Văn Công Hùng tự lái xe xuyên Việt: Sướng đến thế là cùng!
Đây là những câu chuyện mắt thấy tai nghe trong chuyến phượt xuyên Việt đúng nghĩa của nhà thơ U70 Văn Công Hùng sau 3 năm chính thức hưu.
Về hưu với ai đau khổ chả biết, chứ với tôi nó sung sướng như cuộc... đổi đời. Nhưng rồi lại có một việc làm part-time sau hưu, cũng rất sung sướng, rất thú vị, phù hợp với khả năng của mình, nhưng lại vẫn cứ thấy bị bó buộc. Sau tết, nghỉ thêm thời gian dịch thì tôi quyết định, nghỉ hoàn toàn để đi phượt - chuyến phượt đúng nghĩa sau 3 năm nghỉ hưu.
Cuộc dạo chơi thảnh thơi và thú vị
Tôi có con i10 gắn bó với tôi năm năm nay mà bạn bè vẫn hay gọi là i10 thần thánh. Năm năm, tôi chạy gần 4 vạn cây số thì không nhiều nhưng cũng không ít. Các lần trước tôi chạy là đều đi làm việc, lần này đúng nghĩa đi chơi.
Nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng. Ảnh: NVCC
6h30 phút sáng, tôi đề pa từ thành phố Pleiku, đi đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh mùa này rất đẹp. Lau bạt ngàn trắng bồng bềnh bồng bềnh, dù nó không phải là đặc trưng Tây Nguyên.
Đến một đoạn đẹp không chịu nổi thì dừng xe chụp ảnh. Đây là đoạn cuối đèo Lò Xo, con đèo nhiều người nghe tới đã sởn gai ốc. Nhưng tôi, với tư cách người đã ôm vô lăng qua lại con đèo này mấy chục lượt, thì kết luận tai nạn xảy ra là do chạy ẩu. Chứ cứ đúng tốc độ và kỹ thuật lái, thì xe nó lướt như... mây bay, như những ngọn lau phơ phất kia thôi.
Những cánh rừng về cơ bản đã... trụi nhưng thi thoảng thình lình một cây lá đỏ rừng rực hiện ra. Chạy hơn 100 cây số thì không còn cảm giác mình lái xe nữa, mà là cuộc đi dạo, thảnh thơi và thú vị...
Ôm vô lăng qua những cung đường đẹp nhất
Đèo Lò Xo dài chừng hơn hai chục kilomet, nằm giữa ranh giới tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Chân đèo phía Kon Tum là cái quán ăn nổi tiếng mà tôi căn giờ để ghé mỗi khi đi đường này, phía Quảng Nam được đánh dấu bởi bức tượng đức mẹ một nhà hảo tâm nào đó cung tiến dựng lên sau vụ các cụ cựu chiến binh tử nạn trên đường thăm lại chiến trường xưa năm nào.
Phải công nhận rằng, mà chả công nhận thì nó cũng là chân lý rồi, xưa nay, đi trên những đường đèo là đẹp nhất, thú vị nhất, ngoạn mục nhất, đã đời nhất. Ngồi trên xe đã sướng, ôm vô lăng càng sướng. Cứ đi, tôn trọng xe mình, tôn trọng đèo, tôn trọng xe ngược chiều... đi cả ngàn năm vẫn yên bình.
Lại thêm ngành giao thông có sáng kiến dùng lốp ô tô làm hộ lan đường, vừa vui vui vừa nghe nói rất tốt... Và rất nhiều các con đường cứu nạn. Xe lỡ mất phanh thì cứ bình tĩnh điều khiển, chỉ vài chục mét sẽ có con đường cứu nạn hiện ra. Đấy là một con đường cụt, dốc ngược lên, đổ cát. Đến xe tăng mất phanh chui vào đấy cũng phải dừng. Hình như từ hồi có các con đường cứu nạn này, số lượng vụ tai nạn ít hẳn.
Lau nở trên đường Hồ Chí Minh
Nó cũng như hồi lần đầu tiên tôi đi qua dốc Cun, rồi khe Thung. Trước đấy nghe về nó rất khủng khiếp, nghe đâu còn có người gọi đấy là nghĩa địa xe, bởi các xe bị tai nạn quá nhiều. Qua rồi thì thấy nó cũng... thường thôi, nếu mình chạy cẩn thận, đúng tiêu chuẩn cho phép. Và khi ấy thì thống khoái vô cùng. Tới một khúc cua, có một khoảng đất trống và một tảng đá lớn, dừng xe vào chỗ được phép, đứng đấy ngắm toàn bộ đồng bằng phía dưới, chụp một bức ảnh, rồi khoan khoái đi tiếp.
Tới Thung Khe, dừng lại ăn bắp ngô nướng hoặc luộc, nhìn mây là đà, ngắm cô gái Thái thoăn thoắt xẻ thịt lợn bán, những cái lưng gùi đặc sản những là mật ong, rau rừng, măng... đi bấp bênh trong sương... thì đời du lịch, nghĩ cho cùng, cũng chỉ sướng tới thế là cùng...
Trên mấy trăm cây số đường Hồ Chí Minh, vẫn còn dăm ba chỗ có rừng nguyên sinh. Và giữa những tán rừng xanh ngằn ngặt ấy đột ngột hiện ra một cái cây đỏ lừ từ ngọn xuống gốc. Nó đẹp man dại, đẹp sửng sốt, như một đốm lửa vụt lên giữa thăm thẳm rừng già.
Nhớ câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi dạo nào "Rừng lạ, ào ào lá đỏ". Chả nhẽ thời ấy bác Thi thấy những cái cây như thế này để rồi ông viết lên mấy câu thơ rừng rực như thế, để đến giờ khiến tôi, kẻ hậu sinh, đành lẩm nhẩm cả đọc và hát cái câu ấy khi ngoặt vào một cua thấy một màu đỏ rực đột ngột hiện hình bên kính xe...
Thưởng thức đặc sản rừng dọc đường Hồ Chí Minh
Có lần tôi viết, nếu tôi làm du lịch Quảng Nam, nếu tôi là cán bộ huyện Nam Giang, thậm chí là cán bộ xã Cà Dy, tôi sẽ cho dựng một cái biển lớn bên đường, đoạn qua làng Rô mà con đường Hồ Chí Minh chạy qua ấy: Đây là làng Rô. Chỉ thế thôi thì tôi tin, tất cả mọi chuyện sẽ khác. Làng Rô, ký ức một thời, ngôi làng có tên trong thơ Tố Hữu: "Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng...".
Được biết làng Rô hiện vẫn còn nghèo. Bằng cách làm du lịch từ câu thơ ấy, từ câu chuyện dân làng đã hết lòng che chở, nuôi giấu nhà thơ cùng đồng đội khi vượt ngục Đăk Glây tới ngôi làng này, có thể sẽ có một hướng mới để bà con có thêm thu nhập. Và quan trọng nữa, nó giúp lịch sử không bị lãng quên. Giờ, làng Rô im lìm, lặng lẽ lẫn vào các ngôi làng khác ven đường Hồ Chi Minh, người ta lơ đãng chạy qua, như chưa từng có một làng Rô ngay bên đường...
Vùng rừng Khâm Đức mà đường Hồ Chí Minh chạy qua, có mấy món "Đặc sản rừng" rất ngon. Là rau, gồm các loại rau dớn, rau tàu bay, môn thục, và đặc biệt là rau lủi. Sở dĩ gọi rau lủi vì nó cứ lủi vào các hốc đá mà lên. Màu hơi tím. Giờ các nhà hàng, ban đầu là khu vực Trường Sơn Tây Nguyên, giờ thì thấy khắp miền trung, trong thực đơn có món rau này.
Nhà thờ gỗ Kon Tum, nơi đường Hồ Chí Minh chạy qua.
Ở Tây Nguyên, người ta chấm với mắm cua, hôm tôi ăn ở Đà Nẵng thì chấm với kho quẹt, về Huế thì chấm với... quẹt kho, vì nó khô hơn, không chấm mà gắp kho quẹt kẹp vào rau. Ăn nó có mùi ngai ngái đậm chất rừng. Giờ không chỉ luộc, người ta xào tỏi, nấu canh... Nó đang chiếm thế thượng phong trong các nhà hàng lớn, chứ đừng nói quán ăn nhỏ. Có lẽ một phần là do nó lạ, dù giờ đã đủ thời gian để hết lạ rồi, bởi mang về vườn trồng nó lên nhanh hơn cỏ, duy có cái vị rừng thì không còn, và cũng bởi người ta tin nó là rau sạch.
Món nữa là cá, cá suối, đặc biệt là cá niên thì đúng là thời trân của núi rừng. Là loại cá nhỏ, dẹt, chỉ ăn rêu và bơi ngược nước. Xưa không biết thế nào, nhưng giờ để được ăn nó là điều không phải khó. Tất cả các quán cơm trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ Đăk Glây tới Thạnh Mỹ đều có món cá này, như một thương hiệu để khách không thể quên nhà hàng. Nó, đơn giản chỉ là nấu canh cà chua, rán hoặc kho đều ngon, à không ngon, mà là rất ngon, đặc biệt là bộ lòng...
Hết Quảng Nam, đến ngã ba Thạnh Mỹ, thay vì đi thẳng để tiếp tục tới A Lưới rồi ra Bắc tiếp, tôi thường rẽ ngoặt xuống Hòa Cầm, xuống quốc lộ 1, hoặc là vào Đà Nẵng, hoặc chui hầm Hải Vân ra thẳng Huế.
Lần này tôi ghé Đà Nẵng. Đã bảo, đi chơi mà, việc gì mà vội.
Đà Nẵng, cũng như Huế, thay đổi tới ngỡ ngàng, theo hướng để phục vụ du lịch, vừa hiện đại vừa dịu dàng bản sắc...
(Còn tiếp)