4 việc cấp bách cứu ngành du lịch
Việc hỗ trợ ngành du lịch cần tập trung vào bốn việc, theo thứ tự ưu tiên và dựa vào báo cáo tài chính năm 2019.
Đại dịch Covid-19 đã bước sang tháng thứ 18 với biểu đồ hình sin bất thường và những biến thể cực kỳ nguy hiểm.
Ở nhiều quốc gia, đợt bùng phát mới lây lan và tử vong hơn cả năm qua cộng lại. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám dự báo chính xác bao giờ thật sự hết dịch.
Tất cả đều chung nhận định, dịch chỉ bị đẩy lùi khi có vắc-xin tiêm chủng đại trà và nhanh nhất cũng phải cuối năm 2021.
Ngay cả khi bị đẩy lùi, dịch vẫn rình rập cơ hội trở lại. Sống chung với dịch là tất yếu, không còn lựa chọn nào khác. Thiệt hại từ dịch khó mà thống kê hết, trong đó ngành du lịch nặng nề nhất.
Du lịch nước ngoài chết lâm sàng ngay từ lúc đầu. Du lịch trong nước thò thụt như đi câu mùa bão, cầm cự qua ngày bằng niềm tin và hy vọng.
Từ lúc bùng dịch, các doanh nghiệp thu lịch thay đổi, điều chỉnh kế hoạch ứng phó liên tục với hàng loạt biện pháp chống đỡ.
Hàng chục ngàn doanh nghiệp trả giấy phép, giải thể. Hàng trăm ngàn lao động chuyển nghề hoặc làm bất cứ việc gì có thu nhập mà pháp luật không cấm.
Số còn lại, sau khi tinh gọn bộ máy triệt để đang lây lất từng ngày, càng đuối sức theo thời gian dù đã làm thêm đủ việc để có thêm thu nhập.
Hỗ trợ ngành du lịch cần những biện pháp thiết thực, khả thi
Nhà nước tập trung mọi nỗ lực dập dịch để phục hồi kinh tế, trong đó có ngành du lịch với những hành động cụ thể tiếp sức cho các doanh nghiệp và người lao động.
Gần nhất là chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc thí điểm hộ chiếu vắc-xin có điều kiện với khách nước ngoài. Tuy nhiên, như nhà nghèo, con đông, rất nhiều việc muốn mà không thể. Các cơ quan chủ quản và hiệp hội ngành nghề liên tục kiến nghị.
Kiến nghị nhiều nhưng thực hiện chẳng được bao nhiêu, vì nghèo chỉ là một lẽ. Có kiến nghị vụn vặt không thể sa đà vì nhà nước còn rất nhiều việc khó, ngành nghề nào cũng muốn ưu tiên. Có những kiến nghị thiếu thực tế, muốn cũng không thể làm, khó khăn cả nước chứ không riêng gì ngành du lịch.
Điều mong mỏi nhất của mọi người là bớt và hết dịch càng sớm càng tốt. Điều này lệ thuộc vào sự dốc sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Khẩu hiệu quốc gia “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Đó là kim chỉ nam trong mọi hành vi phòng chống dịch của từng cá nhân lẫn tập thể, triệt để thực hiện mệnh lệnh 5K của ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động là hết sức cần thiết nhưng phải đảm bảo sự công bằng trên cơ sở nghĩa vụ với nhà nước.
Đó là các loại thuế (doanh thu, lợi tức, thu nhập…) và phí (bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn…). Ai đóng nhiều hơn thì được hưởng nhiều hơn, mọi hỗ trợ phải trên cơ sở này để phân bổ.
Việc hỗ trợ ưu tiên tiếp sức cho những doanh nghiệp và người lao động đang kiên cường bám nghề, trước dịch thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Cần phân biệt thất nghiệp, thất nghiệp một phần và chuyển nghề. Số chuyển nghề không đáng lo, vì chắc chắn không ai chuyển nghề tệ hơn cả.
Việt Nam chưa giàu như Mỹ, Nhật, châu Âu… trợ cấp thất nghiệp đại trà. Nhiều khi trợ cấp này cao hơn lương thực tế. Càng không thể có chuyện phát tiền cho dân đi du lịch như một số chuyên gia đề nghị.
Hiện nay, người dân và doanh nghiệp cần và mong nhất là bớt và hết dịch. Nếu không, dù có tiền và muốn cũng không thể đi du lịch. Chỉ cần được hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, ngành du lịch sẽ bật như lò xo lâu ngày bị nén.
Việc hỗ trợ ngành du lịch cần tập trung vào 4 việc, theo thứ tự ưu tiên và dựa vào báo cáo tài chính năm 2019.
Thứ nhất, ngân hàng chính sách cho vay không lãi suất 6 tháng để hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động cầm cự trả lương căn bản cho người lao động bám trụ thực tế. Cần đơn giản hóa thủ tục để giải ngân nhanh nhất.
Thứ hai, giãn thời gian đóng các khoản thuế, phí của doanh nghiệp và người lao động đang làm việc thực tế đến hết năm 2021.
Thứ ba, các ngân hàng giãn thời gian đóng lãi suất các khoản đã vay đầu tư của doanh nghiệp đến hết năm 2021 hoặc 3 tháng, gia hạn cho đến khi doanh nghiệp hoạt động bình thường mới.
Thứ tư, xác định du lịch là một trong những ngành nghề ưu tiên tiêm chủng vắc-xin để đón khách khi bớt dịch.
Cả 4 việc trên đều cấp bách, thực tế và không quá khó nếu các địa phương và Trung ương tích cực tháo gỡ. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp và người lao động nhìn lại mình trong việc thực hiện việc đóng các loại thuế và phí trước đây.
Nghĩa vụ và trách nhiệm đi đôi với quyền lợi. Thời nào và nước nào cũng vậy!
“Đi mà tiếc đau đáu. Nhưng ngành du lịch hiện còn khó khăn quá, không biết khi nào hồi phục. Cũng vì cuộc sống nên mình...