Quốc đã bị hủy bỏ, vì Việt Nam tạm ngừng các chuyến bay từ nước này. Gần một tiếng đồng hồ căng thẳng ban lãnh đạo công ty quyết định để đoàn bỏ dở lịch trình và mua toàn bộ vé máy bay mới của Vietnam Airlines cho du khách bay thẳng từ Frankfurt về nước, dù khi đó, chi phí đắt gấp đôi.

Cuộc 'tháo chạy' vì Covid-19 trong ký ức hướng dẫn viên - 2

Những kỷ niệm vui cùng du khách được lưu lại trong chuyến đi.

Kết thúc bữa trưa, cả đoàn lên xe, anh Thanh vui vẻ thông báo tin đoàn sẽ về nước sớm, dù một ngày nữa lịch trình tham quan mới kết thúc. Mọi người đồng thanh ồ lên một tiếng, rồi vỗ tay hò reo trong sự vui sướng, không quên cảm ơn hướng dẫn viên cùng công ty đã có sự hỗ trợ kịp thời. Buổi chiều thay vì đi tham quan, cả đoàn tiếp tục đi mua nước sát khuẩn tay, ai nấy "tay xách nách mang" thùng lớn thùng bé rồi trở về nghỉ ngơi tại khách sạn.

Sáng hôm sau, tất cả gấp rút ra sân bay làm thủ tục cho chuyến khởi hành về Việt Nam lúc 14h30. Hỗ trợ cho đoàn làm thủ tục check-in và vào nhà chờ, anh Thanh không khỏi bồn chồn, lòng thầm nghĩ đến viễn cảnh các chuyến bay bị hủy, đoàn mắc kẹt nơi đất khách.

Rất may mắn, cửa lên tàu bay được mở ra. Khoảnh khắc 25 người ổn định chỗ ngồi, anh Thanh thở một hơi thật mạnh, như trút bỏ được tảng đá đè nặng trong lòng. "Cảm giác lúc ấy của mình sung sướng, nhẹ nhõm vô cùng. Gần 10 năm làm hướng dẫn viên từng gặp nhiều sự cố, câu chuyện dở khóc dở cười nhưng phải hủy lịch trình, tháo chạy khỏi châu Âu như thế này thì mình chưa gặp qua", anh Thanh cười và nói.

Máy bay đáp tới sân bay Nội Bài sau nửa ngày, các thành viên trong đoàn đều có người thân tới đón. Có những gia đình ôm nhau khóc rưng rức, không phải vì sợ hãi mà là hạnh phúc, sung sướng, giống như vừa trải qua một kiếp nạn. Chia tay nhau, cả đoàn hứa giữ liên lạc và hẹn sau khi hết dịch sẽ gặp mặt ôn lại kỷ niệm.

Tạm thời nghỉ ở nhà vì chưa có tour du lịch trở lại, anh Thanh bán nông sản, đồ ăn vặt để trang trải cuộc sống. Mỗi khi thấy điện thoại rung lên những tin nhắn hỏi thăm của khách trong đoàn, anh bất giác cười. "Tết năm 2020 có lẽ là kỷ niệm nhớ nhất cuộc đời. Với tôi, được làm du lịch, đồng hành cùng du khách Việt Nam tới 5 châu 4 bể luôn là đam mê. Sau dịch Covid-19 được kiểm soát, tôi sẽ trở lại công việc hướng dẫn viên", anh nói.

Cuộc 'tháo chạy' vì Covid-19 trong ký ức hướng dẫn viên - 3

Anh Thanh trong lần đưa khách đi Thụy Sỹ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lan Hương (Theo VnExpress)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!