Ẩm thực Việt Nam trải qua thời kỳ 'phục hưng' đầy ấn tượng
Ẩm thực Việt Nam trải qua thời kỳ “phục hưng” đầy ấn tượng trong những năm gần đây với số lượng nhà hàng Việt xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp thế giới, và mới đây là những nhà hàng đầu tiên trong nước được gắn sao Michelin.
Lễ hội bánh mì Việt Nam. Ảnh Hữu Long.
Bảo tồn và tôn vinh nét đặc trưng bản địa
Theo Tiến sĩ Phạm Hương Trang, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, người có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học và tư vấn trong lĩnh vực quản lý kinh doanh và du lịch, sự công nhận toàn cầu như vậy đã đưa ẩm thực Việt lên một tầm cao mới, tuy nhiên cần lưu ý: “Ẩm thực Việt đang chuyển mình, có một khía cạnh không hề thay đổi, đó là việc không ngừng bảo tồn và tôn vinh nét đặc trưng bản địa, những yếu tố nền tảng làm nên di sản ẩm thực phong phú của Việt Nam. Việc nâng tầm các nguyên liệu địa phương chính là cốt lõi của xu hướng phục hưng ẩm thực Việt”, chia sẻ của Tiến sĩ Trang, người có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học và tư vấn trong lĩnh vực quản lý kinh doanh và du lịch.
Cũng theo Tiến sĩ Trang, các nhà hàng Việt vừa được gắn sao Michelin đã biết khai thác sự phong phú của những vùng đất màu mỡ ngay tại quê hương Việt Nam, bằng cách thu mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân và thị trường địa phương. Việc chú trọng dùng sản phẩm địa phương đảm bảo được độ tươi ngon của thực phẩm, thúc đẩy canh tác bền vững, đồng thời làm nổi bật hương vị và kết cấu độc đáo của món ăn Việt.
Tiến sĩ Trang nhận định: “Các nhà hàng gắn sao Michelin đã tôn vinh được tinh hoa ẩm thực Việt, từ các loại thảo mộc và gia vị thơm ngon đến trái cây và rau quả độc đáo”.
Michelin Guide tác động đáng kể đến nhiều điểm đến ở châu Á, nâng cao vị thế ẩm thực cho những nơi này và thu hút lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng. Nền ẩm thực tại các quốc gia như Thái Lan, Singapore và Malaysia đã trải qua những thay đổi ấn tượng khi mà các quán ăn đường phố và nhà hàng địa phương được công nhận và tôn vinh.
Thái Lan, đất nước nổi tiếng với nền ẩm thực và những món ăn đường phố hấp dẫn, đã được vinh danh trong Michelin Guide từ năm 2018. Quốc gia này hiện có 35 nhà hàng được gắn sao Michelin, trong đó nổi bật là quán ăn đường phố nổi tiếng Jay Fai.
Bếp trưởng Supinya Junsuta trổ tài tại Jay Fai – một quán ăn được gắn sao Michelin tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Unsplash.
Mặc dù có quy mô khiêm tốn, Jay Fai đã giành được sao Michelin từ năm 2018 với các món ăn hoài cổ như trứng chiên cua và mì xào cay. Thực khách sẵn sàng có mặt từ sớm, tầm 7 giờ đến 7 giờ rưỡi sáng, xếp hàng dài để có cơ hội thưởng thức những món ngon trứ danh này. Jay Fai đã trở thành một điểm đến mang tính biểu tượng cho cả người dân địa phương và khách du lịch – một ví dụ điển hình về sự công nhận quốc tế dành cho các món ăn Thái.
Trước đó, Michelin Guide cũng được cộng đồng ẩm thực quốc đảo Singapore hào hứng đón đợi. Là một đất nước sở hữu nền ẩm thực đa dạng và sôi động, Singapore có 38 nhà hàng được vinh danh trong danh sách ngay từ năm đầu tiên, trong đó có một nhà hàng được xếp hạng ba sao danh giá.
Theo năm tháng, danh sách này đã mở rộng và Singapore hiện có ba nhà hàng ba sao Michelin, cùng nhiều nhà hàng hai và một sao. Việc tôn vinh những người bán thức ăn đường phố trong danh sách cũng đã được đón nhận nhiệt tình, bởi nêu bật được tầm quan trọng của khía cạnh này trong văn hóa ẩm thực Singapore.
Khẳng định rõ ràng vị thế của ẩm thực Việt
Tiến sĩ Trang cho biết sự xuất hiện rất được mong đợi của Michelin Guide tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh “đã khẳng định rõ ràng vị thế cao của ẩm thực Việt”.
Bà cũng nhấn mạnh rằng ngay từ trước dấu mốc này, ẩm thực Việt Nam đã liên tục giành thứ hạng cao trong danh sách ẩm thực toàn cầu với các món tráng miệng và thức ăn đường phố. CNN Traveler từng gọi TP.HCM là "thủ đô ẩm thực của Việt Nam", trong khi The Telegraph từng xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố có ẩm thực đường phố hấp dẫn nhất thế giới.
"Món ăn đường phố Việt Nam là hiện thân của sự kết hợp hài hòa giữa hương vị, giá cả phải chăng và những câu chuyện chân thực đằng sau những người bán hàng địa phương. Sự hiện diện của Michelin Guide tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm nổi bật hơn nữa tính đa dạng của ẩm thực Việt và giúp Việt Nam trở thành một điểm đến ẩm thực không thể bỏ qua", Tiến sĩ Trang nói.
Để hiện thực hóa một tương lai như vậy, Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết cần thúc đẩy mạnh mẽ tính địa phương trong các nhà hàng được gắn sao Michelin trên khắp Việt Nam. Bà cho rằng Michelin Guide sẽ có tác động tích cực đến ngành du lịch của đất nước song song với việc nền ẩm thực tiếp tục chuyển mình và các cơ sở ăn uống tiếp tục nỗ lực bảo tồn tính nguyên bản của ẩm thực truyền thống Việt Nam.
“Từ quán ăn đường phố nhộn nhịp đến những nhà hàng fine dining (phục vụ bữa ăn cao cấp), các đầu bếp đang cố gắng thể hiện bề dày truyền thống của ẩm thực Việt và nhấn mạnh việc sử dụng nguyên liệu địa phương. Bằng cách truyền sự sáng tạo và đổi mới vào những hương vị nguyên bản, các nhà hàng này mang đến trải nghiệm ăn uống làm nức lòng cả người dân địa phương lẫn những tín đồ ẩm thực đến từ năm châu”, Tiến sĩ Ong nói.
Du khách nước ngoài rất yêu thích ẩm thực Việt Nam. Ảnh: Hữu Long.
Các cơ sở này sẽ tiếp tục duy trì những tiêu chuẩn xuất sắc trong khi vẫn giữ đúng bản chất của ẩm thực Việt Nam với sự hướng dẫn của thẩm định viên Michelin Guide.
Tiến sĩ Jackie Ong Ong nhấn mạnh: “Với sự công nhận của Michelin Guide, các nhà hàng ở Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc gắn kết với cộng đồng địa phương, bao gồm nông dân, ngư dân và nghệ nhân, để thúc đẩy các hoạt động bền vững và trao quyền kinh tế. Bằng cách hỗ trợ các nhà cung cấp và sản xuất địa phương, các cơ sở này có thể góp phần bảo tồn sinh kế truyền thống và an sinh của cộng đồng”.
Cả Tiến sĩ Trang và Tiến sĩ Ong đều dự đoán rằng với sự công nhận và hỗ trợ của Michelin Guide, các nhà hàng được gắn sao Michelin tại Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút cả thực khách địa phương và những tín đồ ẩm thực quốc tế, qua đó củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến ẩm thực sôi động và đa dạng.