Làng nghề làm hương nức tiếng miền Bắc, thế hệ trẻ cũng say mê với nghề gia truyền
Thôn Cao nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống lâu đời. Hương ở đây có mùi nhẹ thanh, lưu giữ lâu mà hiếm nơi nào có được. Người dân làm hương theo kiểu cha truyền con nối, qua nhiều đời gìn giữ nét đẹp của nghề truyền thống.
Làng hương thôn Cao nằm ở xã Bảo Khê (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), cách Hà Nội khoảng 40km. Hầu như các hộ dân ở đây đều theo nghề làm hương, từ đời này truyền qua đời khác.
Thôn Cao là nơi cung cấp nhiều sản phẩm hương đến các tỉnh khu vực phía Bắc và nhiều tỉnh thành lân cận.
Anh Tạ Quang Tuấn, người làm hương xạ tại thôn Cao cho biết đây là làng hương gia truyền, truyền từ các cụ sang con cháu, nhiều đời cứ vậy mà làm. Theo tương truyền thì bà tổ của nghề làm hương ở đây là cụ Đào Thị Khương, vào thế kỷ 18 đi buôn bán ở nước ngoài đã học nghề, sau đó về truyền dạy lại cho người dân trong làng. Mỗi năm tại thôn Cao có ngày giỗ tổ nghề làm hương vào 22/8 âm lịch, tưởng nhớ công ơn của cụ Đào Thị Khương.
Nguyên liệu chính dùng để làm hương ở thôn Cao đều từ tự nhiên như thảo mộc, các vị thuốc bắc… Anh Tuấn chia sẻ từ nhỏ đã biết làm hương do được cha mẹ truyền nghề lại, nên xác định nối nghiệp các cụ, duy trì nghề truyền thống. Anh bày tỏ không có ý định làm công việc khác vì sự tâm huyết với nghề làm hương tại quê nhà, song song với đó là nghề làm hương cũng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Cái hay ở thôn Cao là mỗi gia đình đều có một “bí quyết” chế tạo hương riêng, nhân công thường là người trong nhà, dòng họ.
Anh Tạ Quang Tuấn nối nghiệp làm hương của gia đình từ nhỏ.
Từ nghề làm hương, nhiều gia đình trong thôn Cao phất lên giàu có, trở thành “đại gia”. Theo anh Tuấn, tại thôn Cao cả làng đều làm hương, cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề này. Tập trung vào nghề làm hương, người dân ở thôn Cao hầu hết không làm ruộng hay thêm ngành nghề nào khác.
Danh tiếng của làng hương xạ thôn Cao được biết đến ở nhiều nơi, có một số chỗ về học nghề. Theo người dân, làm hương là nghề của tổ tiên để lại và liên quan đến tín ngưỡng tâm linh nên luôn đặt cái tâm của mình vào sản phẩm.
Làng hương Thôn Cao nổi tiếng nhiều đời, chất lượng hương thành phẩm luôn cao nhất khi gửi đến tay khách hàng.
Để có được những nén hương thơm đặc trưng của thôn Cao, công đoạn bắt đầu từ việc xay nguyên liệu, trộn, đánh keo, cho vào máy để ra hương. Sau đó đem phơi, hương khô sẽ được đóng gói và vận chuyển đi tiêu thụ ở các nơi.
“Trung bình khoảng 3 ngày sẽ có một đợt hương khô được đóng gói thành phẩm. Nếu trời nắng thì hương phơi 1 ngày sẽ khô, còn trời âm u thì khoảng 2 ngày. Hương được phơi hoàn toàn dưới trời nắng, bằng phương pháp thủ công” - Anh Tuấn chia sẻ.
Khách hàng dùng hương của thôn Cao đến từ khắp nơi, các tỉnh lân cận Hưng Yên hoặc xa hơn và cũng có ở nước ngoài. Khách quen quay lại thường xuyên và cũng có khách mới đến tìm mua.
Hình ảnh phơi hương tại thôn Cao.
Nguyên liệu để làm hương tại thôn Cao là các loại thảo mộc, từ tự nhiên để cho ra hương tốt nhất.
Dù có nhiều làng nghề làm hương khác và sức cạnh tranh, nhưng người làng hương xạ ở thôn Cao vẫn luôn giữ vững cái tâm với nghề. Những nén hương từ làng nghề truyền thống lâu đời này xuất hiện trong dịp lễ, Tết, giỗ chạp…của nhiều gia đình, góp phần vào không khí trang trọng, lưu giữ nét đẹp truyền thống về thờ cúng tổ tiên của mỗi người dân Việt.
![Gameshow “Về quê làm giàu“ chính thức khởi động](https://cdn.tcdulichtphcm.vn/upload/1-2025/images/2025-02-09/1739073511-untitled-2-copy.jpg)
“Về quê làm giàu“ - chương trình truyền hình thực tế về trải nghiệm thực chiến lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam...