Rượu cần ở Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ công bố quyết định Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng tỉnh Bình Phước”.

Tỉnh Bình Phước có vị trí địa lý chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Từ lâu, đồng bào S'tiêng gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên và tích lũy nghề truyền thống riêng của dân tộc mình, trong đó có kỹ thuật chế biến rượu cần.

Với người S’tiêng, rượu cần thể hiện văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, mối quan hệ gắn kết cộng đồng về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Trong các dịp lễ hội quan trọng, các sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của một đời người, luôn luôn có hình ảnh rượu cần và cồng chiêng.

Với quá trình chế biến và cách lên men mang đặc trưng riêng, rượu cần người S'tiêng Bình Phước được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 20/12/2019.

Rượu cần ở Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 1

Cộng đồng người S’tiêng tại Bình Phước đón nhận giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đỗ Minh Trung nhấn mạnh, kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học của tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đang còn duy trì di sản và các cơ quan, đơn vị có liên quan đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc nói chung, di sản của tỉnh Bình Phước nói riêng. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa thiết thực đối với một di sản của cộng đồng người S’Tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Rượu cần ở Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 2

Phó giám đốc Sở VHTTDL Bình Phước Đỗ Minh Trung phát biểu tại buổi lễ

Ông Đỗ Minh Trung đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của các địa phương có di sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa, đẩy mạnh công tác truyền dạy các tri thức, kỹ thuật chế biến rượu cần.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao quyết định và giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cộng đồng người S’tiêng tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh và thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Rượu cần của người S'Tiêng có hai loại: Rượu cần ngọt và rượu cần đắng. Tuy khác vị nhưng nó đều tinh khiết, có hương thơm nồng rất dễ uống. Để có được những ché rượu cần ngon, người S'Tiêng phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ làm men, ủ bỗng, chế rượu...

Rượu cần ở Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 3

Rượu cần là nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào S'Tiêng

Làm rượu cần, men là yếu tố rất quan trọng, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, tay nghề cao. Người ta phải vào rừng lấy vỏ cây. Vỏ cây Hmuôl mọc bên bờ suối sẽ cho men chế nên rượu cần đắng, còn vỏ cây Kraiđăng ở dưới hẻm đá cho men chế rượu cần ngọt. Vỏ cây lấy về thái nhỏ, phơi khô, giã thành bột mịn.

Đã có chất liệu men rồi sẽ chọn gạo. Phải là gạo ngon, hạt đều và mẩy, ngâm nước cho trương mềm, đem giã nhuyễn, sau đó trộn với bột vỏ cây Hmuôl hoặc vỏ cây Kraiđăng theo tỷ lệ 1 vỏ 4 (hoặc 5) gạo. Hỗn hợp khô có thể thêm nước sôi nguội rồi nặn thành những quả men tròn vừa lòng bàn tay, xếp vào nia phủ lá chuối, ủ nơi kín gió từ 2 - 5 ngày. Đợi khi quả men được phủ bên ngoài một lớp phấn trắng, có mùi thơm, lấy lá khô đốt nhẹ lớp phấn rồi lấy dây rừng xâu lại treo lên gác bếp, chừng 1 tháng là có thể sử dụng được.

Xong khâu làm men đến công đoạn làm cơm rượu (ủ rượu). Với rượu cần đắng dùng lá cây Prareng, rượu cần ngọt dùng lá Mól hoặc lá cây Krạ hái từ rừng về thái nhỏ, giã nát, lấy gạo trộn với lá theo tỷ lệ 2 - 1 (2 cân lá, 1 cân gạo) rồi bỏ vào ống nứa, cho nước nấu thành cơm. Cơm chín đổ ra nia sạch, dàn đều cho nguội, lấy men rượu cho vào cối giã thành bột rồi rắc lên cơm, trộn đều với tỷ lệ 1 - 1 (1 quả men, 1 cân cơm) rồi đưa hỗn hợp cơm và men vào ché để đổ nước ủ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An

CLIP HOT