TP.HCM 'góp món' cho bản đồ ẩm thực, chỉ cần chạm là tìm được quán ngon
Với nhiều món ăn ngon, đa dạng và đặc sắc, TP.HCM sẽ là điểm nhấn cho bản đồ ẩm thực, góp phần mang bếp ăn Việt ra thế giới.
Xứ sở vàng của làng ẩm thực
Sài Gòn - TP.HCM là vùng đất hội tụ rất nhiều người dân từ khắp nơi trên cả nước và người nước ngoài đến định cư, lập nghiệp. Ẩm thực từ đó cũng pha trộn nhiều nét đặc sắc của ẩm thực các vùng miền và hương vị của các quốc gia khác trên thế giới.
Ở đây, du khách có thể thưởng thức các món ăn đa dạng và phong phú từ mọi miền đất nước như Phở Hà Nội, bún bò Huế, lẩu mắm Châu Đốc, hủ tiếu Mỹ Tho, tôm lụi Bạc Liêu... Những món ăn này đã được điều chỉnh để thích ứng với khẩu vị của người dân Nam Bộ, nhưng vẫn giữ cái hồn túy của quê hương, tạo ra một hương vị đậm chất Sài Gòn không nơi nào có được.
Cơm tấm Sài Gòn. Ảnh: Gloygloygloy
Du khách phương xa tới đây còn bị hấp dẫn bởi những món ăn đường phố giản đơn như bánh mì nóng giòn, gỏi cuốn, bò bía ngọt, súp cua… Những món ăn này dễ dàng tìm thấy khi đi bất kỳ con phố, ngõ hẻm nào ở Sài Gòn.
Ông Lý Sanh - Nguyên chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, cho rằng, ẩm thực là một sản phẩm phục vụ trong du lịch và chiếm 25%, thậm chí ở nhiều địa phương còn chiếm đến 50% các nhu cầu khác. Tại nhiều nơi, khách đi du lịch chỉ ở lại trong những homestay, khách sạn nhỏ còn việc ăn uống được họ chú trọng hơn gấp 2 lần.
“Do đó, ẩm thực mang lại nguồn lợi rất lớn, nếu khai thác tốt, đây sẽ là thế mạnh để phát triển du lịch trong tương lai, góp phần lấy lại vị thế cho ngành du lịch TP.HCM sau đại dịch”, ông Sanh nhận định.
Món bún bò Huế trong nhà hàng sang trọng
Bà Võ Thị Thanh Kiều - Trưởng phòng Phòng quản lý cơ sở lưu trú du lịch, Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng, ăn, ở là nhu cầu cơ bản của con người. Đời sống của con người càng được nâng cao thì nhu cầu ăn uống càng tăng lên, họ không còn ăn để sống mà là ăn để thưởng thức.
“Ẩm thực đã thật sự trở thành một hình thức để thu hút khách du lịch, đi đâu khách du lịch cũng hỏi “ăn món gì”, “ăn ở đâu ngon”, bà Kiều nhận xét.
Bánh tráng nướng - món ăn đường phố được giới trẻ rất yêu thích
Chính vì thế, du lịch ẩm thực là một trong những sản phẩm "chiến lược” của TP.HCM. Tuy nhiên, để phát triển du lịch ẩm thực không chỉ món ăn ngon là đủ.
Kinh nghiệm từ các quốc gia hay điểm đến phát triển du lịch ẩm thực trên thế giới cho thấy, những món ăn ngon có thể làm du khách hài lòng nhưng một trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn có thể khiến du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn để tham gia vào các hoạt động trải nghiệm khám phá những câu chuyện ẩm thực tại điểm đến.
Bản đồ số mang ẩm thực đi xa
Theo ông Lê Tân - Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, các món ăn của TP.HCM nói riêng và Việt Nam hội tụ đủ âm dương, mang tính ngũ hành. “Vì vậy món ăn không chỉ giúp no bụng mà còn có tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe… đó chính là sự khác biệt giữa ẩm thực Việt Nam so với thế giới và là một trong những yếu tố tạo nên hồn cốt dân tộc” - ông Tân cho biết.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực Nguyễn Nhã, cho rằng Việt Nam có hơn 3.000 món ăn, tuy nhiên trong menu của các nhà hàng chỉ có tên vài trăm món ăn.
“Chúng ta phải quảng bá, lan tỏa nhiều hơn để không chỉ người Việt mà bạn bè quốc tế đều biết đến, biết được nét đặc sắc, hấp dẫn của các món ăn Việt để tìm đến trải nghiệm, thưởng thức”, ông Nhã đề nghị.
Mới đây, Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới, đã cho ra mắt dự án “Bản đồ Du lịch Ẩm thực Việt Nam” (http://rav.vn/vietnamfoodtravelmap/) dưới sự đồng hành và bảo trợ của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.
Du khách hào hứng với ẩm thực đường phố ở Sài Gòn. Ảnh: Shutterstock
Từ bản đồ này mọi người đều có thể chia sẻ hình ảnh, video trải nghiệm ẩm thực tại Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội, những hình ảnh, video sẽ được tổng hợp và thể hiện trên bản đồ theo vùng miền và tỉnh thành. Du khách có thể tương tác và xem những món ăn đặc sản của một vùng miền, tương tác với địa điểm ăn uống.
TP.HCM góp mặt trên bản đồ du lịch ẩm thực với nhiều món ăn ngon. Ảnh chụp màn hình
Ông Lý Sanh - Nguyên chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, nhìn nhận: “Từ xưa chúng tôi đã rất muốn khai thác nền ẩm thực của TP.HCM cũng như của Việt Nam, đã có ý tưởng đưa bếp ăn Việt ra thế giới nhưng chưa làm được”.
Ông Sanh cũng bày tỏ tin tưởng bản đồ du lịch ẩm thực sẽ chia sẻ cho cả thế giới biết về ẩm thực của nước mình, biết địa phương nào có món gì ngon, có gì hấp dẫn… để khi tới Việt Nam họ sẽ tìm ngay đến đó thưởng thức. “Nếu chúng ta làm tốt, bản đồ này sẽ là thế mạnh, là bước ngoặc để phát triển nền kinh tế về ẩm thực”, ông Sanh nói thêm.