Cứ trao gửi yêu thương đi, hạnh phúc sẽ đong đầy !
“Tai nạn trên đường đôi khi bất ngờ ập đến với mình lúc nào không hay, biết đâu chính chính mình cũng rơi vào trường hợp tương tự; vậy nên cứ trao yêu thương đi, hạnh phúc sẽ đong đầy !", anh Trương Văn Thành trải lòng.
Anh Trương Văn Thành cho biết vẫn còn hồi hộp khi nhớ về giây phút cứu người trong vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái", anh Trương Văn Thành, một trong ba người dũng cảm lao vào đám cháy cứu người trong vụ tai nạn xe tải mất lái tông hàng loạt xe trên cầu Phú Mỹ ngày 8/8/2024.
Cùng suy nghĩ khi được hỏi thêm về việc cứu người đã tác động thế nào đến bản thân, anh Phan Văn Tài nói "Không lo nghĩ gì đến việc mình có thể trở thành nạn nhân khác của đám cháy, mình cứ vào cứu thôi".
Chương trình "Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái" do báo Thanh Niên phối hợp cùng Trung tâm kỹ năng sống NQH Skill tổ chức.
Anh Tài kể lại, tôi và anh tôi đang đi lấy hàng, thấy tai nạn liền chạy xuống xem giúp gì được không. Hoàn cảnh lúc đó, xe đã bắt đầu cháy rồi; hai anh em vừa chạy đến thì đã thấy một anh leo lên phía trên nắp ca-pô đầu xe, tôi nghĩ ngay, chắc bên trong còn người nên nhảy vào phụ giúp.
"Sau mới biết anh tên Quang và anh Mai Lê Duy Quang - anh hùng cúu người hôm đó hiện cũng đang ngồi đây, hiện diện trong khán phòng này", anh Tài xúc động giới thiệu.
"Sau khi đưa người bị nạn ra ngoài, mình mau chóng rời đi để kịp giờ vào ca, cũng không nghĩ gì nhiều nhưng tối về xem lại clip mình thực sự vui, vì hành động của mình lại lan tỏa mạnh mẽ như vậy", anh Quang bộc bạch.
Anh Mai Lê Duy Quang - anh hùng cứu người bị nạn kẹt trong chiếc ve bẹp dúm kể lại, đang trên đường đi làm, đến cầu Phú Mỹ thì nghe tiếng động lớn. Khi đến nơi xãy ra tai nạn, hàng xe dồn lại ngổn ngang, khung sườn móp méo, xiêu vẹo.
Tôi nghĩ sẽ có người thương vong khi thấy 4 chiếc xe dính chùm với nhau. Lúc đó tôi nhảy lên ca-pô xe để xem còn ai bị kẹt trong xe không và thấy vẫn còn người kẹt lại. Làm sao là cứu người bị kẹt ra nhanh nhất có thể, nhưng lửa lúc đó đã bén đến rồi.
Tình cảnh lúc đó, người gặp nạn bị dây an toàn thít chặt vào cứng ngắt nên không làm sao để gỡ ra được. Trước tình thế cấp bách, tôi hô hoán và tìm dụng cụ để cắt dây an toàn, đưa người bị nạn ra.
Về đến chỗ làm, đoạn clip tôi cùng những người khác cứu người trong vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ nhanh chóng được đồng nghiệp chia sẻ, tôi cảm thấy lâng lâng nhưng khi tối về nhà, tận đáy lòng tôi thực sự hạnh phúc và cảm thấy ấm lòng, rưng rưng khi xem lại đoạn clip đó, anh Quang xúc động bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên nhìn nhận, thông qua nhiều tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp thật trong cuộc sống, buổi toạ đàm hướng đến câu chuyện thời sự về giáo dục kỹ năng sống hiện nay tại Việt Nam cho thế hệ trẻ.
Theo Tổng Biên tập báo Thanh Niên, toạ đàm "Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái" nhằm trao đổi, bàn luận về thực trạng kỹ năng sống hiện nay tại Việt Nam, từ đó tìm ra những phương hướng giáo dục phù hợp cho thế hệ trẻ, giúp các bạn học cách yêu thương và vun bồi lòng nhân ái, phát triển nhân cách để xây dựng tâm hồn.
Chương trình nhằm lan toả những nghĩa cử tốt đẹp đến cộng đồng đã thu hút đông đảo các bạn học sinh – sinh viên tham dự.
Bác Hồ đã từng nói: Sông sâu biển rộng, bao nhiêu nước cũng vừa; cái đĩa cạn, cái chén nhỏ chỉ cần một giọt nước cũng tràn đầy, chỉ sợ mình không có lòng bao dung, nhân ái chứ không sợ người ta không theo mình. Vì vậy học theo Bác là học cách yêu thương, vun bồi lòng nhân ái, hạt mần thiện lương.
Nhân ái trong mỗi con người khi nảy nở, nếu được vun bồi kịp thời sẽ cùng nhau lớn nhanh, lan toả, tạo ra những vườn hoa nhân ái, biết sống đẹp và sống ý nghĩa cho cuộc đời", Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ.