TP.HCM đón khách quốc tế, nỗ lực lấy lại vị thế dẫn đầu ngành du lịch
Trong tháng 3, TP.HCM sẽ triển khai mạnh kế hoạch phát triển du lịch, đón khách du lịch quốc tế, nỗ lực để lấy lại vị trí dẫn đầu trong ngành du lịch.
Chiều 7/3, UBND TP.HCM tổ chức họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 năm 2022 và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM.
Toàn cảnh buổi họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 năm 2022 và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM diễn ra chiều 7/3
Ông Đặng Quốc Toàn - Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, trong tháng 3, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung công tác phòng chống dịch, chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi; triển khai các giải pháp thực hiện chủ đề năm, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Cũng trong tháng 3, TP sẽ triển khai mạnh kế hoạch phát triển du lịch, đón khách du lịch quốc tế, nỗ lực để lấy lại vị trí dẫn đầu trong ngành du lịch. Đồng thời, giám sát và kiểm soát tốt thị trường, nguồn hàng, giá cả khi tình hình sắp tới dự báo còn khó khăn. TP cũng sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ đường vành đai 3 để trình Bộ Chính trị và Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Đặng Quốc Toàn - Chánh văn phòng UBND TP.HCM
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, thời gian qua xảy ra hiện tượng tập trung đông người, để xe không đúng nơi quy định, mua bán hàng rong rất bát nháo ở khu vực công viên bến Bạch Đằng. Công an TP.HCM đã tiến hành nhiều biện pháp để xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường đồng thời kiến nghị sở xây dựng bố trí nơi gửi xe để người dân thuận tiện tham quan. Bên cạnh đó, vị đại tá cũng khuyên người dân nên hết sức cẩn thận với nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và tiền ảo.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP.HCM
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết từ nay đến trước năm 2025 cần xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng dọc sông Sài Gòn như làm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ ven bờ kè, xây dựng không gian công viên cây xanh và quảng trường đô thị. Từ năm 2025 đến 2045, triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí theo kế hoạch.
Mục tiêu là từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh. Ðề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông được chia làm hai giai đoạn để thực hiện.
Giai đoạn một từ năm 2022 đến 2025, thành phố sẽ triển khai chương trình cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn, khu vực trung tâm TP.HCM gắn với các đề án phát triển kinh tế dịch vụ, ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước; triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí.
Giai đoạn hai từ năm 2025 đến năm 2045, TP.HCM sẽ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch. Ðồng thời, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông; liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng bảo đảm lợi ích chung của TP.HCM, phù hợp chủ trương, định hướng quy hoạch cấp cao hơn và đáp ứng với thị trường và tốc độ phát triển chung.
Ông Đặng Quốc Toàn - Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết mặc dù kinh tế Thành phố đang dần phục hồi trở lại, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng sự xuất hiện và các mức độ ảnh hưởng khác nhau của biến chủng mới (Omicron), đồng thời, giá cả xăng dầu, hàng hóa, nhiên nguyên vật liệu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên, gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 2 và dự báo trong suốt Quý I năm 2022. Một số chỉ tiêu tăng trưởng giảm: Tổng doanh thu du lịch tháng 2 ước đạt hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 51,34% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách công cộng 02 tháng ước đạt 12,7 triệu lượt hành khách, giảm 78,2% so với cùng kỳ. Có 4.700 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 68.678 tỷ đồng; so với tháng trước giảm 69,70% về số lượng, giảm 27,03% về số vốn; so với cùng kỳ: tăng 21,57% về số lượng, giảm 43,37% về vốn. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 88.000 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa tăng 19,07%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 1,35%. Trong tháng 2, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP HCM đạt nhiều khởi sắc. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 2 tháng đầu năm ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 2 tháng ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Chỉ số công nghiệp tính chung 2 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1% so với cùng kỳ. Bốn nhóm ngành công nghiệp chủ yếu ước tăng 9% so với cùng kỳ. |
Kinh tế TP.HCM đang dần phục hồi trở lại, tình hình dịch bệnh COVID-19 của Thành phố vẫn đang được kiểm soát tốt.