Lao đao vì dịch, doanh nghiệp du lịch muốn sớm có vaccine để tự cứu mình
Dù đang trong tình thế sức cùng lực kiệt do dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn muốn tham gia chương trình xã hội hóa vaccine để tự cứu mình.
Sẵn sàng bỏ tiền tiêm vaccine cho nhân viên
Việt Nam hiện đang nằm ở đỉnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, ngành du lịch lại càng khó khăn chồng chất. Tại TP.HCM, sau 5 tháng đầu năm 2021, chỉ có khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp lữ hành là còn đang hoạt động cầm chừng trên địa bàn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu không có vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, du lịch Việt Nam sẽ đánh mất đi nhiều lợi thế.
Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước Đông Nam Á láng giềng đã tiến hành tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch nhằm đón lượng khách quốc tế vào mùa hè năm nay. Tiến độ tiêm vaccine càng được đẩy nhanh, cơ hội cho ngành du lịch hồi phục càng lớn.
Mặc dù nằm trong số đối tượng được ưu tiên tiêm chủng, nhưng do nguồn cung vaccine còn hạn chế nên lao động du lịch Việt Nam chưa thể sớm tiếp cận với nguồn vaccine ngừa Covid-19.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp có liên quan đến du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố về việc xã hội hóa tiêm vaccine phòng chống Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist
Trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho biết doanh nghiệp này hoàn toàn ủng hộ phương án xã hội hóa để đẩy nhanh việc mua vaccine và tiêm chủng cho từ 80%-100% người dân, chủ động sống chung với dịch. Ông Mẫn bày tỏ, doanh nghiệp mong muốn chia sẻ với Chính phủ gánh nặng tài chính nhằm nhanh chóng tái khởi động lại ngành công nghiệp không khói này.
“Đây cũng là cách chúng ta tìm kiếm cơ hội để chuẩn bị lại thị trường khách inbound cũng như các điều kiện cần và đủ để chủ động triển khai hộ chiếu vaccine một cách hiệu quả. Chúng tôi đã đăng ký cho toàn thể cán bộ - nhân viên kể cả gia đình cán bộ - nhân viên sớm tiếp cận với nguồn vaccine theo hướng xã hội hoá”, ông Mẫn chia sẻ.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm rưỡi cầm cự, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã sức cùng lực kiệt. Không có nguồn thu, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, thậm chí đóng cửa, ngưng hoạt động. Việc bỏ ra một khoản tiền dù không lớn để tiêm vaccine cho cán bộ nhân viên đối với họ cũng là một gánh nặng.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, cho rằng việc ủng hộ tiền cho quỹ vaccine phòng Covid-19 và việc tự doanh nghiệp bỏ tiền ra tiêm vaccine cho người lao động của mình là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
“Nếu không có chương trình tiêm vaccine miễn phí cho lao động du lịch thì chúng tôi sẵn sàng tự bỏ tiền ra mua vaccine tiêm cho họ. Đây là một điều tất nhiên, mình không thể bỏ họ. Tôi nghĩ, ngành nghề nào thì xã hội hóa tiêm vaccine cho ngành nghề đó” - ông Thành cho biết.
Chìa khóa phát triển hậu Covid-19
Hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như theo công văn của Hiệp hội Du lịch Việt Nam về việc xã hội hoá chương trình vaccine phòng chống Covid-19, Hiệp Hội Du lịch TP.HCM đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia để người lao động được tiêm vaccine.
Chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết Hiệp hội đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình xã hội hoá vaccine phòng chống Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM
Mặc dù thời điểm này các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhưng phần lớn đều hưởng ứng và xác định tham gia chương trình để sớm có vaccine trong lĩnh vực du lịch. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia xã hội hóa vaccine sẽ đăng ký trực tiếp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam và số lượng đăng ký đang tăng lên mỗi ngày.
Bà Khánh cũng cho hay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề cho ngành du lịch, các doanh nghiệp đang trong tình thế vô cùng khó khăn, nguồn thu cạn kiệt. Việc xã hội hóa vaccine cũng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp.
“Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng thấu hiểu nhưng không thể nào hỗ trợ được hết cho tất cả doanh nghiệp. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình kết nối với các cơ quan chức năng và vận động xã hội hóa từ nhiều nguồn lực bên ngoài để ủng hộ mua vaccine tiêm cho những người hoạt động trong ngành du lịch”, bà Khánh cho biết thêm.
Theo người đứng đầu Hiệp hội Du lịch TP.HCM, giải pháp đối với ngành du lịch của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là vaccine cho những người làm du lịch, bao gồm phục vụ, hướng dẫn viên, những người thường xuyên tiếp xúc với khách ở các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, khu mua sắm…
“Hiệp Hội Du lịch TP.HCM mong rằng làm sao để vaccine sớm đến với những đối tượng này. Sắp tới đây, các nước cũng sẽ có chương trình hộ chiếu vaccine. Nếu những người làm du lịch nước mình được tiêm vaccine, du khách mới yên tâm. Đó là chìa khóa cho việc phát triển du lịch sau khi hết dịch”, bà Khánh kỳ vọng.
Một khi có chính sách xã hội hoá hợp lý, các công ty vừa và nhỏ của ngành du lịch sẵn sàng bỏ tiền tiêm vaccine ngừa...