Dạo chơi ở Nam Lào và nỗi “ám ảnh” với… xôi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Một đất nước Lào rất lạ và hồn nhiên đã tạo cho chúng tôi cuộc hành trình đầy cảm xúc.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng với đường biên giới chung dài khoảng 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh từ Điện Biên, Sơn La đến Quảng Nam, Kon Tum. Giữa hai nước có những dãy núi cao hình thành một đường biên giới tự nhiên: phía Bắc từ A Pa Chải trở xuống là dãy Pu Xam Sẩu, phía Nam từ Thanh Hoá trở vào là dãy Trường Sơn. Hai bên có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 2 cửa khẩu phụ.

Hai nước có hiệp định cho phép xe ô tô thông thương qua lại, vậy nên chúng tôi đã tới Lào bằng ô tô, qua cửa khẩu thuận lợi nhất là cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Trên những con lộ nhỏ chỉ hai làn xe, hai bên là những cánh rừng bạt ngàn và những khu vực dân cư thưa thớt.

Chúng tôi dừng chân tại Savannakhet, cách cửa khẩu Lao Bảo 400km, sau đó đến thủ đô Viên Chăn, đến Khăm Muộn, một tỉnh nằm dọc theo song MêKông, bên kia là biên giới Thái Lan.

Dạo chơi ở Nam Lào và nỗi “ám ảnh” với… xôi - 1

Một ngôi chùa cổ ở Lào

Là một dân tộc theo Phật Giáo, Lào có rất nhiều chùa chiền. Những ngôi chùa luôn rực rỡ một màu vàng và có mái vòm cong vút. Trước cổng chùa có quầy để đồ cúng chủ yếu là hoa kết, khách hành hương không phải mua mà tùy tâm bỏ tiền vào trong chiếc thùng phước sương gần đó. Khách có thể dạo chơi và chụp ảnh thoải mái, ngôi chùa nào cũng có các vị sư sẵn sàng cột chỉ may mắn vào tay của bạn với lời cầu nguyện bằng tiếng Lào, bạn tùy hỉ bỏ tiền vào chiếc đĩa, bỏ tiền Việt Nam vào cũng được. Chỉ riêng thủ đô Viên Chăn đã có cả ngàn ngôi chùa, việc thăm viếng chùa chiền cũng đủ tiêu hao hết thời gian.

Dạo chơi ở Nam Lào và nỗi “ám ảnh” với… xôi - 2

Các nhà sư ở Lào rất được tôn kính

Người dân ở đây rất thân thiện và cảm tình với người Việt, họ sẵn sàng chụp ảnh chung và cho chụp ảnh chung với thái độ vui vẻ. Những con đường ở Lào không nhộn nhịp, chẳng có quán cà phê sang trọng để la cà nhâm nhi tách cà phê nóng. Ngay cả khi xe đi qua Khăm Muộn, tìm tới Khu lưu niệm của Bác Hồ, chúng tôi chỉ thấy những sạp hàng rất nhỏ bày bán hàng hóa.

Con đường vào Khu lưu niệm của Bác đang vào mùa lúa lên cao, đi mà cứ tưởng như ở đồng quê Việt Nam. Khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, trên diện tích khoảng 1,6 ha, nhìn ra dòng Mêkông. Khu tưởng niệm rất đẹp, có hồ nước, có khoảng sân rộng và rất nhiều cây xanh. Khi chúng tôi tới thì có một cô phụ trách đón tiếp, giới thiệu bằng tiếng Việt khá lưu loát.

Dạo chơi ở Nam Lào và nỗi “ám ảnh” với… xôi - 3

Khu tưởng niệm Bác Hồ

Nhưng ấn tượng trong cuộc hành trình chính là ăn uống. Món ăn truyền thống của người Lào là xôi. Ngày đầu, chúng tôi được ăn xôi đựng trong các thửng đan bằng tre nhỏ, khoảng một chén xôi với gà nướng và gà luộc. Đó là bữa ăn rất ngon, nhất là kèm theo bia Lào. Nhưng rồi đến những ngày khác, xôi vẫn là món ăn chính khiến chúng tôi bị ám ảnh.

Ngoài xôi thì một món ăn thông dụng nữa là gỏi đu đủ trộn với mắm bò hóc. (Mắm bò hóc được làm từ cá nước ngọt, bỏ ruột, đánh vảy, rồi giã nát. Cá sau đó để một nắng rồi đem nén trong vại với muối và gia vị ủ như làm mắm nêm của người Việt).

Dạo chơi ở Nam Lào và nỗi “ám ảnh” với… xôi - 4

Một hàng gỏi đu đủ

Khi đến Chợ Sáng, một chợ bán lẻ khá sầm uất ở Phnom Penh, tôi thấy có một hang bán gỏi đu đủ, tò mò tới mua xem thử cách chế biến. Cách làm rất cầu kỳ, đó là bỏ cà đắng và ớt khô vào trong cối giã nát, sau đó bỏ sợi đu đủ bào vào, cuối cùng là đổ mắm bò hóc trộn cho đều rồi đem ra, rắc thêm ít rau thơm. Món này gần như có mặt trong tất cả các bữa ăn.

Những gian hàng bán đồ ăn sang của Lào không lớn. Khi chúng tôi tìm ra một quán ăn đủ cho nhóm 20 người thì gần như đó là một quán lớn, buôn bán cũng rất “bụi bặm” với lò nấu củi và trên bàn ăn đủ loại nước chấm, có cả mắm bò hóc chưng khô. Quán có món phở thì đúng là cọng phở khô nhưng chẳng giống phở, còn món cháo lại là những cọng bún lớn giống như bánh canh nấu với thịt heo quay. Hôm đó, sau khi chúng tôi ăn xong thì bà chủ quán cũng nghỉ bán, vì mỗi ngày bà bán chừng 40 tô, khách ăn hết thì đóng cửa chứ không bán thêm.

Dạo chơi ở Nam Lào và nỗi “ám ảnh” với… xôi - 5

Khải Hoàn Môn ở thủ đô Viên Chăn

Ngẫm lại, Lào và Việt Nam chỉ cách một dãy Trường Sơn. Đi trong lòng phố Viên Chăn, chợt gặp tấm bảng: “ Bún Bò Huế, cách 50 mét” hoặc ngay khu vực gần Khải Hoàn Môn có tấm bảng ghi bằng tiếng Việt, đại ý đảm nhận lo thủ tục giấy tờ mua ô tô Lào nhập về Việt Nam. Ở Chợ Sáng, người Việt và Lào ngồi bán hàng chung, người Việt thành thông dịch viên dùm cho chị bán hàng bên cạnh. Còn khu chợ đêm thì hàng Việt Nam có rất nhiều, tất nhiên là cũng nhiều người Việt bán hàng. Hành trình dạo chơi ở Nam Lào vì vậy cũng trở nên thân thuộc, bình dị và đáng nhớ…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường

CLIP HOT