Xúc động "Bài tập cuối cùng" thầy cô giao cho học trò trong buổi chia tay
Đọc đề xong, cả lớp "lặng" người, đôi mắt đỏ hoe, có em vội lấy điện thoại ra chụp lại. Một bài tập mà các em phải thực hiện cả mấy chục năm, bởi thời hạn nộp là "cuối cuộc đời".
Đề bài tập về nhà rất đặc biệt
Buổi học cuối cùng của tuổi học trò mang đến bao cảm xúc, mọi con mắt đều tập trung lên bảng, lắng nghe từng hơi thở của cô giáo, xem hôm nay cô sẽ ra bài tập gì, ai sẽ bị kêu lên bảng... Cô từng bước chậm rãi đến lấy phấn, viết lên bảng bài tập cuối cùng: "Hãy sống hạnh phúc nhé. Thời hạn nộp: suốt cuộc đời".
Học sinh trong lớp "lặng" người, thời gian như ngừng lại, chỉ nghe tiếng sụt sùi của những giọt nước mắt, tiếng điện thoại chụp ảnh. Đó là tiết học toán cuối cùng của học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nông Cống 2, Thanh Hóa.
Buổi chia tay giữa thầy cô và học trò luôn mang đến những dấu ấn khó phai mờ, có thể đi theo các em trong suốt cuộc đời. Nó thể hiện những cảm xúc thật sự nên thường lấy đi rất nhiều nước mắt.
Có rất nhiều nhiều dạng "bài tập cuối cùng" mà thầy cô giao cho học trò thân yêu của mình, khi các em chuẩn bị bước vào cuộc đời đầy chông gai, thử thách. Trong các bài tập đặc biệt này đều hàm chứa những lời yêu thương, chúc phúc, lời dặn dò của giáo viên dành cho các em.
Học sinh tại buổi lễ trưởng thành tại Trường THPT Trưng Vương. Ảnh: P.L
Học sinh cúi đầu tri ân cha mẹ, thầy cô. Ảnh: P.L
Mới đây, tại lễ tri tân, trưởng thành của học sinh Trường THPT Trưng Vương, cả sân trường như vỡ òa khi MC đọc đến "Bài học cuối" để ôn lại những kỷ niệm quen thuộc trong suốt những năm, tháng dưới mái trường Trưng Vương, từ bảng đen, phấn trắng, bài tập về nhà đến tiếng chuông báo giờ quen thuộc: "Bảng đen, phấn trắng rồi cũng sẽ ở lại. Khoảnh khắc này đây, có lẽ là lúc chúng ta nhận lấy bài tập về nhà của đời học sinh, bài học cuối cùng mà thầy cô, mái trường dành cho chính chúng ta hôm nay và bạn biết đấy, bạn có cả một cuộc đời phía trước để thực hiện bài học cuối này".
Cô hiệu trưởng cảm ơn các em học sinh đã "để Trưng Vương lưu giữ thanh xuân của mình"
Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, phát biểu: “Nhìn thấy những lo toan của ba mẹ, gia đình, thầy cô từ những điều nhỏ nhặt bình thường nhất, các em sẽ nhận ra: những cánh diều bay bổng trên kia là có sợi dây của người ở dưới đất.
Không ai phải có trách nhiệm nấu cơm cho con ăn, đưa đón con đi học, cho tiền con tiêu… nếu đó không phải là máu thịt của mình, nếu không phải là tình yêu thương gia đình.
Các em phải trưởng thành, từ ý nghĩ đến hành động. Đó là mệnh lệnh! Đó là món quà các em trao tặng cho ba mẹ, người thân, thầy cô".
Cô Thủy cảm ơn các học sinh vì đã chọn ngôi trường Trưng Vương: "Cảm ơn các em vì đã là những viên gạch làm nên một Trưng Vương vững chãi. Cảm ơn các em vì đã để Trưng Vương lưu giữ thanh xuân của mình".
Cuối năm, thầy giáo Đỗ Đức Anh, giáo viên ngữ văn, trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) đã giao cho học trò của mình đến 6 "bài tập", những bài này không thêm áp lực mà lại khiến các em cảm thấy ấm áp, thêm động lực để tiếp bước.
Bài tập số 1 là: "Hãy để ai đó trong gia đình ôm em nếu kết quả năm học vừa rồi chưa được như ý"...Bài tập số 4: "Các bạn nam hãy luôn biết cách vượt qua giông bão cuộc đời với tinh thần của một chiến binh. Các bạn nữ hãy đứng dậy, tô thêm son, mỉm cười và kiêu hãnh tiến về phía trước...".
Bài tập số 5: "Một buổi tối nào đó trong đời, nếu em cảm thấy cô đơn hay buồn tủi, hãy hồi tưởng lại những ký ức dịu dàng của thầy trò mình. Hoặc lúc nào đó muốn một ai đó lắng nghe nỗi thất vọng cùng cực của mình, hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây".
Bài tập số 6 thì vừa dễ vừa khó: "Hãy luôn là một người tử tế và hạnh phúc, nghe!".
Rất nhiều "bài tập" cuối cùng của tuổi học trò không có thời hạn nộp, không có bài mẫu, cũng không có dàn ý, các em sẽ giải nó để tìm đáp án trong suối cuộc đời. Như thầy Đỗ Đức Anh đã nhắn nhủ với học trò của mình: "Em sẽ có rất nhiều thời gian để hoàn thành 6 bài tập về nhà này, hãy cứ thong thả, đừng vội nộp bài. Bởi thầy biết, có những bài tập mà em phải mất cả tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời mới có thể làm xong".
Thầy chủ nhiệm dễ mến cũng nhắn nhủ: "Người ta thường nói trưởng thành không phải là lúc ta làm được những chuyện lớn lao mà là lúc ta hiểu được những điều bé nhỏ. Con đường trưởng thành sẽ luôn có sự rời xa theo cách này hay cách khác. Nhưng hãy tin, lời tạm biệt thực ra không phải là lời từ biệt mà là một lời hứa "Hẹn gặp lại". Thầy rất vui vì trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, chúng ta đã gặp gỡ… Tạm biệt em! Hoài mong em nộp bài".
Đầu tư vào việc giáo dục con cái luôn là khoản đầu tư quan trọng và lâu dài. Nhưng lựa chọn “cách đầu tư” như thế...