Giải mã địa danh Cái Chiên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ rất lâu, nội dung ý nghĩa những địa danh này trở nên bí ẩn ngay cả với dân bản địa.

Cái Chiên là một hòn đảo xinh đẹp của miền Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Người dân Cái Chiên cũng như ở huyện Hải Hà đã quen với các cách gọi tên đảo khác nhau: Thanh Mai, Cái Tiên, Cái Kiên, Cái Khiên, Cái Chuyên, Cái Chiên… thậm chí cả tên tiếng Pháp: Château-Renaud, tên tiếng Hoa: Xing Moui Tiai, Gai Tien Xa… nhưng dùng hàng chục tên như vậy rất khiến du khách thăm đảo sửng sốt kêu lên: '…

Trời đất, nhiều tên thế, các tên ấy có nghĩa là gì vậy?'. Câu trả lời là thường là: '… Không rõ đâu va! Các cụ ngày xưa đã gọi như vậy'. Từ rất lâu, nội dung ý nghĩa những địa danh này trở nên bí ẩn ngay cả với dân bản địa. Phải nhìn nhận từ sự giao thoa văn hóa, giao thoa ngôn ngữ rất đặc trưng của miền đảo này, nhìn nhận từ những nét đẹp bản sắc của địa phương mới có thể hiểu lịch sử tên gọi của đảo Cái Chiên.

Thanh Mai - tên cổ nhất

Thanh Mai vốn là tên cổ nhất của đảo Cái Chiên mà chúng ta được biết qua ghi chép của bộ địa chí đầu tiên thời nhà Nguyễn. Ngay từ đầu thế kỷ XIX, trong sách Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí (do Lê Quang Định, Thượng thư Bộ binh khởi sự biên soạn chỉ sau 1 năm ngày lên ngôi vua Gia Long) đã miêu tả các dãy đảo hẹp dài của miền Đông (thuộc địa phận các huyện Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái bây giờ như: Đảo Đá Dựng, đảo Bò Vàng, đảo Vạn Nước, đảo Vạn Mực, đảo Cái Chiên, đảo Vĩnh Thực…) là những “vách núi dựng đứng” giữa biển và đều gọi là “vách Thanh Mai”.

Đến sách Hải Dương Phong vật chí (do Trần Công Hiến, trấn thủ Hải Dương thời Gia Long biên soạn và tổng hợp) vẫn nhắc “vách Thanh Mai” nhưng để chỉ riêng đảo Vĩnh Thực (Móng Cái) và đảo Cái Chiên (Hải Hà) bây giờ, hai đảo này đều “Kế lấy Cửa Đài”:

“Tự Cửa Tán cứ ngoài mà chạy,Vách Thanh Mai kế lấy Cửa Đài.

Chớ khinh Cửa Tiểu nhỏ nhoi,Việc đi bể đã chẳng chơi đâu là”.

(Hải Dương phong vật chí, tác giả Trần Công Hiến, trang 306, Nhà xuất bản Lao động - 2009).

Cửa Đài được nhắc đến trong vùng biển miền Đông Bắc này (hay còn gọi là Cửa Đại - trong bản đồ của sách Đồng Khánh Dư địa chí ghi tên: Phú Đại Môn) là một cửa biển nước sâu, trước đây thuộc xã Vĩnh Thực của Móng Cái, nay là cửa biển chung với xã Cái Chiên của huyện Hải Hà. Trước thời Pháp thuộc, hai đảo Vĩnh Thực và Cái Chiên thường được gọi là “vách Thanh Mai”.

Trong ngôn ngữ của ngư dân địa phương miền Đông, các dãy đảo hẹp, dài, nằm giữa biển chắn sóng cho đất liền được gọi là các “vách”, thay vì gọi “đảo Thanh Mai” thì tiền nhân gọi là “vách Thanh Mai’. Một thực tế khá thú vị là ngày nay các cụ cao niên không thích gọi đảo của mình là “vách”, bởi tâm lý gọi “vách” là gợi nhớ một thời nghèo khó, vất vả, cơ cực, bám “vách” sinh sống, nhưng nhắc đến tên “Thanh Mai” thì các cụ thấy quý lắm, như gợi lại một bầu trời ký ức quê hương.

Giải mã địa danh Cái Chiên - 1

Có phải tên Thanh Mai của đảo Cái Chiên bắt nguồn từ tên loài cây bản địa rất đặc sắc này không?

Xưa kia các đảo miền Đông vốn mọc rất nhiều cây thanh mai (hay còn gọi là cây dâu rượu, danh pháp khoa học là: Myrica esculenta). Có phải tên Thanh Mai của đảo bắt nguồn từ tên loài cây bản địa rất đặc sắc này không? Rất có thể, bởi những địa danh cổ luôn được đặt tên từ những gì đặc trưng nhất của vùng đất và thường là những nét đặc trưng của tự nhiên. Từ xa xưa, người miền Đông đã biết dùng quả thanh mai ủ rượu như một loại rượu vang bản địa và làm thuốc thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, chữa bệnh đường ruột, giúp tan máu bầm…

Cũng như sim, thanh mai tưởng chỉ mọc như cây bụi nhưng thực ra vẫn có thể cao lớn như cây cổ thụ nếu hợp đất. Trong một số vườn nhà dân Hải Hà hiện nay vẫn còn những cây thanh mai cao tới 3 tầng nhà, khi hái quả phải bắc thang rất cao để rung cành cho quả rụng xuống rồi nhặt. Thanh mai cũng mọc nhiều trên vùng rừng núi cao của huyện Hải Hà như ở xã Quảng Sơn và Quảng Đức, khi xưa đồng bào miền núi còn dùng thân cây thanh mai để làm cọc nhọn chọc lỗ tra lúa nương vào ngày lễ xuống giống với ý niệm trừ tà cho mùa vụ tươi tốt.

Nhưng nhắc đến thanh mai miền Đông xưa thì không thể không nhắc đến thanh mai ở đảo, nhất là hai đảo Vĩnh Thực và Cái Chiên. Thanh mai ở đảo mọc nhiều hơn, quả tuy nhỏ hơn nhưng lại thơm ngon đậm hương vị hơn, như lắng đọng hương biển và chắt lọc tinh túy ẩn sâu sau bao lớp sỏi đá. Ngư dân Cái Chiên xưa ngoài đánh bắt cá cũng hái lượm thanh mai, để phục vụ cuộc sống hoặc để mưu sinh. Người lớn thường chặt cả cành thanh mai mang về làm quà cho trẻ nhỏ vặt ăn từng quả một. Quả chín thì rất ngọt, quả ương thì chua không tả nổi, nhưng trẻ con mà, cứ ăn lân la hết quả chín đến quả xanh, ăn không sót quả nào, vị chua đọng lại mãi. Tới khi lớn lên, không ai còn ăn nổi vị chua của thanh mai xanh nhưng vẫn không thể nào quên được hương vị đậm ký ức tuổi thơ ấy và cứ thấy thanh mai vào mùa thì lại thèm, như là một phản xạ vô thức vậy!

Những tên gọi thú vị sinh ra từ sự giao thoa ngôn ngữ

Nhưng vì sao đang từ tên Thanh Mai lại gọi sang tên đảo Cái Chiên như vậy? Tưởng như hai tên này chẳng liên quan gì đến nhau, thực ra lại liên quan mật thiết. Đó là cả một câu chuyện dài về sự giao thoa ngôn ngữ rất đặc trưng trên vùng biển đảo này cũng như miền Đông nói chung.

Trở lại với tên quả thanh mai, người Hoa thường gọi đó là quả dương mai, đôi khi gọi là quả tiên mai. Họ gọi quả tiên mai với ý thanh mai ngon vì loại thanh mai ngon nhất của Trung Quốc là ở đất Tiên Cư (tỉnh Chiết Giang), ngoài ra, còn có hàm ý đây là loại quả ngon của chốn thần tiên. Thay vì gọi là đảo Thanh Mai như người Việt, thì họ gọi là đảo Tiên Mai.

Người phương Tây đã ghi lại rất trung thành âm đọc của người Hoa trên vùng biển đảo này địa danh Tsien Mui Tao hay Tsieng Mui Tao cho đảo Vĩnh Thực. Xem lại các bản đồ quân sự Tonkin của Pháp thời chiến tranh Đông Dương hay ngay sau thời đó, trong các sách điều hướng cho phi công của Mỹ đều thấy ký hiệu tên đảo Vĩnh Thực như vậy, quy chiếu sang âm Hán - Việt là Tiên Mai Đảo.

Trong khi Vĩnh Thực được gọi là Tsien Mui (âm Pạc Và của tên Tiên Mai) thì Cái Chiên lại được gọi là Xing Moui Tiai (âm Ngái-Hakka của tên Thanh Mai, đọc hơi giống Xinh Mùi Tia bằng tiếng Việt), nhưng gọi như nào thì cũng là cách gọi lại tên Thanh Mai theo một ngôn ngữ khác mà thôi.

Giải mã địa danh Cái Chiên - 2

Người dân xã Cái Chiên trồng thanh mai tại khu vực Đồi Tròn trên đảo, tháng 3/2022.

Gai Tien Xa cũng là một ký âm của Pháp ghi lại âm tiếng Hoa gọi cho đảo Cái Chiên, nó có thể hiểu theo âm Hán Việt là Cái Tiên Hạ, tức phần dưới của Cái Tiên, nếu coi Vĩnh Thực là phần trên. Qua đó, ta thấy có sự gọi tắt từ Tiên Mai Đảo (Tsien Mui Tao) thành Cái Tiên chứ không phải đầy đủ Cái Tiên Mai. Trước năm 1979, miền Đông có rất nhiều người Hoa hay người Việt gốc Hoa sinh sống, thuộc nhiều nhóm và tộc người khác nhau như người Quảng Đông, người Phúc Kiến, người Ngái, người Hakka, người Sán Dìu, người Sán Chỉ, người Dao Thanh Phán, người Dao Thanh Y… gọi chung là họ nói tiếng Hoa nhưng thực ra là rất nhiều dòng ngôn ngữ phát âm na ná nhau.

Sự khác biệt ngôn ngữ trước đây khiến cho người nghe có thể ký âm chưa thực sự chuẩn xác như sau này chúng ta có phiên âm quốc tế chung. Tsien và các biến âm Tiên, Thiên, Kiên, Khiên, Chuyên và Chiên là rất phổ biến giữa các cách ký âm tự do hay giữa các giọng điệu ngôn ngữ khác nhau trên vùng miền Đông đậm đà sự giao thoa văn hóa Hoa - Việt này.

Vì thế, sau tên Thanh Mai, Xing Moui Tiai, Gai Tien Xa, chúng ta còn được nghe các tên gọi khác nhau và vắn tắt hơn cho cùng một đảo: Cái Tiên, Cái Kiên, Cái Khiên, Cái Chuyên và Cái Chiên. “Cái” ở đây có thể hiểu nghĩa là đảo đất giữa vùng sông nước có đông ngư dân cập thuyền ghé bến và sinh sống ven bờ hoặc trên đảo. Còn Kiên, Khiên, Chuyên và Chiên là biến âm và gọi tắt của Tiên trong tên Tiên Mai, mà tên Tiên Mai vốn là cách gọi của người Hoa cho tên Thanh Mai.

Château-Renaud là tên tiếng Pháp

Ngoài ra đảo Cái Chiên còn từng được người Pháp gọi bằng tên tiếng Pháp là Château-Renaud (có thể viết là Chateau Renaud, Chateaurenault). Château-Renaud vốn là tên của 1 trong 3 chiến hạm lớn của Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng năm 1858. Chiến hạm này cũng đi tuần sát khắp khu vực biển Đông ngay trước khi quân đội Pháp đổ bộ xâm chiếm và dựng đồn binh tại Hà Cối vào năm 1886. Không rõ có liên quan gì không khi tên đảo Cái Chiên bằng tiếng Pháp lại trùng tên với chiến hạm to dài lực lưỡng như một dãy đảo dài hẹp rất đặc trưng của miền Đông này? Coi như đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Château-Renaud khi đọc bằng tiếng Việt thì gần giống như Sa-tô Ha-nô. Sa-tô có nghĩa là pháo đài, một số đảo của Quảng Ninh được gọi mào đầu trước tên chính bằng từ Sa-tô, có thể vị trí các đảo là chỗ quan trọng nơi cửa biển qua lại nhiều nên cần đặt pháo đài canh gác hoặc đảo đó có giá trị như một pháo đài canh gác. Château-Renaud cũng là tên một hòn đảo của Pháp, nó có nghĩa là Pháo đài của bá tước Renaud. Đặc trưng của hòn đảo Pháp này là có một pháo đài cổ nổi tiếng, cũng có một loại vang nho bản địa nổi tiếng, tới mức người ta gọi luôn tên loại vang này là rượu Château-Renaud.

Có gì đó liên quan không khi đảo Thanh Mai xưa (tức đảo Cái Chiên nay) kế ngay bên cửa biển sâu nhất miền Đông - Cửa Đài - tấp nập thuyền lớn qua lại và cũng có loại rượu vang hoa quả đặc sắc ngâm từ loại thanh mai bản địa của đảo, trùng với tên đảo?

Vì không có văn bản ghi lại lý do đặt tên Pháp cho đảo Cái Chiên nên chúng ta chỉ có thể liên tưởng tới sự đồng điệu văn hóa bản địa của 2 đảo để hiểu thêm như vậy thôi. Sa-tô Ha-nô chắc chỉ được gọi chủ yếu bởi quân đội Pháp và được ký hiệu trên các bản đồ Đông Dương, còn dân ta vẫn quen gọi đảo bằng các tên bản địa và tên cuối cùng là đảo Cái Chiên. Đảo Château-Renaud được đổi tên chính thức trên giấy tờ đơn vị hành chính là đảo Cái Chiên theo Quyết định 372-NV của Bộ Nội vụ ngày 23/07/1968.

Ký ức văn hóa địa danh cổ gợi lại bản sắc của đảo

Người già vẫn kể chuyện Cái Chiên xưa có loài voọc đầu trắng sinh sống, chúng là loài voọc bản địa cực kỳ quý hiếm, hiện nay trên thế giới chỉ còn đôi ba chục cá thể được nuôi bảo tồn trên đảo Cát Bà mặc dù xuất phát điểm người ta phát hiện chúng ở đảo Cái Chiên. Những năm đói kém, cán bộ và nhân dân có sáng kiến… bắt voọc bán đi để cải thiện đời sống, góp phần giúp dân qua nạn đói. Voọc đầu trắng vắng dần và cây thanh mai cũng hiếm dần.

Quả thanh mai vốn là món ăn yêu thích của loài voọc này, hạt thanh mai được voọc nhằn ra gieo rắc khắp nơi trên đảo. Giờ đây, đôi lúc chúng ta tự hỏi: Nếu bảo tồn được cây thanh mai thì có thể bảo tồn cho voọc đầu trắng sinh sống tự nhiên trên đảo Cái Chiên như xưa được không? Có lẽ phải đánh thức lại sinh thái bản địa từ cây thanh mai cũng như sự trong lành, hoang sơ, giàu sức sống của đảo mới trả lời được câu hỏi ấy!

Giải mã địa danh Cái Chiên - 3

Đảo Cái Chiên nhìn từ xa, trên cao như một con chạch chắn sóng khổng lồ cho đất liền.

Miền Đông xưa có chợ cá Hà Cối là lớn nhất, chợ họp trên vuông đất sát ngã ba sông Hà Cối (bây giờ là khuôn viên Nhà văn hóa phố My Sơn), ngư dân (sống ngoài đảo hoặc sống thủy cơ) thường mang cá vào chợ này bán hoặc đổi lấy lúa gạo, rau củ, muối, cây thuốc... Ngoài những lồ cá và hải sản to nhỏ lớn bé, đến mùa thanh mai, ngư dân còn chở vào bến My Sơn những cốc lồ thanh mai chín thẫm, thơm nức, ngon ngọt mà vẫn chắc quả chứ không mềm nhũn.

Thanh mai được dân bản địa yêu mến nên chả mấy chốc mà ngư dân cũng bán hết các lồ quả thơm ngon ấy. Đến bây giờ dân Hải Hà vẫn yêu thích thanh mai nhưng thường phải mua quả nhập nội từ thị trường Trung Quốc, vì từ lâu nơi đây đã không còn nhiều thanh mai tự nhiên để khai thác nữa. Thực tế mai một dẫn đến ký ức mai một, có thể vì thế mà nhiều người không còn hiểu ý nghĩa tên Thanh Mai - cái tên mộc mạc đầu tiên của đảo Cái Chiên - cái tên bắt nguồn từ sản vật đặc trưng của đảo xưa. Chỉ có những cụ già nhất trên đảo là thấy bổi hổi bồi hồi khi có ai đó nhắc đến tên Thanh Mai xưa.

Tháng 3/2022, chính quyền và nhân dân xã Cái Chiên đã tổ chức trồng bảo tồn 100 cây thanh mai tại Đồi Tròn - nơi đặt biểu tượng Thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hải Hà. Các cụ già được trân trọng mời đến trồng cây như “trồng lại ký ức” cho thế hệ sau biết được ý nghĩa văn hóa, lịch sử của cây thanh mai, của địa danh cổ Thanh Mai; từ đó giáo dục thế hệ sau biết yêu mến bản sắc văn hóa địa phương, biết nâng niu loài cây thanh mai bản địa - loài cây có rất nhiều hứa hẹn trở thành sản phẩm OCOP của xã đảo Cái Chiên trong tương lai.

Thanh mai có thể được ăn tươi hay nấu mứt, được ngâm rượu hay làm dấm hoa quả, được nấu siro hay cấp đông để thả mát vài quả trong cốc nước lọc làm tăng chất mát và hương vị biển đảo, núi rừng. Và đặc biệt, các vườn thanh mai sẽ rất hấp dẫn khách du lịch chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch, chế biến, thưởng thức, mua làm quà… Giá trị ở chỗ cây thanh mai là cây bản địa, không phải nơi nào cũng có, không phải nơi nào trồng nó cũng ra quả ngon. Chỉ những huyện giáp biên giới Trung Quốc mới có nhiều thanh mai như Hải Hà, Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh và đặc biệt là ở hai đảo Vĩnh Thực, Cái Chiên thì thanh mai đặc biệt ngon.

Trong chương trình trồng bảo tồn 100 cây thanh mai ở Cái Chiên vừa qua, các cụ già trực tiếp đi trồng cây thanh mai, các bạn trẻ phụ giúp các cụ đào hố trên đất đồi, lấy phân chuồng (thanh mai không ưa phân hóa học) và làm rào cho cây, các thành viên nhóm “Hà Cối Nét Xưa” quyên góp tặng cây giống và lan tỏa những hình ảnh đầy ý nghĩa ấy đến với cộng đồng mạng xã hội. Thực sự đã tạo nên một ấn tượng rất tốt đẹp đầy hứa hẹn trong tương lai: Gieo mầm tình yêu sinh thái bản địa và văn hóa bản sắc trên đảo Cái Chiên.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mai Anh (BQN)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.