Thuê villa ngoại thành Hà Nội, du khách "loay hoay" giữa những rủi ro

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân Hà Nội tăng cao, kéo theo sức ép về duy trì chất lượng ở một số mô hình lưu trú ngoại thành, cũng như gia tăng số vụ lừa đảo trên mạng xã hội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch vẫn bị hạn chế, tại ngoại thành Hà Nội, các khu lưu trú và những mô hình tương tự như biệt thự nghỉ dưỡng (villa), căn hộ cho thuê… đón lượng khách tăng cao, đặc biệt là dịp cuối tuần. Tuy nhiên nhu cầu tăng lên cũng là lúc những đối tượng xấu lợi dụng cơ hội để lừa đảo, hoặc nhiều cơ sở chưa được kiểm định chất lượng cũng vội vàng đón khách.

Thuê villa ngoại thành Hà Nội, du khách "loay hoay" giữa những rủi ro - 1

Nhu cầu nghỉ dưỡng, thuê villa ngoại thành Hà Nội đang tăng cao. Ảnh minh họa.

Khó kiểm soát chất lượng

Mới đây, các diễn đàn nghỉ dưỡng ngoại thành Hà Nội xôn xao vụ việc L.Villa ở Sóc Sơn bị khách hàng phàn nàn bởi chất lượng phục vụ và ứng xử kém với khách hàng: "Bỏ 25 triệu thuê villa nhưng được ở không phải villa, mà là mấy gian phòng cạnh nhau như dãy nhà trọ, phòng khách không có, xong còn mất điện… Mà lúc bên mình phàn nàn, bên villa còn kêu sự cố phải chấp nhận, mất điện có 30 phút và đã có máy phát điện, bắt khách phải chấp nhận, còn cãi nhau tay đôi với khách, không 1 lời xin lỗi thông cảm hay đền bù gì cho khách…" – bạn Nguyễn Trà Mi, một khách lưu trú tại đây bức xúc lên tiếng.

Chia sẻ với VOV.VN, vị khách nêu trên cho biết cả đoàn đã có những trải nghiệm rất tệ trong chuyến đi Sóc Sơn đầu tháng 7 vừa qua, tới nay vẫn chưa nhận được những đền bù thỏa đáng. Trên các diễn đàn, vụ việc vẫn chưa lắng xuống. Không chỉ vậy, nhiều du khách khác cũng chia sẻ thêm những chuyến đi thất vọng tại một số mô hình villa ngoại thành Hà Nội.

Đại diện khu nghỉ Memory Villa tại Ba Vì cho rằng, chưa biết ai đúng ai sai, nhưng việc "đôi co" với khách hàng và cách xử lý sự cố như khu nghỉ tại Sóc Sơn nêu trên là không phù hợp, gây mất hình ảnh không chỉ cho bản thân cơ sở đó mà ảnh hưởng đến những đơn vị làm uy tín.

Đánh giá về dịch vụ này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA Travel cho biết chất lượng các villa quanh Hà Nội hiện nay chênh lệch khá nhiều: "Có các villa chất lượng tốt, nhưng cũng có nhiều nơi không đảm bảo chất lượng, không đúng quy chuẩn kinh doanh lưu trú. Công ty phải thường xuyên đi kiểm tra, khảo sát thực tế thì mới dám bán cho khách, bởi đã có tình trạng hình quảng cáo một đằng, thực tế lại một kiểu". Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, chất lượng của các villa này phụ thuộc theo phong cách của chủ nhà, khác với khách sạn, resort có tiêu chuẩn rõ ràng. Thậm chí nhiều cơ sở kiểu này chưa được coi là cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật.

Nguy cơ lừa đảo qua mạng

Thuê villa ngoại thành Hà Nội, du khách "loay hoay" giữa những rủi ro - 2

Các trang mạng xã hội chia sẻ cảnh báo lừa đảo khi đặt villa ngoại thành Hà Nội.

Bên cạnh sự "bấp bênh" về chất lượng dịch vụ, khách hàng đặt phòng villa ngoại thành Hà Nội trên mạng xã hội cũng chịu nguy cơ bị kẻ xấu lừa tiền. Ông Trương Minh Tuấn – Giám đốc Công ty HVN Travel cho biết, thủ đoạn lừa đảo hiện nay rất tinh vi: "Hiện nay, không ít kẻ xấu đóng vai nhân viên bán phòng villa, tham gia vào các nhóm, trang mạng xã hội để tiếp cận khách hàng tư vấn hòng lừa đảo thu tiền đặt cọc, thường là 50% toàn bộ chi phí. Tinh vi hơn, có những tài khoản được lập giả mạo y hệt những người bán villa, homestay uy tín để lừa khách hàng. Thậm chí có cả các tài khoản đồng phạm vào ủng hộ những tài khoản giả này, nhằm tăng độ thuyết phục".

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA Travel cho biết, giá phòng đặt qua công ty lữ hành và các cá nhân là cộng tác viên của cơ sở lưu trú không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên khi có tranh chấp xảy ra, chỉ có công ty lữ hành là đủ năng lực pháp lý để giải quyết cho khách, đồng thời chịu trách nhiệm về những gì đã cam kết với khách.

"Đánh vào tâm lý ham rẻ và đi cuối tuần, kẻ xấu hạ giá thấp, giả mạo phòng nghỉ đúng ngày theo ý khách hàng để lừa tiền. Khá nhiều vụ việc người bán 'biến mất' sau khi nhận được tiền từ khách hàng. Còn những công ty lữ hành sẽ biết villa nào tốt, xấu, giảm thiểu rủi ro cho khách, cũng như có 'sức nặng' với chủ cơ sở lưu trú vì là đối tác lâu dài, khối lượng giao dịch lớn" - ông Nguyễn Tiến Đạt phân tích.

Đại diện khu nghỉ Memory Villa tại Ba Vì chia sẻ, khi vào dịp hè cao điểm, như từ tháng 6 đến tháng 8, các ngày cuối tuần luôn luôn hết phòng sớm. Không có chuyện trống phòng cận ngày lại có mức giá ưu đãi bất thường, nhất là với các căn villa đẹp, rộng rãi và uy tín. Để tránh bị lừa, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp tới chủ cơ sở để kiểm tra thông tin về phòng nghỉ hoặc về nhân viên bán hàng trước khi giao dịch đặt cọc.

"Chúng tôi khuyến khích khách hàng, trước khi chuyển khoản yêu cầu nhân viên tư vấn gửi chứng minh thư để kiểm tra trùng hợp tên chứng minh thư và tên tài khoản facebook, thậm chí gọi điện video kiểm chứng. Du khách nên yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình ảnh thực tế khu mình muốn thuê để tránh không được như mong đợi, tìm thêm nhận xét những khách hàng trước đây. Đăng thông tin tài khoản nhận tiền lên các nhóm bán hàng để kiểm tra uy tín. Thoả thuận và xác nhận rõ với nhân viên bán hàng các dịch vụ bao gồm và các dịch vụ tính phí đi kèm, nhằm tránh các chi phí phát sinh ngoài ý muốn" – chủ cơ sở này cho biết.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nam Anh (Theo VOV)