Khám phá Hà Giang cùng trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô
Đến Hà Giang, lần đầu tiên Phương được mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô. Cô nàng rất ấn tượng với những đường kim mũi chỉ, các hoa văn đặc sắc trên trang phục được may thêu hoàn toàn bằng tay của người dân tộc nơi đây.
Câu nói “tuổi trẻ nhất định phải một lần đến với Hà Giang” của mọi người như thôi thúc hành động “xách balo và đi” của những bạn trẻ có khát khao đặt chân đến những vùng đất mới.
Nguyễn Bích Phương là cô nàng đam mê du dịch, thích khám phá nhiều nơi, trải nghiệm nhiều nền ẩm thực, văn hoá hay con người của mỗi vùng miền. Với Phương, đi đâu không quan trọng, quan trọng là sau những chuyến đi đã cho bản thân thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm quý giá. Đó mới là giá trị của chuyến đi mang lại cho bản thân.
Cô nàng 23 tuổi này cho biết, từ lâu, Hà Giang là một điểm đến đã trong danh sách du lịch khắp Việt Nam của Phương. Mọi người hay nói “tuổi trẻ nhất định phải một lần đến Hà Giang”, mảnh đất này đã cho cô gái này rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi đặt chân đến đây.
“Trước khi đi, mình đã tham khảo các kênh như Facebook hay TikTok để xem review của mọi người. Vì thế, mình rất háo hức từ khâu chuẩn bị. Khi đến nơi, Hà Giang đã làm mình đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mình thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây”, Phương cảm nhận.
Vì các bạn thuê xe máy để di chuyển nên từng cung đường họ đi qua đều có thể ngắm được toàn cảnh đồi núi trập trùng, các đoạn đèo uốn lượn, cảm nhận được thời tiết nắng đẹp và gió mát mẻ.
Du khách này ấn tượng nhất với sông Nho Quế. Khi nhìn trên màn ảnh nhỏ, vốn dĩ cô nàng thấy con sông đã đẹp, nhưng không ngờ đến tận nơi được chứng kiến bằng mắt thường, Phương thêm ngỡ ngàng trước cảnh đẹp này.
“Khi phượt trên những con đường đèo, mình chỉ nhìn thấy đồi núi thung lũng trập trùng, nhưng khi đến Nho Quế là một con sông xanh hiện ra trước mắt mình, bao quanh cũng là núi. Ngồi trên thuyền ngắm cảnh cảm giác bình yên đến khó tả, bao nhiêu muộn phiền đều tan biến...”, Phương bồi hổi kể lại.
Phương rất yêu các bản sắc văn hoá dân tộc địa phương nên khi đến địa điểm nhà của Pao, cô nàng đã rủ các bạn trong nhóm thuê trang phục dân tộc để mặc. Đây cũng là lần đầu tiên cô nàng được mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô. Du khách này rất ấn tượng với những đường kim mũi chỉ, các hoa văn đặc sắc trên trang phục được may thêu hoàn toàn bằng tay của người dân tộc nơi đây.
Với Phương, đồ ăn ở đây rất rẻ và hợp khẩu vị. Món du khách ăn ở đây nhiều nhất là các món từ thịt. Cảm giác đồ ăn ở đây giống như được về quê và ăn các món tươi ngon nhà trồng được. Con người Hà Giang rất chân chất, thật thà, nồng hậu và mến khách. Hầu như các chỗ Phương đến, không có tình trạng nâng giá các dịch vụ hay nói thách.
Nhớ lại chuyến đi này, Phương kể, trong ngày đầu đến Hà Giang, nhóm cô đã đến Cột mốc 0km, cổng trời Quản Bạ, núi đôi Cô Tiên, cây nghiến cô đơn, dốc Thẩm Mã, nhà của Pao, cao nguyên đá, phố cổ Đồng Văn.
Với cây nghiến cô đơn, khi đi hết Quản Bạ, mọi người sẽ đến Yên Minh. Đi qua Yên Minh có 2 đường, một đường đi qua cây nghiến cô đơn và 1 đường đi qua rừng thông Yên Minh. Phương khuyên mọi người nên chọn đường qua cây nghiến, vì đường qua rừng thông sẽ dài hơn 20km.
“Đến dốc Thẩm Mã, mình nhìn từ trên cao xuống đẹp biết bao. Ở đây có chỗ cho thuê trang phục nếu có nhu cầu và chụp ảnh cùng các em bé dân tộc cũng siêu đẹp”, Phương nói.
Ở phố cổ Đồng Văn có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống về đêm như ném còn, đốt lửa trại… Phương đi vào dịp cuối tuần nên được thưởng thức tất cả hoạt động. Người dân ở đây hiền lành, dễ mến. Các dịch vụ không có tình trạng chặt chém, mang lại cho du khách cảm giác rất thân thuộc.
Ngày tiếp theo, Phương cùng mọi người dừng chân ở cột cờ Lũng Cú, Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, hẻm Tu Sản và làng H’Mong Pả Vi.
Ở Mã Pí Lèng có điểm check-in tượng thanh niên xung phong, mỏm đá tử thần và vách đá trắng, mọi người có thể đến chụp ảnh. Ở sông Nho Quế, Phương khuyên mọi người nên đi vào buổi sáng còn nắng đẹp, nhóm Phương đi chiều lại bị chờ thông đường nên muộn. Lúc đó đã tắt nắng nhưng gió mát rười rượi.
“Chúng mình đi thuyền số 16. Bác tài rất có tâm, ra đến nơi sống ảo đẹp còn chỉ mọi người các dáng chụp đẹp và còn trêu không chụp ảnh được 30 phút không cho về. Thuyền đỗ check-in hẻm Tu Sản tầm 30 phút rồi về. Trên đường về, mọi người có thể ghé vào anh Quân camping để cắm trại ngắm hẻm Tu Sản, còn chúng mình đi lúc đó muộn nên chỉ nhanh chóng về homestay check-in”, Phương cho hay.
Ở làng H’Mong Pả Vi (Mèo Vạc) yên bình và đẹp đẽ. Mọi người có dịp nên ghé nơi đây book homestay để được tận hưởng giây phút bình yên, bình dị ở nơi này.
Hà Giang đẹp hùng vĩ khó tả.
Do đường đi chữ M đang sửa chữa nên các du khách đã quyết định đi ngược lại từ Mèo Vạc - Đồng Văn - Yên Minh - TP Hà Giang để kịp chuyến bắt xe về Hà Nội. Thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng cho 190 cây số. Trên đường về, các bạn đi lối rừng thông Yên Minh dễ đi nhưng xa hơn và đến Quản Bạ gặp sương mù như "lạc" sang Sa Pa.
Vẻ đẹp này không thể diễn tả bằng lời, chắc chắn chỉ có thể cảm nhận được khi đặt chân đến nơi đây, đi qua từng cung đường, đổ từng đoạn đèo uốn lượn...
Hà Giang đi một lần là nhớ mãi.
Phương nói, thời tiết Hà Giang sáng nắng, tối lạnh nên mọi người mang cả áo mỏng và áo ấm. Trong 3 ngày đi Hà Giang, nhóm Phương như được trải nghiệm hết mọi khoảnh khắc thời tiết nơi đây. Mưa có, gió có, nắng có, sương mù có.
“Thời tiết Hà Giang thất thường là thế, nhưng những “chiến binh” vẫn đi mà không dừng lại. Có những tiếc nuối vì thời gian có hạn chưa thể khám phá được hết, nhưng những gì chúng mình đi qua đã để lại cho mình những kỉ niệm đẹp về một Hà Giang hùng vĩ khó phai”, Phương bày tỏ.
Ăn gì ở Hà Giang? Ngày 1: - Bữa sáng: Phở bò tại Hà Giang - Bữa trưa: Cơm bình dân tại Yên Minh - Bữa tối: Lẩu gà đen tại quán Chi Cu Cu - Phố cổ Đồng Văn Ngày 2: - Bữa sáng: Ăn bữa sáng tại homestay và ra phố cổ Đồng Văn ăn xôi ngũ sắc, bánh cuốn - Bữa trưa: Cơm bình dân tại Eke Quán. Món thịt rang ngon, nhóm Phương gọi 2 đĩa, giá cả rất phải chăng. - Bữa tối: Ghé ăn BBQ tại Little Yen’s homestay ngay trong làng H’Mong Pả Vi. Các đồ thịt đầy đặn, ướp siêu ngon, rất hợp khẩu vị, anh chị chủ dễ thương, còn cho các bạn thêm mấy con hàu, dù đây là miền núi mà hải sản rất hiếm, qua đó đủ để thấy độ hiếu khách nơi đây. Ngày 3: Ăn bữa sáng tại Mèo Vạc Clay house. |
Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở An Giang có nhiều nét “độc lạ” về kiến trúc, dễ thấy nhất là hình tượng bầu hồ...