‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

10 cổ vật được định danh trong đợt đầu này gồm các cổ vật tiêu biểu của vua, quan nhà Nguyễn với ngai vua, kiệu vua, quả cầu cửu long sơn thếp, đôi hia thêu rồng mây, chậu Cành vàng lá ngọc, tô sứ ký kiểu thời vua Minh Mạng, cơi thờ bằng bạc, bức phù điêu chạm khắc cảnh đẹp, bộ xăm hường, thủ bút Từ Huấn Lục.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 1

Nhiều ngày trở lại đây, khi du khách trong nước và quốc tế có dịp tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đều có cảm nhận được sự độc đáo, vì lần đầu được trải nghiệm công nghệ mới ở bảo tàng này.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 2

Họ đã được nhân viên của bảo tàng nhiệt tình giới thiệu về các cổ vật được gắn chip NFC và được định danh bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs, cũng như được hướng dẫn trải nghiệm tham quan bảo tàng số ở địa chỉ museehue.vn.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 3

Du khách dùng smartphone có kết nối mạng và đưa sát vào mã NFC, thiết bị tự động kết nối tới địa chỉ museehue.vn. Nhờ đó, họ được trải nghiệm tham quan bảo tàng ảo, mở ra tương tác đa chiều với thông tin lịch sử, ảnh 3D của cổ vật...

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 4

Dù mô hình triển lãm số trên metaverse khá mới lạ tại Việt Nam nhưng chỉ sau 3 ngày ra mắt đã có gần 2.000 lượt truy cập vào không gian triển lãm số này.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 5

Việc định danh số các cổ vật triều Nguyễn và ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro, ứng dụng công nghệ của Phygital Labs được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện, mở ra hành trình ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đang được lưu giữ ở Cố đô Huế.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 6

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: “Hiện nay, đơn vị đã Scan 3D cho 207 hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. 10 hiện vật được lựa chọn để định danh số nằm trong số 207 hiện vật bao gồm đồ ngự dụng, đồ sinh hoạt, đồ trang trí, thú tiêu khiển… với các tiêu chí về mặt mỹ thuật, tiêu biểu cho kỹ thuật chế tác theo từng chất liệu, các hiện vật có nội dung giới thiệu, câu chuyện hấp dẫn để thu hút người tham gia, không lựa chọn đồ thờ tự gắn với nhân vật lịch sử cụ thể”.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 7

Cũng theo ông Trung, việc định danh số và đưa triển lãm số lên hệ thống metaverse là bước tiến lớn của đơn vị và đem đến cho du khách những trải nghiệm chưa từng có, khác biệt hoàn toàn với cách tìm hiểu thông tin ở các bảo tàng trước đây. Công nghệ này cũng giúp cho du khách biết được cổ vật nào là thật và được định danh.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 8

“Việc triển khai định danh số tạo tiền đề phát huy giá trị di sản, đặc biệt là những sản phẩm cổ vật đang được trưng bày, đưa vào không gian triển lãm số giúp cho nhiều người trong nước, quốc tế có thể tham gia trên không gian số, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, định danh số cổ vật và triển lãm số cũng mở ra hướng mới cho việc phát triển kinh tế số như hướng đến cung cấp dịch vụ tham quan bảo tàng số cho khách quốc tế, tạo ra phiên bản quà lưu niệm (được tái hiện chất lượng cao) kèm với phiên bản số để bán cho khách tham quan”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 9

Được biết, trong thời gian sắp tới, đơn vị này sẽ tiến hành đánh giá về tính hiệu quả của việc định danh số các hiện vật đã thực hiện, có kế hoạch định danh số thêm 89 hiện vật ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, xây dựng đề cương để triển lãm trên không gian số.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 10

Ngai vua thời Nguyễn (1802-1945). Ngai được làm bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng. Ở phần trên là hình ảnh mặt trời trên nền dải mây cách điệu thể hiện quyền lực tối cao của nhà vua. Phần giữa là lưng ngai và tay ngai. Ở lưng ngai được khắc hai chữ thọ. Tay ngai hai bên là 2 hình rồng hướng ra phía trước trong tư thế đạp mây uy nghi thể hiện sức mạnh của vua chúa. Phần dưới là đế, xung quanh phía trên được trang trí hoa văn chữ vạn cùng những hàng cánh sen và đồ án lưỡng long chầu chữ thọ ở 4 cạnh. Phía dưới, tại 4 chân ngai, mỗi chân là một mặt hổ phù, còn 4 diềm xung quanh thì 2 diềm trước sau mỗi diềm một mặt hổ phù lớn theo kiểu long hàm thọ, 2 diềm hai bên là 2 chim phượng.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 11

Kiệu vua thời Nguyễn. Chiếc kiệu chạm lộng đồ án “Lưỡng long triều nhật”, sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, dùng để đi lại trong phạm vi Hoàng thành Huế. Kiệu gồm một cái ghế chạm long vân, có mái che, đặt trên một giàn đòn dài với hai màu chủ đạo là vàng và đỏ.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 12

Quả cầu cửu long sơn thếp thời Nguyễn. Quả cầu cửu long là một tác phẩm độc đáo, được chạm lộng hình long vân, rỗng lòng, dùng để trang trí trong hoàng cung. Đây là tác phẩm được tạo tác để dâng tặng vua Khải Định nhân dịp lễ Tứ tuần đại khánh (sinh nhật lần thứ 40 tuổi) của nhà vua. Hình tượng chín con rồng vờn quanh ngọc châu là biểu tượng của sức mạnh và sự sống. Nó đại diện cho sự may mắn, tốt đẹp và thịnh vượng trong đời sống con người. Bên cạnh đó, số 9 hay còn gọi là số cửu thể hiện cho sự trường tồn, lâu dài. Hình ảnh 9 con rồng hay còn gọi là cửu long là thể hiện sự uy quyền sức mạnh vĩnh cửu.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 13

Đôi hia thêu rồng mây thời Nguyễn. Hia hài hay giày dép của các bậc đế vương, hoàng hậu, công chúa... đều do Cẩm tượng ty thiết kế và cung tiến. Cẩm tượng ty là quan xưởng có nhiệm vụ chuyên may thêu y phục cho vua quan thời bấy giờ. Chất liệu dệt may nên trang phục cho hoàng gia thường là vải vóc cao cấp nhập từ Trung Quốc. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, mỗi khi thiết triều, đại yến tiệc, vua đi hia làm từ tơ màu đen, được thêu với hình rồng mây, văn thủy ba và hoa bằng kim tuyến, trong lót lớp tơ màu đỏ.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 14

Chậu Cành vàng lá ngọc (Lựu) thời vua Đồng Khánh (1885-1889). Kim Chi Ngọc Diệp (hay còn gọi là cành vàng lá ngọc) là loại cổ vật đặc biệt được làm bằng vàng và châu ngọc quý do công xưởng triều đình chế tác, thường được sử dụng để trang trí tại cung điện hoàng thành và lăng của vua chúa. Đây cũng là biểu tượng thể hiện cuộc sống vương giả, sung túc trong hoàng gia nhà Nguyễn.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 15

Tô sứ ký kiểu thời vua Minh Mạng (1820 - 1840). Đồ sứ ký kiểu là cách gọi dùng để miêu tả các sản phẩm sứ được hoàng đế, quan lại và người dân thời xưa đặt làm tại các lò gốm Trung Hoa, từ khoảng giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Tô sứ men trắng vẽ lam, trang trí “lưỡng long triều nhật”.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 16

Bộ xăm hường bằng ngà voi của vua Tự Đức (1848-1883). Đổ xăm hường là trò chơi phổ biến vào các dịp Tết ngày xưa, thể hiện tinh thần ham học và tinh thần cầu tiến đỗ đạt của người xưa. Chơi "đổ xăm hường" là gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ Hán, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa như: Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Tương ứng với mỗi loại thẻ sẽ có một số điểm riêng. Khi chơi, người chơi gieo sáu hột xúc xắc vào chiếc tô sứ, rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ, gọi là hường. Trò chơi kết thúc khi người chơi lấy hết số thẻ và sự phân định thắng thua tuỳ thuộc vào số thẻ mà mỗi người dành được.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 17

Cơi thờ bằng bạc thời vua Khải Định (1916 - 1925). Trong thời Nguyễn, nghệ thuật chế tác bạc rất được chú trọng nhằm phục vụ nghi lễ triều đình và đồ nhật dụng hoàng gia. Từng sản phẩm khi hoàn thiện đều là tuyệt tác kỹ nghệ. Đồ bạc thời nhà Nguyễn chủ yếu chia thành hai loại: đồ thờ tự và đồ mỹ nghệ; trong đó đồ mỹ nghệ chiếm tỷ lệ lớn hơn. Đồ mỹ nghệ được sử dụng để bài trí trong cung điện triều đình nhưng cũng có giá trị sử dụng như các đồ gia dụng khác. Cơi bạc, dùng để bài trí ở các miếu thờ tiên đế, trang trí chữ thọ, rồng mặt ngang.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 18

Bức phù điêu chạm khắc cảnh đẹp thời vua Minh Mạng (1820 - 1841). Bức phù điêu chạm khắc là cổ vật từ nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Bức phù điêu gồm hai phần: Tấm đá quý hình tròn, ngoài được bao bọc bởi khung gỗ. Bên dưới tấm đá là giá đỡ được chạm trổ công phu từ chất liệu gỗ. Với sự độc đáo, tinh tế trong cách tạo hình, bức phù điêu không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn được đặt trong hoàng cung để chắn tà khí, phủ đệ phương Đông. Mặt trước bức phù điêu chạm lồi lõm khác nhau, rất tỉ mỉ, trau chuốt gợi lên một bố cục không gian sáng tạo với đầy đủ: đình tạ, cây cối, chim muông, sông nước, thuyền bè và hai con chim hạc ngậm cuốn thư bay lẫn trong mây. Mặt sau bức phù điêu khắc bài minh của vua Minh Mạng ca ngợi các đời vua trước đã tìm ra nguồn gốc của đạo thánh hiền, từ đó vận dụng vào sách vở, học tập, biên soạn cho người đời sau noi theo mà trị nước.

‘Mục sở thị’ 10 cổ vật triều Nguyễn được định danh số - 19

Thủ bút Từ Huấn Lục, tập 1 của vua Tự Đức là tập sách duy nhất còn giữ được của bộ Từ Huấn Lục gồm 4 tập của vua Tự Đức, nội dung ghi lại 225 lời răn dạy của mẹ là Hoàng thái hậu Từ Dụ (1810-1902). Đây là tác phẩm độc đáo và duy nhất, vừa thể hiện hình thức học tập lễ giáo trong phạm vi gia đình của bậc đế vương như một mẫu mực để thiên hạ noi theo, đồng thời còn là tác phẩm được chính tay Hoàng đế ghi chép lại từ những lời dạy của Hoàng thái hậu, điều chưa từng có trong lịch sử các triều đại quân chủ ở Việt Nam.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Hiệp

CLIP HOT

77 chiến sĩ nhí trải nghiệm học kỳ công an
77 chiến sĩ nhí trải nghiệm học kỳ công an

Trong 12 ngày tham gia học kỳ công an, các học sinh sẽ được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống công an tỉnh Sóc Trăng; huấn luyện quân sự, võ thuật; hướng dẫn kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng an toàn và hiệu quả.