Đến Huế xem di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Triển lãm này là hoạt động văn hóa, du lịch quan trọng trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Huế 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh của đất nước và con người Việt Nam.

Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng TP Huế và Thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND TP Huế và 31 tỉnh/thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kon Tum, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau thực hiện triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.

Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” sẽ diễn ra ở Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thành phố Huế (số 41A Hùng Vương, TP Huế) từ ngày 27/4 đến ngày 2/5.

Đến Huế xem di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công - 1

Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” sẽ diễn ra ở Huế.

Đây là hoạt động văn hóa, du lịch quan trọng trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh của đất nước và con người Việt Nam.

Triển lãm này sẽ có nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn. Khu triển lãm chung mang tên “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam” giới thiệu đến công chúng nhiều nôi dung trưng bày đặc sắc.

Cụ thể, du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, những di sản được UNESCO vinh danh: di sản văn hóa thế giới; di sản thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu; hình ảnh các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mọi miền cả nước qua những bức ảnh đẹp, nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia.

Nội dung các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay đưa người xem đến những vùng đất một thời là Kinh đô Việt Nam, nơi khắc sâu dấu ấn lịch sử văn hóa từ ngàn đời, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước; hình ảnh du lịch, di sản văn hóa các vùng kinh đô Việt Nam: Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, TP Huế và Hà Nội.

Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam tập trung giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc của các vùng trên đất nước Việt Nam như: Văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ với áo dài truyền thống, vải thổ cẩm bằng tơ tằm; không gian gia đình người Kinh xưa ngồi quây quần bên mâm cơm trong gian bếp; một số nghề thủ công truyền thống như in tranh dân gian Đông Hồ, nghề điêu khắc, chạm bạc, chạm đồng…; Văn hóa vùng Thung lũng và Núi cao phía Bắc với nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ và cuộc sống hàng ngày của người dân tộc Mông, Dao, Tày; Văn hóa các dân tộc miền Trung trưng bày tổ hợp Nhã nhạc cung đình Huế và một số nhạc cụ dùng trong dàn nhã nhạc; Văn hóa vùng Nam Bộ trưng bày một số nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử Nam Bộ; tượng phật, bát khất thực, cây bông, lồng bàn đậy lễ vật khi lên chùa và dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khmer…

Không gian Triển lãm “Lụa Việt Nam và Câu chuyện áo dài” là những câu chuyện về tơ lụa Việt Nam, qua những tấm lụa tinh hoa, đa sắc màu, là sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đồng thời, trưng bày và giới thiệu các bộ sưu tập áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế, tôn vinh và lan tỏa hình ảnh vẻ đẹp của người phụ nữ với những chiếc áo dài qua từng thời kỳ để nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam đến với thế giới.

Bên cạnh đó, còn có không gian văn hóa trà Việt giới thiệu sản phẩm và giao lưu văn hóa trà của các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên...

Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” của 31 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng, miền trên toàn quốc, giới thiệu những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội, danh thắng tiêu biểu; các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; ẩm thực và sản vật tiêu biểu của các địa phương như Hà Giang, Bắc Ninh, Huế, Đắk Lắk...

Xuyên suốt các ngày diễn ra triển lãm là các chương trình nghệ thuật đặc sắc quy tụ các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành gồm các tiết mục mang đậm bản sắc của mỗi vùng miền tham gia triển lãm.

Đó là chương trình nghệ thuật “Lung linh những sắc màu Di sản”, “Về Miền Hương Ngự”, “Nhịp sống trẻ”, giao lưu nghệ thuật “Việt Nam quê hương tôi”, vào tối 30/4 sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam - thống nhất đất nước “Việt Nam vang khúc khải hoàn”…

Triển lãm này là hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần tăng cường giao lưu giữa các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch và văn hóa nghệ thuật và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân

CLIP HOT

Travel blogger Nhị Đặng: Đóa 'hoa tiêu' không ngại gai góc
Travel blogger Nhị Đặng: Đóa 'hoa tiêu' không ngại gai góc

Câu chuyện của nữ travel blogger Nhị Đặng dám nghĩ, dám đi và dần tỏa sáng với những sắc màu khác biệt đã truyền cảm hứng cho "một nửa còn lại của thế giới", nhóm lên trong họ những khao khát được đi để trải nghiệm và mở rộng nhân sinh quan.