Chuyện thú vị về trái bầu hồ lô trên đỉnh chùa, miếu ở An Giang
Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở An Giang có nhiều nét “độc lạ” về kiến trúc, dễ thấy nhất là hình tượng bầu hồ lô. Du khách đến Chùa Tam Bửu sẽ có dịp chiêm ngưỡng bức tượng đặc biệt này.
Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, người địa phương thường gọi là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, hay gọn hơn đạo Hiếu Nghĩa, là Phật giáo nội sinh do Đức Bổn sư Ngô Lợi (1830- ?) khai sáng vào năm Đinh Mão (1867).
Ngoài vai trò giáo chủ, Ngô Lợi còn là lãnh tụ của phong trào kháng chiến chống quân xâm lược. Sau những biến cố lịch sử những năm đầu thành lập Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ông đã chọn khu vực Núi Tượng, nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, để ổn định cuộc sống của tín đồ.
Tại vùng Núi Tượng, Ngô Lợi cùng tín đồ khai hoang, lập làng, làm căn cứ địa chống quân xâm lược và hoằng khai đạo pháp. Tại đây, ông vận động tín đồ lập chùa, miếu… làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, điểm tựa tinh thần cho nhân dân trong vùng.
Cổng vào Chùa Tam Bửu trên đường Liên Hoa Sơn, khóm An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang. Ảnh: Lâm Điền
Năm 2010, Tứ Ân Hiếu Nghĩa được công nhận là tổ chức tôn giáo, với hơn 70 cơ sở thờ tự tại 12 tỉnh thành trên cả nước. Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa chủ yếu sống ở An Giang và các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Kiến trúc đình, chùa, miếu thờ... của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa mang phong cách khác biệt. Một trong những cơ sở đầu tiên của phong cách ấy là chùa Tam Bửu (Tam Bửu tự).
“Đạo hội” là tổ chức cao nhất trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, có trụ sở đặt tại chùa Tam Bửu trên đường Liên Hoa Sơn, khóm An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn. Chùa được khởi xây lần đầu vào năm 1882, đây cũng là Tổ đình của đạo.
Như nhiều cơ sở tôn giáo bản địa thời điểm đó được làm bằng vật liệu cây lá, nhưng chùa Tam Bửu được xây dựng theo thiết kế thượng lầu, hạ hiên. Đặc biệt nhất là hình tượng bầu hồ lô ba ngấn trên trên mái.
Chùa Tam Bửu nhìn từ bên ngoài, độc lạ với hình ảnh Bầu hồ lô ngự trên đỉnh chùa. Ảnh: Lâm Điền
Theo giải thích của các vị Trưởng Gánh, người đứng đầu nhóm tín đồ theo cơ cấu đặc trưng của đạo, Bầu hồ lô ba ngấn tượng trưng cho vũ trụ: Thiên – Địa – Nhân.
Trên miệng Bầu hồ lô có chữ Vạn, màu vàng, tượng trưng cho vạn pháp quy nguyên. Đây cũng là biểu tượng của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa xuất hiện tại các kiến trúc đình, chùa, miếu thờ...
Chùa Tam Bửu có hơn 30 bàn thờ cúng, với chùa thờ trên là Hội Đồng Thượng Phật, kế Trung Thiên Giáo Chủ; Thích Ca Mâu Ni… Khuôn viên chùa còn thờ ngôi Long Đình, một cổ vật do Bổn Sư Ngô Lợi thiết kế từ gỗ cây Cam Đàn ở Thất Sơn hơn 115 năm trước.
Du khách tham quan, chiêm bái chùa còn có thể ngắm nhìn một số cổ vật từ thế kỷ 19.
Cận cảnh Bầu hồ lô ba ngấn ngự trên nóc Chùa Tam Bửu. Ảnh: Lâm Điền
Năm 1980, Chùa Tam Bửu cùng với các di tích lân cận, như: Phi Lai, Nhà mồ Ba Chúc được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá. Có dịp đến đến đây, ngoài việc khám phá nét độc lạ khác của Phật giáo nội sinh vùng Bảy Núi chất chứa bên trong cả kho tàng huyền tích, như kiến trúc “tiền đình, hậu tự”...
Du khách còn có dịp chiêm bái Nhà Mồ Ba Chúc, nơi đang lưu giữ hơn 1.000 bộ hài cốt của người dân vô tội bị quân diệt chủng Pôn Pốt thảm sát vào tháng 4/1978.