“Phá” ranh giới liên tỉnh, ngành du lịch vẫn lo nay mở mai đóng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau nhiều tháng đóng băng, các tỉnh thành bắt đầu mở các tour “phá” ranh giới liên tỉnh, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều lo ngại việc mở cửa rồi lại đóng.

Sang tháng 10, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Chính phủ thay đổi chủ trương chống dịch từ zero Covid sang sống chung với dịch, ngành du lịch từng bước được khôi phục. Ngoài TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác cũng bắt đầu mở cửa du lịch đón khách ngoại tỉnh, hàng không mở các đường bay nội địa. Địa phương mở cửa đến đâu có sản phẩm an toàn đến đó.

Liên tiếp “phá” ranh giới liên tỉnh

Ngày 15/10, tỉnh Quảng Bình đã đón đoàn khách TP.HCM đầu tiên du lịch đến địa phương sau thời gian dài. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên mạnh dạn mở cửa cho du khách ngoại tỉnh. Đoàn khách đã có hành trình trải nghiệm hang động mùa nước lên cực mãn nhãn và khác biệt.

“Phá” ranh giới liên tỉnh, ngành du lịch vẫn lo nay mở mai đóng - 1

Những hành khách đầu tiên từ TP.HCM đến Quảng Bình chiều 15/10.

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, hiện tại, Quảng Bình thí điểm tổ chức tour trọn gói "1 cung đường - 2 điểm đến" từ các địa phương khác tới. "Chúng tôi cam đoan tuân thủ theo các quy định an toàn của Bộ Y tế, đảm bảo thực hiện 5K, nhân viên đều được tiêm vaccine phòng Covid-19. Hành khách cũng bảo đảm đã tiêm đủ liều vắc xin, có "chứng chỉ xanh", được test nhanh trước khi đến và rời đi. Tùy vào tình hình, chúng tôi sẽ cho phép hành khách tự do đi lại nhưng phải tự theo dõi sức khỏe chính mình", ông Nguyễn Ngọc Quý cho biết.

Sau nhiều tháng tạm dừng đón khách, ngày 22/10, sân bay Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chào đón chuyến bay mang số hiệu 0V8059, đưa những du khách đầu tiên đến huyện đảo này.

Trước đó, từ ngày 1610, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt đầu nới lỏng kiểm soát đi lại liên tỉnh, mở cửa bãi tắm biển. Theo kế hoạch, tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở vùng có cấp độ dịch 1 và 2 được hoạt động 100% công suất. Ở vùng cấp độ 3, hoạt động tham quan tại điểm du lịch và sự kiện tập trung trong nhà, các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người, cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống ở khu du lịch không hoạt động quá 50% công suất. Du khách từ các tỉnh lân cận đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu ngày một nhiều, tuy nhiên, hầu hết phải quay về trong ngày vì các khách sạn không nhận khách do lo ngại dịch bệnh lây lan.

“Phá” ranh giới liên tỉnh, ngành du lịch vẫn lo nay mở mai đóng - 2

Sân bay Côn Đảo chào đón chuyến bay đầu tiên sau 4 tháng giãn cách

Tại Khánh Hòa, từ ngày 16/10, nhiều công ty du lịch đã bắt đầu đón khách du lịch nội địa có thẻ xanh hoặc thẻ vàng Covid-19 tới thành phố biển Nha Trang. Các điểm tham quan du lịch như Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng đón khách trở lại. Người dân cũng được tắm, vui chơi tại bãi biển công cộng. Các khách sạn, resort Vinpearl trên đảo Hòn Tre của Công ty CP Vinpearl - Chi nhánh Nha Trang cũng tổ chức cho khách tới nghỉ dưỡng. 

Những ngày gần đây, tỉnh Bình Thuận cũng đã bắt đầu đón những đoàn khách du lịch đầu tiên đến nghỉ dưỡng tại 3 cơ sở lưu trú 3-5 sao ở Phan Thiết. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết trước mắt các cơ sở du lịch địa phương sẽ tập trung đón khách nội địa, nhất là các nhóm khách nhỏ, gia đình ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Nếu tình hình tiếp tục ổn định, địa phương sẽ đón khách quốc tế trong quý 1/2022. 

Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng đã cho phép hoạt động du lịch trở lại sau chuỗi ngày dài không xuất hiện các ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Một số địa phương xây dựng kế hoạch đón khách du lịch ngoại tỉnh đã tiêm 2 mũi vaccine và có xét nghiệm PCR trong 48 giờ - 72 giờ.

Tại Thanh Hoá, hai khu du lịch FLC Sầm Sơn và Pù Luông sẽ được đón khách toàn quốc từ tháng 10, các nơi khác dự kiến trong tháng 11.

Để du lịch không mở rồi lại đóng

Dù mạnh dạn mở cửa nhưng các địa phương cũng thận trọng đưa ra những quy định đối với du khách phải được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 sau 14 ngày, hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng. Trẻ em đi cùng chưa tiêm vaccine, phải có kết quả âm tính với dịch Covid-19. Toàn bộ du khách sẽ được lấy mẫu xét nghiệm khi đến nơi lưu trú. Quản lý và nhân viên tiếp xúc khách du lịch phải được tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh; lao động tại các bộ phận khác trong cơ sở phải được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. 

Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Việc mở cửa đón khách nội tỉnh chỉ giúp địa phương bước đầu có khách, còn để du lịch thật sự hồi phục phải có sự liên kết.

“Hạn chế hiện nay là thiếu sự kết nối giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch, đây là điều kiện hết sức quan trọng để phục hồi kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương một tiêu chí thì không thể phục hồi được, nếu đơn độc thì địa phương cũng không thể phát triển được.”, ông Giang cho hay.

“Phá” ranh giới liên tỉnh, ngành du lịch vẫn lo nay mở mai đóng - 3

Đoàn du khách đầu tiên từ TP.HCM đến Tây Ninh theo tour khép kín 

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, bày tỏ lo ngại tình trạng mở ra rồi mà không quản trị được, có dịch lại phải đóng. Bởi, khi mở lại hoạt động du lịch không đơn giản, cần vận hành như thế nào để bền vững.

Ông cho rằng, tâm lý người dân chưa thực sự an tâm vì vậy cần tổ chức truyền thông tích cực, chủ động để tạo niềm tin trong dân, từ đó mới thu hút được khách đi du lịch.

Đại diện của nhiều địa phương khác như Quảng Bình, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh cũng cho rằng, du lịch sẽ khó vận hành nếu người lao động chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine và mỗi địa phương có tiêu chí khác nhau về du lịch an toàn, thậm chí địa phương khá lúng túng khi triển khai trong thực tế…

Theo ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Du lịch Lữ hành UNESCO Hà Nội, một số địa phương xây dựng tiêu chí an toàn nhưng chưa thống nhất tiêu chí, quy định vận chuyển du khách tham gia tour du lịch an toàn. “Nếu mỗi địa phương áp dụng những tiêu chí khác nhau thì toàn ngành du lịch khó có thể phục hồi như mong muốn. Nếu địa phương thực hiện đơn lẻ thì địa phương cũng không thể phát triển ngành du lịch hồi phục trong tổng thể chung”- ông Hùng phân tích.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nêu rõ, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn thấp, nên chưa mạnh dạn mở cửa. Chính vì vậy, để du lịch thực sự phục hồi thì đòi hỏi phải có bộ tiêu chí áp dụng cho tất cả các địa phương.

Ngày 20/10, Bộ VHTT&DL đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc “Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động VHTT&DL.

Cụ thể đối với vùng cấp độ 1 và 2, cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động 100% công suất; di tích, bảo tàng hoạt động bình thường (hoặc không phục vụ quá 20 người). Các điểm tham quan phải tạo mã QR để quản lý người ra, vào và khai báo y tế; người hướng dẫn, thuyết minh phải tiêm ít nhất một liều vaccine đủ 14 ngày trở lên hoặc khỏi bệnh và có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Đối với vùng cấp độ 3: Hoạt động tham quan tại điểm du lịch và sự kiện tập trung trong nhà, các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người. Cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống, phương tiện đưa đón ở khu du lịch không hoạt động quá 50% công suất; di tích, bảo tàng thực hiện quy định giống cấp độ 2 nhưng không quá 10 người/đoàn. Đối với vùng cấp độ 4: Dừng hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch, tour du lịch và các sự kiện trên 20 người trong nhà. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng không quá 30% công suất, phương tiện đón khách không sử dụng quá 50% số ghế.

“Việc ban hành hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ tạo ra sự thống nhất giữa các tỉnh thành trong việc xây dựng kế hoạch phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19, từ đó tạo điều kiện cho DN xây dựng, khai thác tour, tuyến mới”- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt nêu rõ.

6 biện pháp để kích hoạt phục hồi ngành du lịch Việt Nam

Theo đại diện công ty chuyên tư vấn quản lý doanh nghiệp McKinsey, trong quá trình các doanh nghiệp lữ hành xây dựng định hướng phục hồi, cần giải quyết những rủi ro và quan ngại liên quan đến COVID-19, cũng như những bất cập và xu thế vốn đã tồn tại từ trước khi khủng hoảng xảy ra. Việt Nam và các nước đang duy trì không ca nhiễm có thể áp dụng 6 biện pháp sau khi bắt đầu bước vào hành trình hồi phục kinh tế

Chú trọng du khách trong nước: Có thể vực dậy nhu cầu trong nước bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành và phối hợp cùng chính quyền địa phương, công ty lữ hành trực tuyến, điểm du lịch, khách sạn và hãng hàng không. Để khai thác triệt để hơn cơ hội du lịch trong nước, các công ty du lịch cần chú trọng đến những sản phẩm dịch vụ phù hợp khả năng chi trả của khách, đồng thời duy trì các sản phẩm và trải nghiệm chất lượng cao.

Cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu: Kích thích nhu cầu và đẩy mạnh số lượng bằng các biện pháp giảm giá và trước bán hàng là những chiến thuật quan trọng trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, đặc biệt là đối với những công ty cung cấp dịch vụ hạng sang do vẫn chưa thể sớm khai thác nhu cầu khách quốc tế. Doanh nghiệp cũng có thể tìm cách bán sản phẩm theo gói - để có cơ hội bán chéo và bán thêm, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được mức giá cao hơn. 

Tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của du khách nước ngoài đến Việt Nam: Để khai thác nhu cầu du lịch ra nước ngoài, các công ty lữ hành cần theo dõi tình hình triển khai bong bóng du lịch. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam, do phần lớn du khách nước ngoài đến từ các khu vực lân cận có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ và có tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp. Các công ty lữ hành sẽ cần phải linh hoạt và nhanh nhạy để có thể sớm nắm bắt được nhu cầu du lịch quốc tế, và có sự chuẩn bị để đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của cả Việt Nam và điểm đến về y tế và an toàn.

Xác định lại vai trò của nhà nước trong hoạt động du lịch: Tại hầu hết các nước, công cuộc đổi mới ngành du lịch cần có sự tham gia của chuyên gia trong ngành phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp và nhà nước. Với các cơ quan quản lý ngành du lịch, đây sẽ là cơ hội hấp dẫn để đổi mới vai trò của mình trong quá trình phục hồi và sau đó nữa. Đầu tiên là thúc đẩy nhu cầu trong nước để bù đắp cho thu nhập bị mất từ du khách quốc tế, và sau đó là quảng bá hình ảnh của Việt Nam – một quốc gia kiểm soát đại dịch hiệu quả.

Lúc này (thực sự) là thời điểm để áp dụng công nghệ số: Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng đã sử dụng kênh số ngày càng nhiều để đặt chỗ du lịch. Năm 2018, đặt chỗ trực tuyến đã chiếm đến 19% tổng số tour và quy mô thị trường. Đại dịch nổ ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu. Doanh nghiệp cũng có thể tính đến chuyện áp dụng công cụ số vào những điểm mới trên hành trình của khách hàng Những giải pháp và chính sách cho phép khách hàng có sự lựa chọn và kiểm soát lịch trình của mình sẽ giúp xây dựng niềm tin và sự tin tưởng về lâu dài – vốn là điều kiện cần thiết để sớm kéo du khách trở lại.

Bổ sung những trải nghiệm mới cho du khách: Không chỉ dừng lại ở cơ sở lưu trú, và ‘phân bố lại’ đầu tư cho du lịch hướng tới những điểm đến đa dạng, phi truyền thống Trên toàn thế giới, du khách đang cá nhân hóa những chuyến đi của mình bằng việc thám hiểm điểm đến. Thay vì chi cho phòng nghỉ hạng sang, du khách đang dành tiền cho những trải nghiệm. Nhiều du khách còn đặt chỗ cho các hoạt động trước cả khi lên đường. Các công ty du lịch có thể thay đổi phương thức hoạt động từ xây dựng resort hạng sang và bán vé tham quan sang thiết kế những hoạt động độc đáo và khai thác những trang nền tảng này cho xu thế du lịch – trải nghiệm.

(Mời quý độc giả theo dõi bài tiếp theo trong loạt bài "Ngành Du lịch chủ động phá băng" vào 11h ngày mai, 28/10/2021)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An - Phương Hà

CLIP HOT