Mất cao điểm hè, doanh nghiệp du lịch kiệt sức mỏi mòn chờ cứu trợ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Làn sóng dịch thứ 4 ngay đúng cao điểm du lịch hè 2021 khiến ngành du lịch 'choáng váng', không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà cả những 'ông lớn' cũng đứng trước cơn 'hấp hối'.

Vượt qua 3 làn sóng dịch Covid-19, ngành du lịch lạc quan khi 'mùa vàng' cao điểm hè đã cận kề thì làn sóng dịch thứ 4 ập tới. Do tâm lý lo ngại, lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80-90% trong tháng 5 và tháng 6/2021. Khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp du lịch, lữ hành cạn kiệt dòng tiền, hầu hết rơi vào trạng thái ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Kiệt quệ tài chính, khủng hoảng nhân lực

Theo Sở Du lịch TP.HCM, sau 5 tháng đầu năm 2021, chỉ có khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp lữ hành là còn đang hoạt động cầm chừng trên địa bàn. Theo đó, toàn thành phố có 1.049 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 567 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 52%), 105 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (chiếm 9,6%), 392 doanh nghiệp không hoạt động (chiếm 35,9%), 27 doanh nghiệp thay đổi trụ sở đi nơi khác (chiếm 2,5%).

Một khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cũng cho thấy, hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc.

Mất cao điểm hè, doanh nghiệp du lịch kiệt sức mỏi mòn chờ cứu trợ - 1

Các địa điểm du lịch vắng bóng khách tham quan

Trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho biết 4 đợt dịch qui mô lớn cùng 2 đợt giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lên tất cả ngành nghề, trong đó du lịch lữ hành là ngành chịu sự ảnh hưởng ngiêm trọng và nặng nề nhất. Trong đó bao gồm tổn thất tài chính, tổn thất nhân lực và nhiều rủi ro khác. Khó khăn càng ngày càng tăng, những doanh nghiệp còn trụ vững cho đến hết năm 2021 là một sự cố gắng phi thường.

Hiện TST chỉ duy trì bộ khung lãnh đạo chủ chốt và các lãnh đạo, chuyên viên nghiệp vụ trong điều kiện giãn cách với tỷ lệ 30% để duy trì công việc.

Trong khi đó, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, chia sẻ công ty của ông đang gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu đã cạn, cầm cự được lúc nào hay ngày đó. Hiện tại, công ty đã giảm một lượng nhân viên để họ tìm công việc khác mưu sinh đợi khi ngành du lịch hồi phục.

Ông Thành cho biết, trước đây, du khách có xu hướng đi theo tour nhưng khi dịch xuất hiện, du khách có tâm lý sợ đông người nên họ thường hạn chế đi du lịch hoặc nếu có đi thì cũng đi theo nhóm hoặc gia đình. Vì vậy, dù có nỗ lực nhưng tình hình của doanh nghiệp cũng không mấy khả quan.

Chung cảnh ngộ, ông Huỳnh Đăng Nhựt Tâm, giám đốc Công ty Du lịch Thương Hiệu Việt, cho hay, trong hơn 1 năm rưỡi dịch Covid bùng phát, doanh nghiệp gần như kiệt sức.

Hiện công ty ông Tâm tạm thời ngưng hoạt động, chế độ cho nhân viên công ty đang hỗ trợ mức lương 50% trong 4 tháng. Riêng về Khu Sinh Thái Về Quê đang giảm biên chế nhân sự 30%, các phòng ban cũng giảm ngày công, chỉ duy trì việc bảo dưỡng trùng tu các công trình, quang cảnh.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào đầu mùa hè, mùa cao điểm du lịch nhất năm nên tác động rất khủng khiếp. Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả các 'ông lớn' cũng choáng váng.

Theo ông Đặng Bảo Hiếu, chủ tịch HĐQT Focus Vietnam, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều không trụ nổi. Focus Vietnam cũng đang gặp vô vàn khó khăn với doanh thu sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng. 

“Kể từ đầu mùa dịch đến nay, đã có đến 3 lần các doanh nghiệp du lịch khởi động, rồi dừng, khởi động rồi dừng. Những doanh nghiệp du lịch không biết bấu víu vào đâu và vào ai trong khi dòng tiền đã cạn kiệt và khó có thể trụ nổi qua các làn sóng dịch. Thậm chí, các ngân hàng còn chẳng dám cho chúng tôi vay tiền", ông Hiếu bày tỏ.

Mất cao điểm hè, doanh nghiệp du lịch kiệt sức mỏi mòn chờ cứu trợ - 2

Hội An vắng khách

Không chỉ cạn kiệt tài chính, các doanh nghiệp du lịch còn đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực trầm trọng. Trên thực tế, nguồn nhân lực du lịch sau các đợt dịch còn rất ít ỏi, chủ yếu là những người rất yêu nghề và nằm ở những doanh nghiệp có năng lực, có sức chống đỡ. Nhưng với đợt dịch lần thứ 4 này, nhiều lao động có năng lực buộc phải chuyển sang ngành nghề khác để mưu sinh khi doanh nghiệp không còn hoạt động. 

"Nguồn nhân lực của ngành nhanh chóng giảm sút không những tạo nên gánh nặng cho xã hội mà còn là sự cảnh báo về việc thiếu hụt nhân sự chất lượng cao khi cần khôi phục nhanh ngành kinh tế mũi nhọn này trong tương lai", ông Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh.

Nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt

Doanh nghiệp du lịch và người lao động ngành du lịch là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch Covid-19, nhưng qua hơn một năm lao đao vì đại dịch, các doanh nghiệp vẫn chưa chạm được vào các gói cứu trợ của Chính phủ, dù đã nhiều lần kiến nghị.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, nếu không sớm có những cơ chế, chính sách kịp thời từ Chính phủ và các cơ quan chức năng thì không chỉ thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường nội địa cũng khó có thể phục hồi hậu Covid-19. Khi đó, nguy cơ tụt hậu của ngành du lịch Việt Nam là điều khó tránh khỏi.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, cho hay từ khi ngành du lịch rơi vào tình thế khó khăn, doanh nghiệp của ông nói riêng và ngành du lịch nói chung đã có nhiều đề xuất nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

"Chúng tôi nghe nói về gói hỗ trợ miễn, giảm thuế nhưng hiện các doanh nghiệp du lịch đóng cửa gần như đã hết thì lấy đâu ra doanh thu để nộp thuế. Nhiều nước trên thế giới đã kích cầu du lịch nội địa hiệu quả bằng cách tặng người dân một khoản tiền hoặc một voucher để kích thích họ đi du lịch. Thông qua đó, công ty du lịch có việc làm, có doanh thu duy trì bộ máy, đóng thuế…", ông Thành, đề xuất.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, doanh nghiệp lữ hành vô cùng khó khăn để tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân hàng như Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai.

"Vẫn vướng mắc ở chỗ doanh nghiệp mất nhiều thời gian để chứng minh hoàn toàn không có nguồn thu phát sinh trong tháng, chứng minh tài sản... Qua 2 đợt dịch, hầu hết doanh nghiệp đều tìm kiếm sự hỗ trợ từ nguồi tài chính này nhưng đến nay vẫn chỉ như... chưa bắt đầu", ông này chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Mẫn cũng đề xuất: "Miễn giảm thuế, giảm chi phí điện, nước, giảm chi phí và lùi thời gian đóng BHYT, BHXH là những việc chúng tôi cần Chính phủ và các Bộ ngành xem xét và áp dụng ngay vào thực tiễn. Mọi chính sách Chính phủ thông qua cần được triển khai kịp thời và nhanh chóng, gắn với tình huống thực của doanh nghiệp. Thời gian triển khai càng chậm, doanh nghiệp càng gia tăng khó khăn và giảm khả năng cầm cự".

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Đăng Nhựt Tâm, giám đốc Công ty Du lịch Thương Hiệu Việt, cũng cho rằng, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của Covid-19, do đó cần cơ chế chính sách đặc biệt để hỗ trợ về vốn nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp du lịch, tài sản lớn nhất là con người và thương hiệu, nhưng thực tế 2 tài sản này không có giá trị để thế chấp. Chính vì thế, doanh nghiệp du lịch mong mỏi có các khoản vay không cần thế chấp với lãi suất thấp và giãn nợ đối với các khoản vay đã giải ngân.

Đại diện các doanh nghiệp cũng nhận định, quan trọng nhất hiện nay vẫn là làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để hoạt động du lịch được khởi động trở lại. Nếu dịch được kiểm soát tốt thì cơ hội cho ngành du lịch hồi phục càng lớn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Linh

CLIP HOT