Ngỡ ngàng trước sắc màu của núi cầu vồng Vinicunca
Không chỉ xuất hiện sau những cơn mưa, cầu vồng còn được hiện hữu ở núi Vinicunca, Peru. Nơi đây khiến mọi du khách đều phải trầm trồ khi tận mắt chiêm ngưỡng cầu vồng siêu thực.
Cầu vồng siêu thực trên núi Vinicunca hình thành từ đâu?
Núi cầu vồng Vinicunca cao 4876 m so với mặt nước biển, đây là ngọn núi thuộc dãy núi Andes và nằm ở phía đông nam cách thành phố Cusco, Peru khoảng 100 km. Không giống như những ngọn núi đất đá hoặc được che phủ bởi rừng cây, ngọn núi này độc đáo ở chỗ không có một bóng cây ở xung quanh.
Vinicunca là một núi đá tự nhiên được hình thành từ nhiều tầng đá cát với các màu sắc khác nhau. Cũng từ đó mà ngọn núi này có đủ các sắc màu sinh động, tự nhiên. Nguồn gốc của hình hài độc đáo này lại đến từ hiện tượng xói mòn của những lớp đất đá với cấu thành từ nhiều khoáng chất khác nhau.
Núi cầu vồng Vinicunca cao 4876 m so với mặt nước biển
Nguyên nhân khiến màu sắc hình thành trên núi là do lớp băng từng bao phủ toàn khu vực và tác động biến đổi khí hậu. Khi băng bắt đầu tan chảy, nước trộn với các khoáng chất trong lòng đất, biến trái đất thành nhiều màu sắc như ngày nay.
Vinicunca là một núi đá tự nhiên được hình thành từ nhiều tầng đá cát với các màu sắc khác nhau
Những khoang màu chủ đạo trên núi cầu vồng được cấu tạo khá đặc biệt. Màu hồng xuất phát từ đất sét đỏ pha trộn với cát và đá bùn, màu trắng đến từ đá sa thạch và các loại đá chứa canxi cacbonat. Màu đỏ là do tầng đất sét giàu sắt tạo thành. Màu xanh cấu tạo từ hợp chất của đá phyllit và đất sét giàu magie. Còn màu nâu kết hợp từ đá cuội với magie, màu vàng là từ sa thạch vôi chứa sunfua.
Thời điểm tốt nhất để tham quan núi cầu vồng
Mỗi hành trình khám phá, yếu tố thời tiết là một trong những điều quan trọng trong cả chuyến đi. Với trải nghiệm tại núi cầu vồng Vinicunca cũng vậy. Để có những bức ảnh để đời, thời gian phù hợp nhất là ngay khi bình minh lên hoặc trước lúc mặt trời lặn. Thời điểm tốt nhất để khám phá nơi này vào khoảng giữa tháng 3 đến tháng 11 hoặc từ tháng 6 đến tháng 8, đây là lúc thời tiết dễ chịu và bầu trời xanh ngắt.
Cách thức di chuyển đến cầu vồng siêu thực
Không có chuyến bay thẳng nên du khách phải đến thủ đô Lima của Peru rồi bay nối chuyến tới thành phố Cusco. Từ đây, du khách sẽ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để đi xe bus, hoặc tự lái xe đến một con đường mòn dẫn lên đỉnh núi. Để chinh phục nơi cao nhất của núi cầu vồng, cần trải qua quãng đường đi bộ dài tới 6 dặm (khoảng 9,6 km) hoặc thuê ngựa từ người bản xứ.
Trong chuyến hành trình, du khách cũng có thể khám phá văn hóa và các đặc trưng của người bản địa khi đến Vinicunca
Trong suốt quá trình di chuyển đến ngọn núi, du khách sẽ có cơ hội vượt qua những ngọn đồi, ghé thăm những thị trấn nhỏ và những ngôi làng đặc trưng của người bản địa và khám phá văn hóa của cộng đồng nơi đây.
Người Inca đã khám phá ra ngọn núi tuyệt tác này từ khá lâu. Tuy nhiên, họ không hề có ý định thương mại hoá kỳ quan này bằng cách đẩy mạnh du lịch. Cho đến khoảng 5 năm trước, Vinicunca mới bắt đầu được nhiều người chú ý hơn khi những người ưa thích bộ môn leo núi đăng tải trên các mạng xã hội hình ảnh ảo diệu và hùng vĩ của ngọn núi đặc biệt này.
Đã có khoảng 500 người dân bỏ nghề để chuyển về vùng đất này làm hướng dẫn viên du lịch cho khách tham quan. Giá trung bình từ 3 USD/người (khoảng 69.000 VND), thu lợi nhuận tầm 400.000 USD/năm (khoảng 9,2 triệu VND).
Du khách cần chuẩn bị nhiều nước và lên kế hoạch cho cả thời gian đi lên và xuống
Hiện nay, càng có nhiều vị khách ghé thăm thì những lớp đất nền của núi Vinicunca càng dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, các du khách cần chú ý khi di chuyển lên núi theo đúng lộ trình đã được sắp xếp. Đặc biệt, khi ghé thăm nơi này, du khách cũng không được tự ý chạm tay vào các lớp đất đá để tránh hiện tượng xói mòn.
Dù đã trở nên nổi tiếng nhưng việc thăm quan chiêm ngưỡng ngọn núi cầu vồng không hề dễ dàng khi yêu cầu khách du lịch phải có sức khỏe cực tốt cùng những kiến thức nhất định về leo núi và sinh tồn, kể cả khi dịch vụ di chuyển đã được triển khai.
“Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông”, đó là câu ca quen thuộc của khách thương hồ ngược xuôi trên sông nước...