Tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhận định thị trường đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu mua sắm cao điểm cuối năm sẽ tăng cao nên từ đầu quý 4-2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng lương thực, thực phẩm đã lên kế hoạch gia tăng sản lượng, tìm nguồn nguyên liệu phù hợp để đưa ra giá thành cạnh tranh.

Tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết - 1

Công nhân Công ty Vissan thực hiện những đơn hàng phục vụ Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Hoàng Hùng

Tăng nguồn cung, giá ổn định

Hiện nay, giá heo hơi giảm mạnh đang tạo cơ hội cho nhiều nhà sản xuất hàng thực phẩm tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào “dễ thở” để tạo nguồn đầu ra cho dịp mua sắm cao điểm cuối năm.

Ngay trong quý 3-2022, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã chuẩn bị ngân sách hơn 700 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt heo, tăng 30% so với mức thực hiện Tết Nhâm Dần 2022) cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến - tăng 10%.

“Chuẩn bị nguồn nguyên liệu như thế nào để tham gia bình ổn, đảm bảo chất lượng và doanh nghiệp không lỗ, còn người tiêu dùng mua với mức giá không biến động cao. Đặc biệt, thời gian qua Chính phủ đưa giá xăng dầu trở lại bình thường là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp”, ông  Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho hay.

Cung cấp sản lượng lớn trứng gia cầm cho tiêu dùng, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết, doanh nghiệp sẽ tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp Tết Quý Mão 2023. “Tuy chưa dự kiến được giá bán lẻ nhưng doanh nghiệp chúng tôi tham gia chương trình bình ổn thị trường nên phải chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và cố gắng kìm giữ giá bán, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định”, bà Huân chia sẻ.

Tương tự, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, dự đoán từ nay đến tết, giá trứng gia cầm sẽ không biến động. Sản lượng trứng gia cầm đang rất dồi dào, doanh nghiệp đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 50% trong tháng cuối năm. 

Nhìn chung, các công ty sản xuất kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm đã hoàn tất khâu chuẩn bị trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết Quý Mão 2023. Đáng chú ý, đến thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hệ thống bán lẻ đã gửi danh mục hàng hóa bình ổn thị trường về Sở Công thương TPHCM với cam kết tăng cung, giữ ổn định giá, đặc biệt là đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã công bố tham gia chương trình bình ổn thị trường tết với nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (gạo, bún gạo, phở khô, nước mắm, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, hoa tươi, các mặt hàng sữa…).  

Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi, gần đây giá cả đầu vào một số sản phẩm tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20%-30%. Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng tết của doanh nghiệp khi nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các năm trước. 

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, dù có những thuận lợi, khó khăn đan xen, nhưng 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 466.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu khá lạc quan của kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM vừa vượt qua đại dịch Covid-19. “Nhìn chung, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt cao điểm cuối năm”, ông Phương nhận xét. 

Tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết - 2

Công ty TNHH Ba Huân tăng sản lượng trứng để phục vụ thị trường dịp tết Quý Mão 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhằm ổn định thị trường từ nay đến cuối năm, Sở Công thương TPHCM tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; chủ động triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh, thành, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tình hình sản xuất cung ứng và thị trường tiêu thụ; hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa có sức chịu đựng, thích ứng, linh hoạt cao trước các tác động của thiên tai, dịch bệnh và tác động khác…

Song song đó, Sở Công thương TPHCM cũng triển khai các chương trình, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, triển khai hiệu quả hoạt động các hội đồng ngành, kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp; đặc biệt với những doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thành phố trong dịp tết.

Bên cạnh đó, sẽ triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu mua sắm cuối năm như: Chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm trên địa bàn thành phố năm 2022 (đợt 2) với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa xuân”; tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2022; tổ chức Hội chợ xúc tiến tiêu dùng năm 2022… Đặc biệt, do TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, Sở Công thương sẽ phối hợp với các địa phương trong công tác khảo sát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường cuối năm 2022 và Tết Quý Mão năm 2023.

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao

Theo Sở Công thương TPHCM, vào quý 4-2022, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm của người dân tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Đáp ứng nhu cầu này, TPHCM chuẩn bị hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ tết.

Trong đó, lương thực có 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn…

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ xây dựng nguồn hàng bình ổn thị trường; các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ dự trữ nguồn hàng chiếm 25%-43% so với nhu cầu của người dân; lực lượng quản lý thị trường giám sát kỹ để tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lạc Phong (SGGP)

CLIP HOT