Trung Quốc mở cửa biên giới: Hàng Việt giảm chi phí

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều doanh nghiệp vui mừng khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới từ ngày 8/1, giúp giao thương thuận lợi hơn, giảm chi phí.

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc gỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm axit nucleic phòng chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu với hàng hóa nhập khẩu, gồm cả hàng đông lạnh.

Doanh nghiệp vẫn thận trọng

Trong ngày đầu tiên áp dụng quy định mới, ghi nhận tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), nhiều doanh nghiệp và lái xe vẫn chưa chuyển hàng theo cách truyền thống. 

Tại bến xe Tân Thanh, tài xế Hoàng Văn Tiến (42 tuổi, quê Bắc Giang) chia sẻ vẫn chuyển theo cách cắt container (xe đầu kéo Việt Nam đưa container hàng đến bãi, một xe khác của Trung Quốc cắt móc, cẩu container tại đó về nước bạn).

Trung Quốc mở cửa biên giới: Hàng Việt giảm chi phí - 1

Hàng ngàn xe chờ tại bãi cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn để thông quan hàng hóa sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, anh cho hay nếu được giao hàng tận kho bên Trung Quốc như trước dịch Covid-19 thì tài xế chủ động thời gian. Anh nhẩm tính chạy được tối đa 3 chuyến/tháng, thu nhập cũng tăng lên.

"Trước đây, có những chuyến hàng ngồi chờ xuất hàng cả tháng. Ăn uống dè sẻn cũng phải 200.000 đồng/ngày, 1 triệu đồng tiền dầu bật máy lạnh để hoa quả tươi", anh Tiến nói.

Chị Trần Thị Hằng, đại diện Công ty CP vận tải Thái Việt Trung, cho hay: "Ngày 8/1, Trung Quốc cho phép tài xế lái xe container có sổ thông hành, giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ sang thẳng kho bên nước này. 

Tuy nhiên, bên mình cũng như nhiều doanh nghiệp khác vẫn dùng phương thức chuyển hàng qua cắt container do chưa kịp chuẩn bị đầy đủ phương án. Sắp tới, công ty cũng sẽ triển khai phương thức giao nhận hàng truyền thống", chị Hằng chia sẻ.

Bà Đoàn Thu Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho hay tỉnh đã có hướng dẫn chi tiết về phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu.

Trước mắt, vẫn thực hiện song song 2 phương thức. Một là giao nhận hàng hóa qua công ty vận tải chuyên trách. Hai là truyền thống, lái xe và người đi cùng xe qua biên giới hai nước để giao nhận hàng hóa đến thẳng bến bãi của nước đối diện.

Trong khi ở cửa khẩu Hữu Nghị, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khôi phục như truyền thống, khuyến khích phương thức "xe hàng sang - xe hàng về".

UBND tỉnh Lạng Sơn lưu ý lái xe và người đi cùng trước khi chở hàng xuất nhập khẩu vào Trung Quốc phải có xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ và điền vào phiếu khai báo sức khỏe do Hải quan Trung Quốc yêu cầu. Cá nhân tự khai báo và chịu trách nhiệm thông tin cung cấp.

Vui vì thông suốt, giảm chi phí

Trong "ngày đặc biệt" 8/1, ông Nguyễn Hoài Nam (thương lái ở Hà Nội) có đơn hàng xuất khẩu tinh bột sắn, chanh dây, nhãn Thái sang Trung Quốc. Ông Nam chia sẻ: "Hàng của tôi đi qua đơn giản, vì hải quan nước này đã có mã các mặt hàng xuất khẩu". 

Tuy vậy, không ít các mặt hàng của các chủ khác bị trả về, chứ không thể nghĩ đơn giản gỡ bỏ "rào" xét nghiệm là hàng qua ào ào.

Ông Nam cho rằng chưa thấy thuận lợi nào lớn, trừ việc đi lại dễ dàng, bãi bỏ được việc yêu cầu phun khử trùng xe khoảng 300.000 đồng/xe.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin trung bình mỗi tháng xuất khẩu rau củ quả sang Trung Quốc có kim ngạch từ 300-350 triệu USD, mỗi quý 1,2-1,4 tỷ USD. 

Ông Nguyên cho hay quan trọng nhất là giao hàng nhanh không chờ, chi phí vận chuyển giảm, tăng chất lượng hàng, giá thành hạ...

Tuy nhiên, giá thành bên phía Trung Quốc cao nên khi hàng Việt đẩy xuất khẩu, ông Nguyên cảnh báo khả năng nhiều mặt hàng nội sẽ tăng giá.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Quân - Thảo Thương (Báo Tuổi Trẻ)